Làm du lịch sinh thái ở Việt Nam: 'Cạp' vào thiên nhiên mà lớn

Du lịch sinh thái, đúng ra là du lịch mang danh sinh thái, nổi lên như một kiểu môn bài hợp thời trang trong suốt hơn chục năm qua. Báo điện tử Xây dựng xin trích đăng quan điểm về thực trạng làm du lịch sinh thái tại Việt Nam dưới góc nhìn của ông Trần Lê Trà – Chuyên gia đến từ Dự án GIZ-Biodivercity.

Xây cáp treo vào tận phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở giữa vùng lõi vườn quốc gia cũng là sinh thái; phá núi xây resort ngay giữa trung tâm khu dự trữ sinh quyển làm đổi màu nước biển cũng là sinh thái; mở đường 4 làn xe chạy xuyên rừng quốc gia cũng là sinh thái; cướp rừng của các loài nguy cấp quý hiếm để xây biệt thự ven biển trên bán đảo cũng là sinh thái; rồi xả rác đầy biển, đầy rừng cũng là sinh thái nốt. Làm du lịch sinh thái ở Việt Nam, sao mà dễ.

Du lịch mang danh “sinh thái” tại nước ta bùng nổ đến mức được đưa vào Luật. Năm 2005, Luật Du lịch định nghĩa “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững”.

Có rất ít mô hình khai thác du lịch chuẩn sinh thái đúng nghĩa.

Đến năm 2017, người ta sửa luật và du lịch sinh thái được định ngiã lại là “loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường”, bỏ đi yêu cầu “phát triển bền vững” và thêm vào yêu cầu “kết hợp giáo dục bảo vệ môi trường”, xin nhấn mạnh là “giáo dục bảo vệ môi trường” chứ không phải là “bảo vệ môi trường” - vốn là một trong các yêu cầu quan trọng được ẩn dưới mục tiêu “phát triển bền vững” được nêu trong Luật Du lịch 2005.

Nghe thì mỉa mai, nhưng định nghĩa du lịch sinh thái kiểu đó chả khác gì khuyến khích phá rừng lấy gỗ làm giấy rồi viết lên đó dòng chữ thật to và đẹp “Hãy chung tay bảo vệ rừng”.

Du lịch Việt bây giờ, các mô hình gần giống với du lịch sinh thái (tức là có bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học) chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại thì đều một kiểu “cạp” vào thiên nhiên mà lớn, “cạp” hết thì làm cái điếu văn khóc thảm thiết cho một thời đã qua, rồi chuyển qua tìm cái khác mà “cạp” tiếp.

Trong trăm ngàn điểm du lịch có sừng có mỏ ở Việt Nam thì có lẽ Hội An là một trong những điểm hiếm hoi mà lãnh đạo địa phương có ý thức rất cao trong việc xem bảo vệ thiên nhiên là mục tiêu quan trọng ngang bằng với các mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa.

Ấy vậy mà ngay cả tại Hội An, làn sóng khách du lịch vô trách nhiệm từ khắp nơi đổ về và những người dân địa phương tham lam nhăm nhăm chiều khách vô tội vạ cũng ép các nỗ lực bảo vệ môi trường của lãnh đạo địa phương tại đây đến ngẹt thở.

Câu chuyện phát triển du lịch ở Cẩm Thanh, nơi có rừng dừa nước Bảy Mẫu tuyệt đẹp, vốn cũng có ý định giảm tải cho phố cổ và khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cũng chuyển từ mục tiêu tốt đẹp ban đầu sang kiểu du lịch phá hoại.

Dân địa phương làm du lịch, chỉ cần khách chịu chi tiền, thì mở loa công suất lớn hát karaoke giữa rừng dừa nước cũng được, mỗi thuyền bẻ ít cành dừa cho khách đem về cũng được. Anh chị nào lãng mạn một chút sẽ nắn nót ghi lên cái lá dừa ngắt trộm đó dòng chữ “kỷ niệm một lần du lịch sinh thái tại Hội An”.

Đến dân làm lữ hành cũng phải cay đắng mà rằng 10 năm về trước Bảy Mẫu là thiên đường xanh, 10 năm sau Bảy Mẫu đang thành cái chợ hỗn loạn, 10 năm tới Hội An chỉ còn 7 mẫu biệt thự, nhà hàng và khách sạn.

Dân Cẩm Thanh vốn khéo tay vô cùng. Cái nghề làm đồ mỹ nghệ từ tre trúc, tức là từ cái thứ cây tự trồng được, vốn rất mạnh ở đây. Là văn hóa địa phương đấy.

Tiếc là cái văn hóa đấy bán không được tiền bằng lắc thúng, giờ mai một hết rồi. Cả cái Cẩm Thanh, giờ còn mỗi một nhà làm đồ mỹ nghệ mây tre. Toàn bán cho Tây, toàn Tây đến học. Nói chả phải theo kiểu nhược tiểu khen Tây, nhưng đành phải cay đắng mà thừa nhận rằng khách Tây (phần lớn) tôn trọng thiên nhiên của ta hơn chính chúng ta nhiều.

Sản phẩm từ tre của làng nghề truyền thống tại Cẩm Thanh thu hút khách quốc tế.

Lấy Hội An ra mà nói thì du lịch sinh thái Việt Nam hiện giờ may lắm thì đạt được yêu cầu “dựa vào thiên nhiên” (thực tế là “cạp” vào thiên nhiên), “gắn với bản sắc văn hóa địa phương” (thực tế là mai một quá nhiều) và “có sự tham gia của cộng đồng dân cư” (mà cộng đồng thì vẫn còn tham lam lắm). Còn “kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường” thì quá ít, kết hợp “bảo vệ môi trường” lại càng hiếm hoi.

Công bằng mà nói thì du lịch sinh thái kén khách. Chả phải khách nào cũng làm khách sinh thái được. Cũng chả phải đơn vị lữ hành nào cũng tổ chức du lịch sinh thái được.

Tất nhiên là cũng chẳng phải lãnh đạo nào cũng hiểu du lịch sinh thái nó là cái gì. Thế nhưng mà cũng đã đến lúc phải nghiêm túc mà quy hoạch lại các vùng du lịch sinh thái đúng nghĩa, kén khách, giá cao và các vùng du lịch đại trà thu bạc lẻ của nhiều người và chấp nhận thiên nhiên bị xâu xé ở một mức độ nhất định. Mà có khi bây giờ mới quy hoạch cũng đã muộn rồi không chừng.

Hội An, dù chẳng còn yên bình như 10 năm trước, vẫn là nơi đẹp đến nao lòng, tất nhiên là không phải là khu phố cổ, cù lao và rừng dừa Bảy Mẫu đầy khách ngó ngó nghiêng nghêng. Chịu khó đi thêm vài bước chân thôi, lại thấy một Hội An làm say lòng người, một Hội An để ngắm, để đắm mình và để giữ gìn.

Trần Lê Trà – Chuyên gia Dự án GIZ-Biodivercity

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/lam-du-lich-sinh-thai-o-viet-nam-cap-vao-thien-nhien-ma-lon.html