Lạm dụng kháng sinh: Dễ đến một ngày không có thuốc chữa

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, ở Việt Nam, tình hình kháng thuốc đang rất báo động khi chúng ta đứng thứ 11 trong những quốc gia có tần suất sử dụng kháng sinh nhiều nhất.

Việt Nam đứng thứ 11 trong những quốc gia có tần suất sử dụng kháng sinh nhiều nhất. Ảnh: DN

Việt Nam đứng thứ 11 trong những quốc gia có tần suất sử dụng kháng sinh nhiều nhất. Ảnh: DN

Các chuyên gia cũng cảnh báo nếu tình trạng lạm dụng kháng sinh kéo dài, tương lai các ca tử vong sẽ ngày càng nhiều do không còn thuốc chữa.

Dùng kháng sinh vô tội vạ

Tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam hiện nay xảy ra với nhiều đối tượng, trong đó chủ yếu là nhóm trẻ em do các bậc phụ huynh vô tư làm “bác sỹ” cho chính con mình. Một số cha mẹ khi thấy con mình bị sốt, tiêu chảy bèn mua ngay kháng sinh về cho trẻ uống mà không đưa trẻ đi khám.

Nói về thực tế này, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trẻ tiêu chảy có thể do vi rút hoặc vi khuẩn. Khi sử dụng kháng sinh với trẻ bị tiêu chảy do vi rút không chỉ làm cho trẻ mệt mỏi hơn mà hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ cũng bị rối loạn nghiêm trọng. Do đó khiến trẻ càng tiêu chảy nặng hơn và có thể về lâu dài trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, ăn khó tiêu hoặc lười ăn, trẻ cũng dễ bị nhiễm các bệnh lý đường ruột khác...

Cũng theo chuyên gia này, có trẻ mới chỉ 2- 3 tuổi, bị viêm phổi nhưng khi đến viện đã các bác sỹ khi phải dùng đến kháng sinh thế hệ 2, 3 (loại mạnh) mới khỏi.

Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, đây là hậu quả của việc nhiều cha mẹ cứ thấy con có biểu hiệu ốm là đến ngay cửa hàng thuốc, nhờ nhân viên tư vấn, rồi mua thuốc, bất kể đó là thuốc gì. Khi tự ý điều trị như vậy không những không điều trị đúng bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ mà còn làm tăng chi phí điều trị.

GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Phụ trách Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong quá trình thăm khám tại bệnh viện, ông đã chứng kiến nhiều trường hợp chủ quan với việc sử dụng thuốc kháng sinh. Có người bệnh khi bị ốm không chịu đi khám mà lục lại đơn thuốc được bác sỹ kê từ 3 năm trước để tự đi mua thuốc về điều trị.

Ở tầm quốc gia, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam thông tin, Việt Nam đứng thứ 11 trong những quốc gia có tần suất sử dụng kháng sinh nhiều nhất. Còn thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2018 cho thấy, kháng sinh là một trong những loại thuốc bảo hiểm y tế chi trả cao nhất. Càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì càng có nguy cơ, cơ hội cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc.

Đừng để ngày mai không thuốc chữa

Để hành động chống lại vấn nạn kháng kháng sinh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, từ năm 2013, Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.

Đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng, ông Khuê kêu gọi, mọi người chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sỹ kê đơn; không chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh dư thừa của người khác.

"Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, quan hệ tình dục an toàn và tiêm chủng vắc xin đúng lịch", Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nêu.

Đối với các bác sỹ và nhân viên y tế, theo ông Khuê, cần ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay, dụng cụ và môi trường sạch sẽ; chỉ kê đơn và phân phối kháng sinh khi cần thiết, theo phác đồ hiện hành; nói chuyện với bệnh nhân về cách sử dụng kháng sinh đúng cách, hậu quả đề kháng kháng sinh và nguy cơ lạm dụng thuốc.

Về phía Sở Y tế Hà Nội, để xảy ra việc người dân đang sử dụng kháng sinh một cách tràn lan, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, hiện việc mua, bán thuốc không cần đơn vẫn là vấn nạn, chưa giải quyết được triệt để.

Vị Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, theo quy định, bán lẻ thuốc mà không có đơn là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng nhà thuốc quá lớn, trong khi lực lượng quản lý còn mỏng. Hơn nữa, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Chẳng hạn, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc chỉ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng... Chính vì vậy, khi bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, các nhà thuốc sẵn sàng nộp phạt và sau đó lại tái phạm.

Để đưa hoạt động mua, bán thuốc vào nề nếp, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Sở đang phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc.

"Qua kiểm tra, nếu phát hiện nhà thuốc nào không kết nối mạng và bán thuốc không có đơn thuốc sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; đồng thời, các nhà thuốc phải lưu giữ thông tin về đơn thuốc và dữ liệu bệnh nhân để truy xuất khi cần thiết", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

Về phía người dân, bác sỹ Dũng khuyến cáo, khi có bệnh, cần phải đi khám và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý đi mua thuốc uống, không được bỏ thuốc giữa chừng hoặc thêm thuốc, thay thuốc khi chưa báo cho bác sĩ điều trị. Không uống thuốc kháng sinh theo đơn của người khác, không sử dụng thuốc quá hạn sử dụng hoặc đã bóc, mở lâu ngày.

Để có hệ miễn dịch tốt, hạn chế ốm đau và việc phải sử dụng thuốc, mỗi người cần xây dựng cho mình một chế độ ăn sử dụng những “kháng sinh thiên nhiên” như tỏi (chữa ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn), men vi sinh và sữa chua, ớt tươi, củ nghệ, các loài hành, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, tập luyện thể thao hợp lý.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/lam-dung-khang-sinh-de-den-mot-ngay-khong-co-thuoc-chua-116834.html