Làm đúng hết nhưng cô chỉ cho 6 điểm, hỏi lý do mới biết vì không đi học thêm

Chứng kiến một số đồng nghiệp dùng chiêu trò ép học sinh đi học thêm tôi rất bức xúc, tôi nghĩ những người này nên bỏ nghề.

Tôi là hiệu trưởng dành hơn 2/3 cuộc đời gắn bó với nghề giáo, trong đó 20 năm dạy trẻ bình thường, 10 năm dạy trẻ khuyết tật. Tròn 30 năm cống hiến cho nghề cao quý, bản thân trải qua nhiều chức vụ từ chuyên môn đến quản lý, tôii phải thừa nhận sự thật đau lòng rằng nhiều đồng nghiệp đi dạy vì sinh kế chứ không phải vì tình yêu nghề, thương học sinh. Trong đó biểu hiện rõ nhất là lợi dụng vị thế là giáo viên ép buộc, gợi ý học sinh chính khóa đi học thêm.

Hiện Bộ GD&ĐT cấm hoàn toàn dạy thêm đối với học sinh tiểu học, học sinh chính khóa, học sinh học 2 buổi tại trường. Nhưng gần 10 năm kể từ ngày ban hành Thông tư 17/2012 có cấm được dạy thêm hay không? Tình trạng dạy thêm “chui” vẫn tràn lan khắp mọi nơi, trở thành vấn nạn nổi cộm của ngành giáo dục.

Tôi hỏi nhiều giáo viên trẻ, tại sao biết dạy thêm là sai nhưng vẫn dạy? Họ thật thà trả lời vì chương trình khó, phụ huynh có nhu cầu gửi con học thêm. Một số khác thừa nhận họ dạy thêm để có thu nhập.

Theo dõi báo đài, tôi rất tâm đắc câu trả lời của vị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8 (TP.HCM): “Học sinh ở cấp độ tiểu học thì không có bất cứ lý do gì phải đi học thêm hết, do các yêu cầu cần đặt ra đối với một học sinh tiểu học bình thường đã rất nhẹ nhàng”.

Thực tế giáo viên có biết điều này hay không? Chúng tôi biết chương trình học được thiết kế phải phù hợp với độ tuổi, tâm sinh lý của học sinh. Các em học 2 buổi tại trường là đủ rồi không cần thiết phải học thêm. Một số gia đình có nhu cầu bổ túc cho con phải để phụ huynh tự nguyện lựa chọn thầy cô. Chứ không phải vì con không học thêm lớp cô nên cô không vui, không quý.

Kể ra thì nhiều trường hợp sử dụng chiêu trò để ép buộc học sinh chính khóa đi học thêm. Một trong những chiêu trò rất phản giáo dục, tôi kịch liệt phản đối đó là phân biệt, trù dập, bạo hành thể chất, tinh thần. Những thầy cô hành xử như vậy tôi khuyên nên bỏ nghề để giữ sự trong sáng cho ngành.

Hoạt động dạy thêm tiểu học bị cấm hoàn toàn. (Ảnh minh họa: VOV)

Hoạt động dạy thêm tiểu học bị cấm hoàn toàn. (Ảnh minh họa: VOV)

Bản thân gia đình tôi dù 2 vợ chồng đều là nhà giáo nhưng con tôi cũng từng là nạn nhân của việc dạy thêm. Đứa út nhà tôi học lớp 6, tiếp thu nhanh nên vợ chồng tôi quyết định dạy con ở nhà không cho đi học thêm.

Một hôm đi học về con khóc nức nở. Hỏi làm sao? con đưa bài kiểm tra môn Toán và nói con làm đúng hết nhưng cô chỉ cho con 6 điểm. Tôi soát đáp án và điểm của con phải được 9. Hôm sau con mang bài nên hỏi cô, cô trả lời vì con không đi học thêm.

Vợ chồng tôi chán nản chuyển trường cho con. Cô giáo biết chuyện xuống tận nhà tôi xin lỗi: “Con xin lỗi con không biết em là con của chú. Xin chú đừng làm to chuyện”. Tôi khuyên thật: “Cô nên bỏ nghề đi”. Sau lần đó, cô giáo bỏ nghề thật. Kể câu chuyện này để thấy mặt trái của việc dạy thêm không trừ bất kể ai nếu chúng ta không đấu tranh mạnh mẽ với những hành vi xấu xí này.

Xin gửi tới các đồng nghiệp, các bạn cũng như tôi đi làm ai cũng mong muốn được sống bằng nghề, kiếm tiền được từ công sức lao động bỏ ra. Nhưng đôi khi đồng tiền không phải là thứ chi phối tất cả. Sau này khi các em học sinh ra trường, chúng sẽ nhớ về hình ảnh thầy cô như thế nào? Tất cả phụ thuộc vào hành vi và cách đối xử của bạn đối với học sinh.

Nếu các bạn yêu thương các em bằng cả tấm lòng thì học sinh sẽ coi bạn là người cha, người mẹ thứ hai. Ngược lại nếu thầy cô chỉ coi công việc này là nghề kiếm tiền thì trong mắt học sinh giáo viên cũng chỉ là người bán chữ. Tất cả đọng lại đời học sinh chỉ là những trận đòn thù, những câu chửi ngoa ngoắt, không chút tình thương, kỷ niệm.

Không ai cấm các bạn làm giàu, nhưng hãy làm giàu một cách chính đáng bằng tất cả tinh thần phụng sự, trách nhiệm. Khi đã khoác lên mình tấm áo của nghề cao quý, danh dự và tự trọng mới là điều đáng quý nhất.

Duy Tiến

Nguồn VTC: https://vtc.vn/lam-dung-het-nhung-co-chi-cho-6-diem-hoi-ly-do-moi-biet-vi-khong-di-hoc-them-ar589025.html