Lạm dụng corticoid - Con dao hai lưỡi!

Với tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh chóng, corticoid được nhiều người coi như 'thần dược' để điều trị nhiều loại bệnh. Thế nhưng, nhiều bệnh viện đã phải cấp cứu cho không ít trường hợp là nạn nhân của việc lạm dụng corticoid với vô vàn biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh sử dụng corticoid nên cẩn trọng vì nó được ví như 'con dao hai lưỡi'.

Bệnh nhi N.T.D - nạn nhân của việc lạm dụng corticoid được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết trung ương.

Hậu quả khôn lường...

Là độc dược xếp nhóm B nhưng hiện nay trên thị trường, các loại dược phẩm, mỹ phẩm chứa corticoid được bày bán tràn lan. Dù đã có không ít lời cảnh báo về những mặt trái khi lạm dụng loại thuốc này, thế nhưng, nhiều người vẫn tìm mua thuốc có chứa corticoid về tự điều trị dẫn đến hậu quả khôn lường.

Để giảm đau, sưng trong một lần bị ngã trẹo cổ chân, bà B.T.K.D. (55 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tự ý mua thuốc giảm đau, có chứa corticoid về nhà điều trị. Không những bệnh không khỏi mà mỗi lần bước đi, bà D. đều cảm thấy rất khó khăn, không thể đặt được cả bàn chân xuống. Bà D. đã đi khám tại một số nơi và được chụp X-quang khớp cổ chân, nhưng không phát hiện ra nguyên nhân gây đau.

Do vậy, suốt hơn 20 năm qua, bà đã phải sống chung với vết thương ở cổ chân cùng những viên thuốc giảm đau, thuốc corticoid mỗi ngày. Tính đến nay, số lượng thuốc bệnh nhân D. đã uống để giảm những cơn đau ước tính vài chục kilogram. Mới đây, khi đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các bác sĩ cho biết, việc sử dụng thuốc corticoid trong thời gian dài đã làm cho mặt bà D. bị tích nước, tình trạng loãng xương xuất hiện, lưng và hai khớp gối bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng theo.

Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, các bác sĩ tiếp nhận không ít bệnh nhân sử dụng kem làm trắng da, kem trộn, nhất là các loại mỹ phẩm giả, trôi nổi có chứa corticoid. Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, lúc đầu mới sử dụng bôi, làn da của người dùng sẽ trắng sáng rất nhanh nhưng đó chỉ là tác dụng nhất thời. Nếu lạm dụng dùng lâu dài sẽ gây ra tác dụng phụ như: Giãn mạch, nám, mụn hay tăng sắc tố da… Đây là những triệu chứng điển hình do corticoid gây ra.

Không có chỉ vậy, tình trạng lạm dụng corticoid còn diễn ra phổ biến ở không ít cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, các nhà thuốc gia truyền trên cả nước. Bệnh viện Nội tiết trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhi N.T.D. (5 tuổi, ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) nhập viện trong tình trạng béo phì, mặt sưng nề, mọc lông và rậm lông vùng mặt, mép.

Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đây 4 tháng, bé D. ho sốt và được bệnh viện huyện chẩn đoán, điều trị viêm tiểu phế quản nhưng chưa khỏi hoàn toàn. Gia đình đã đưa bé tới phòng khám tư tại địa phương để tiếp tục chữa trị. Tại đây, bé được tiêm corticoid 2 lần/ngày, kéo dài 4 ngày liên tục để trị ho. Sau khi tiêm, bé D. khỏi bệnh rất nhanh. Nhưng khoảng một tháng sau, bé D. bắt đầu có dấu hiệu tích nước vùng mặt, trông bụ bẫm, ăn khỏe hơn bình thường (4 bát cơm/bữa), tăng 3-4kg, xuất hiện ria mép. Bé D. được các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết trung ương chẩn đoán bị suy tuyến thượng thận nặng do lạm dụng corticoid…

Cần cấm bán corticoid tự do

Theo bác sĩ Đỗ Gia Nam, Phó trưởng Khoa Nội tiết người lớn (Bệnh viện Nội tiết trung ương), các thuốc corticoid nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như: Cơn hen phế quản ác tính, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, thấp tim, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng rải rác…

Tuy nhiên, nếu dùng với liều lượng cao, kéo dài không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều tai biến nguy hiểm như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội… Đặc biệt, khi việc lạm dụng corticoid ở trẻ em sẽ làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần.

Nhiều nước trên thế giới đã đưa corticoid vào danh mục thuốc kê đơn nhằm kiểm soát tác dụng phụ. Tuy nhiên, ở nước ta, thuốc chứa corticoid được bán tự do, tràn lan, không cần đơn và chỉ định của bác sĩ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng corticoid ở người dân. Tuy nhiên, vì quá tin tưởng vào công dụng giảm đau tức thì của thuốc, giá thành rẻ, việc mua bán quá dễ, bệnh nhân dễ dàng lạm dụng, phụ thuộc vào thuốc lúc nào không hay.

Để tránh bị rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” do lạm dụng corticoid, bác sĩ Đỗ Gia Nam khuyến cáo, nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng corticoid dưới mọi hình thức. Mặt khác, khi sử dụng các loại thuốc có thành phần corticoid thấy các dấu hiệu bất thường trong cơ thể cần đến kiểm tra tại các cơ sở y tế uy tín và theo đúng chuyên khoa, không nên dễ dàng nghe theo những lời mách bảo thiếu căn cứ.

Tốt nhất, người dân cần tránh việc tự ý mua và sử dụng các loại thuốc nói chung và thuốc corticoid nói riêng. Khi có bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín. Với bất kể loại thuốc nào, khi được bác sĩ kê đơn, bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ điều trị, tránh việc sử dụng không đúng liều hoặc bỏ giữa chừng...

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/901851/lam-dung-corticoid---con-dao-hai-luoi