Lâm Đồng: Thông hầm dẫn nước Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng

Việc thông hầm công trình Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng là một dấu mốc rất quan trọng của dự án, giúp dự án có đủ điều kiện chuyển giai đoạn thi công gia cố vĩnh cửu, hoàn thiện toàn bộ tuyến hầm.

Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim có công suất thiết kế 80MW, sản lượng điện thiết kế trung bình năm 99 triệu kWh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim có công suất thiết kế 80MW, sản lượng điện thiết kế trung bình năm 99 triệu kWh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trưa 16/12, tại thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (DHD) và các nhà thầu đã thông hầm thành công công trình Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), cho biết hạng mục đường hầm dẫn nước thi công bằng khoan nổ truyền thống bắt đầu được triển khai đào từ tháng 2/2020.

Đến nay, sau 10 tháng thi công, dự án đã thông hầm với khối lượng 929md trong tổng số 4.665md thiết kế, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch. Đây là một dấu mốc rất quan trọng của dự án, giúp dự án có đủ điều kiện chuyển giai đoạn thi công gia cố vĩnh cửu, hoàn thiện toàn bộ tuyến hầm trước tháng 7/2021 theo tiến độ.

Dự án Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng có công suất thiết kế 80 MW, sản lượng điện thiết kế trung bình năm là 99 triệu kWh.

Theo thiết kế được duyệt, dự án tận dụng hồ chứa, đập tràn của Nhà máy thủy điện Đa Nhim hiện hữu và xây dựng mới các hạng mục công trình gồm: kênh dẫn vào-cửa nhận nước; đường hầm áp lực; tháp điều áp; nhà van; đường ống áp lực; nhà máy điện-cải tạo Kênh xả; mở rộng Trạm phân phối hiện hữu.

Đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (Tổng Công ty Phát điện 1) - chủ đầu tư - cho biết ngoại trừ hạng mục đường hầm dẫn nước không đạt tiến độ, các hạng mục khác thuộc ba gói thầu chính là xây dựng, cơ khí thủy công và cơ điện đã hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện từ cuối năm 2018 với công suất 45 MW.

Theo chủ đầu tư, từ khi được đưa vào vận hành đến nay, các hạng mục của dự án như đường ống chuyển nước, nhà van, đường ống áp lực, nhà máy và trạm phân phối có các số liệu quan trắc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn, tin cậy. Dự kiến đến ngày 31/12/2020, sau hai năm đưa vào vận hành, tổ máy phát điện của dự án sẽ phát được khoảng 380 triệu kWh.

Theo thiết kế kỹ thuật của Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim, đường hầm dẫn nước có tổng chiều dài 4.885m. Tuy nhiên, khi đào được 3.739m đường hầm, các đơn vị thi công gặp khó khăn do địa chất bất thường nên việc thi công đoạn hầm dẫn nước còn lại phải thay đổi phương pháp bằng khoan nổ truyền thống.

Công việc thi công bắt đầu vào đúng thời điểm phát dịch COVID-19 nên chủ đầu tư và các nhà thầu vừa phải chống dịch, vừa đảm bảo thi công đúng tiến độ.

Trong giai đoạn thi công tiếp theo, chủ đầu tư sẽ chỉ đạo Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để thi công các phần việc còn lại của dự án như gia cố vỏ hầm, bẫy đá, lót thép, nút ngách... đảm bảo đúng điều kiện kỹ thuật, chất lượng và tuân thủ theo thiết kế, các biện pháp thi công được duyệt, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.

Giếng đứng cửa lấy nước là đoạn đào bằng phương pháp khoan nổ dài 20m, cao 6,2m và rộng 7,2m. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Đồng thời, các đơn vị phấn đấu hoàn thành toàn bộ tuyến hầm phục vụ phát điện với công suất lắp đặt 80 MW vào quý 3/2021.

Đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi cho biết hiện công ty đang đề nghị bổ sung Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim giai đoạn 2, công suất 80 MW vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), đưa tổng công suất Nhà máy Thủy điện Đa Nhim lên 320 MW, gấp hai lần công suất thiết kế ban đầu./.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lam-dong-thong-ham-dan-nuoc-nha-may-thuy-dien-da-nhim-mo-rong/682547.vnp