Lạm dụng, sử dụng kháng sinh không hợp lý làm tăng tình trạng kháng thuốc trong bệnh viện

Trong hàng chục năm qua, không có thêm một loại kháng sinh nào mới xuất hiện, trong khi việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Dược lâm sàng 2022 – Quản lý và tối ưu hóa sử dụng kháng sinh trong bệnh viện diễn ra ngày 22/9 tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 1000 nhà khoa học, dược sĩ, bác sĩ đến từ các cơ quan quản lý, các sở y tế, các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo ngành dược bậc đại học trong cả nước, cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc dược và dược lâm sàng đến từ các trường đại học của Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị Dược lâm sàng 2022

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị Dược lâm sàng 2022

Lạm dụng kháng sinh làm gia tăng tình trạng kháng thuốc

Phát biểu tại Hội nghị Dược lâm sàng 2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dược lâm sàng là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu đối với ngành y tế, được xem là vấn đề trọng điểm, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Trong những năm qua, công tác dược lâm sàng cũng được Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131 Quy định về tổ chức hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh. Đến nay, hầu hết các địa phương đã có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện NĐ 131 của Chính phủ và công tác dược lâm sàng tại các cơ sở y tế ngày càng được quan tâm bởi làm tốt các hoạt động này có ý nghĩa trực tiếp và gián tiếp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Nhiều bệnh viện đã triển khai các hoạt động như thông tin về thuốc, theo dõi phản ứng tác hại của thuốc, nghiên cứu khoa học, tối ưu hóa việc kê đơn, cấp phát sử dụng thuốc cho người bệnh, tham gia hội chẩn….

Có một vấn đề đang được quan tâm hiện nay là tình trạng kháng kháng sinh tại các bệnh viện. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh".

Các đại biểu là các chuyên gia đầu ngành về dược ở trong và ngoài nước tham dự hội nghị

Thực tế, việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các thuốc kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng. GS.TS. Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội cho biết: "Hơn 30 năm qua con người vẫn chưa tìm ra nhóm kháng sinh nào mới. Nên cách duy nhất để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn là làm thế nào để quản lý và sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả".

Giải quyết tình trạng kháng kháng sinh: Cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ máy

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: "Kháng thuốc kháng sinh xảy ra không phải ở riêng một quốc gia nào, đặc biệt nổi trội ở các quốc gia đang phát triển". Kháng thuốc kháng sinh sẽ gây khó khăn trong điều trị người bệnh, mỗi năm thế giới mất hàng chục tỷ USD để giải quyết vấn đề kháng thuốc.

"Việc đảm bảo quản lý kháng thuốc kháng sinh tại các cơ sở y tế là cấp thiết và cấp bách. Năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn sử dụng kháng sinh, năm 2020 Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, đây là những tài liệu không thể thiếu trong thực hành dược lâm sàng", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.'

Hội nghị thu hút sự tham dự của lãnh đạo các bệnh viện, các bác sĩ, dược sĩ tại nhiều đơn vị trong cả nước.

Hiện nay có tình trạng người dân tự đi mua thuốc kháng sinh, thậm chí người bán thuốc có thể "kê đơn" cho người bệnh, điều này cực kỳ nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, để triển khai công tác dược lâm sàng cũng như quản lý, sử dụng kháng sinh tại từng đơn vị cần có sự nỗ lực từ các lãnh đạo bệnh viện đến các khoa phòng, đặc biệt là đội ngũ dược sĩ và bác sĩ lâm sàng.

Muốn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, giảm tối đa sự cố y khoa, thì việc triển khai các hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện là cần thiết. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, cần phân tích và dự báo cơ cấu bệnh tật trong vòng ít nhất 5 năm, từ đó phân tích nhu cầu người bệnh, xây dựng kế hoạch cho nhu cầu thuốc trong thời gian tới nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong bệnh viện.

TS.BS Nguyễn Đức Long- Giám đốc BV Xanh Pôn cho biết, qua hội nghị lần này, các kiến thức và kinh nghiệm quý giá sẽ được thảo luận chia sẻ, góp phần tăng cường trong quản lý, sử dụng kháng sinh, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai trong thực tế của các chuyên gia trong và ngoài nước xung quanh vấn đề quản lý và sử dụng kháng sinh trong bệnh viện.

H.Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-dung-su-dung-khang-sinh-khong-hop-ly-lam-tang-tinh-trang-khang-thuoc-trong-benh-vien-169220922073506433.htm