Lâm Đồng sẽ bỏ đâm trâu vì hình ảnh phản cảm

Xét về nhiều yếu tố, thì nghi thức đâm trâu không còn phù hợp với đời sống cộng đồng trong thời điểm hiện đại.

Ngày 8/11, báo Tiền Phong đưa tin, Sở VHTT-DL Lâm Đồng cho biết UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản giao cho đơn vị chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Theo đó, không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, dừng tổ chức các lễ hội đã được cấp phép nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cần điều chỉnh nội dung tổ chức lễ hội cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là không tổ chức nghi thức đâm trâu trong các lễ hội truyền thống.

Cùng với đó, báo Tuổi Trẻ dẫn cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo không tổ chức nghi thức “đâm trâu” trong các lễ hội truyền thống của địa phương vốn thu hút nhiều khách du lịch đến địa phương song gây tranh luận trái chiều vì hình ảnh giết trâu phản cảm.

Nguyên nhân UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức bỏ nghi thức đâm trâu được nêu: “Đâm trâu là một nghi thức quan trọng mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tồn lại hàng trăm năm qua.

Nghi lễ đâm trâu của người K’ho tại Lâm Đồng

Nghi thức đâm trâu là điểm nhấn quan trọng trong những lễ lội truyền thống, mang ý nghĩa tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho dân làng một năm qua làm ăn được mùa, con cháu khỏe mạnh.

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của các nhà nghiên cứu văn hóa, cân nhắc việc nên giữ hay loại bỏ nghi thức “đâm trâu” trong các lễ hội truyền thống.

Tuy nhiên, xét về nhiều yếu tố, thì nghi thức đâm trâu không còn phù hợp với đời sống cộng đồng trong thời điểm hiện đại. Nhìn ở nhiều khía cạnh thì nghi thức gợi những điều không hay liên quan đến bạo lực…".

Trước đó, về nghi thức trên, trao đổi với Đất việt, GS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm bảo tồn và nghiên cứu văn hóa dân tộc cho rằng, tất cả những lễ hội có tính chém giết, chết chóc, tôi đều không đồng tình, vì nó vô nhân đạo, tàn bạo.

Theo ông Chương, con trâu gắn liền với con người từ xa xưa, tạo nên sự sống cho con người. Hình ảnh thân thiết còn gắn liền với những câu ca dao: "Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày giữ nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy, ai mà quản công".

Thế mà, sau khi kết thúc lễ hội, những chú trâu bị đem ra làm thịt, như vậy có đáng chê trách hay không?

"Nước ta đang hòa nhập với văn hóa thế giới, không như ngày xưa VN chỉ biết VN, có lẽ vì thế mà nên dẹp dần những cái không phù hợp với văn hóa của nhân loại, không nên để ăn sâu vào tiềm thức của con người", ông Chương nhấn mạnh.

Không đồng tình quan điểm, ThS. Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở VHTT-DL tỉnh Gia Lai phân tích: "Đâm trâu là một tập tục có từ lâu đời của nhiều tộc người thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Ở đó, người ta tin rằng vạn vật đều có linh hồn; hiến sinh trâu là nghi lễ trang trọng và được xem là có giá trị cao nhất để dâng lên thần linh, cầu mong cho mùa vụ tốt tươi, muôn vật hiền hòa, con người ấm no, hạnh phúc.

Có một chi tiết không phải ai cũng biết là vào đêm trước khi mang trâu ra đâm, cộng đồng (như người Bahnar ở Gia Lai chẳng hạn) dành hẳn một đêm để khóc tiễn trâu.

Đó là lễ thức bắt buộc, thể hiện sự yêu quý con vật hiến sinh sẽ được gởi gắm nhiều thông điệp đến thần linh. Cho đến nay, theo tôi biết, chưa có bất cứ nghiên cứu nào cho thấy những người đã xem đâm trâu (và chém lợn) thì bị chai lì cảm xúc hay trở nên dã man cả".

Theo ông Tuệ, bỏ, không bỏ hay giữ lại những gì, rõ ràng là cần có những nghiên cứu thấu đáo, chứ không thể nhìn qua vài hiện tượng đã tự cho mình cái quyền phát xét, đánh giá một truyền thống đã bám rễ từ rất lâu trong cộng đồng.

Đừng quá lo lắng cho người khác để rồi vô tình trở thành áp đặt, thậm chí đồng hóa. Tốt nhất và cũng là đúng nhất, hãy để cho cộng đồng ấy tự quyết định lấy văn hóa, tập quán, lối sống của họ.

Mặt khác, ngày nay các lễ hội thật, nhất là lễ hội có đâm trâu không còn nhiều. Trong khi đó, các “lễ hội giả” lại thường được tổ chức dưới nhiều hình thức “phục dựng”. Do đó, thật giả lẫn lộn cũng là chuyện bình thường.

Hãy nêu một ví dụ: Tây Nguyên không thể chờ khách du lịch (hoặc sự kiện gì đó) đến thì các làng còn nghi lễ này mới tổ chức đâm trâu (không hẳn khách có thể được đến những nơi ấy). Nhưng rất nhiều khách du lịch lại tò mò muốn biết đâm trâu là thế nào.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lam-dong-se-bo-dam-trau-vi-hinh-anh-phan-cam-3322595/