Lâm Đồng: Trồng dâu tây treo trên giàn, thu lãi 2 tỷ đồng mỗi năm

Việc chuyển hướng sang mô hình trồng dâu tây treo trên giàn cho năng suất cao và mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm cho gia đình anh Nguyễn Thanh Trúc (42 tuổi, ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng).

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, trong vườn của gia đình anh Nguyễn Thanh Trúc, từng hàng dâu tây treo thẳng tắp, lơ lửng trên không, cách mặt đất đều trên 1m ra quả sai trĩu giàn.

Anh Nguyễn Thanh Trúc bên vườn dâu tây của gia đình mình. Ảnh: Báo Dân trí

Kỹ thuật trồng dâu tây treo lơ lửng này được anh Nguyễn Thanh Trúc học tập ở các nước có nền nông nghiệp phát triển. Theo anh, cách trồng dâu tây này khá hiệu quả. Thứ nhất, tiết kiệm được đất, tăng số lượng cây trên cùng diện tích. Thứ hai, giúp cách ly mầm bệnh từ đất. Thứ ba, giảm chi phí đầu tư như phân bón vì chất dinh dưỡng không bị ngấm xuống lòng đất, không phải phun thuốc trừ sâu do cây hầu như không bị sâu bệnh. Thứ tư là giúp trái sạch, chất lượng cao. Thứ năm, thu hoạch thuận tiện, dễ dàng.

Từ năm 2013, anh Trúc đã mạnh dạn chuyển đổi 500m2 diện tích chuyên trồng hoa cúc để làm thử dâu tây bằng kỹ thuật treo trên không. Theo nông dân này, để treo được những hàng dâu tây đòi hỏi nhà kính phải làm thật kiên cố bằng khung sắt chắc chắn, cao trên 5m, thông thoáng, chi phí đầu tư đều trên 200 triệu đồng/1.000m2. Các hàng dâu tây được cố định bằng khung sắt bọc ni lông.

Trồng dâu tây treo trên giàn cho năng suất cao hơn theo phương pháp truyền thống. Ảnh: Báo Dân trí

Chất liệu dùng để trồng không phải bằng đất mà là xơ dừa xay nhỏ, ủ mục cùng phân hữu cơ. Việc châm phân, dinh dưỡng được hòa vào nước, dẫn tới từng gốc dâu tây qua hệ thống tưới tự động. Nước tưới, phân bón, chất dinh dưỡng khác nếu cây không dùng hết sẽ được dẫn về bể chứa để tái sử dụng nên không gây lãng phí, giảm được đáng kể giá thành sản xuất.

Theo báo Dân trí, hệ thống tưới được cài đặt tự động hoàn toàn theo chu kỳ mỗi ngày từ 5 - 7 lần tưới, mỗi lần 15 phút giúp cây hấp thụ nước và chất dinh dưỡng đều đặn hơn.

Chị Thu Nhàn (vợ anh Trúc) chia sẻ thêm, với hệ thống giàn treo như của gia đình mình thì sẽ có nhiều ưu điểm so với cách làm truyền thống. Từ vườn dâu này chị và công nhân không phải còng lưng ngồi dưới đất để chăm sóc hoặc hái dâu như trước. Bên cạnh đó, khoảng đất trống phía dưới gia đình chị còn có thể tận dụng trồng rau, hoa...

Chất lượng dâu tươi ngon và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên sản phẩm khi thu hoạch rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Chỉ với thử nghiệm ban đầu, anh Trúc nhận thấy sản lượng dâu đã cao gấp đôi so với với trồng thông thường, nên anh đã nâng diện tích trồng dâu của mình lên 9.000m2.

Thay vì chọn giống dâu Nhật, Mỹ hay Pháp như các vườn khác, anh Trúc trồng thử nghiệm giống dâu New Zealand cho quả to hơn và có mùi thơm dịu. Chất lượng dâu tươi ngon và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên sản phẩm khi thu hoạch rất được thị trường ưa chuộng.

Hiện nay, với 9.000m2 nhà kính trồng dâu tây, mỗi năm mang lại cho chủ nhân vườn dâu khoảng 25 tấn dâu, với giá bán từ 200 - 250 nghìn đồng/kg sau khi trừ tất cả chi phí, anh Trúc thu về khoảng 2 tỷ đồng.

Ngoài kinh doanh trái dâu tươi, khu vườn dâu treo của anh Nguyễn Thanh Trúc còn mở cửa cho người dân địa phương, du khách tham quan miễn phí, trải nghiệm hái dâu thực tế.

Tú Linh (t/h)

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/lam-dong-trong-dau-tay-treo-tren-gian-thu-lai-2-ty-dong-moi-nam-103209