Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Thuận khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 9

Sáng 27-11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã có công điện về khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra trên địa bàn tỉnh, giúp nhân dân đi lại an toàn, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Vườn rau xà lách đến kỳ thu hoạch của người dân xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương bị hư hại do ngập úng. (Ảnh chụp ngày 26-11)

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại trên địa bàn để có biện pháp chỉ đạo, khắc phục, hỗ trợ kịp thời đối với các địa phương, người dân bị thiệt hại; tổ chức sơ tán, di dời người dân trong vùng bị lũ, ngập úng đến nơi an toàn; lắp đặt biển hướng dẫn, cảnh báo, cử lực lượng ứng trực tại những nơi ngập lụt.

Theo báo cáo nhanh cập nhật đến 9 giờ hôm nay (27-11), của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 9. Đến sáng nay, lượng nước đã rút nhanh, nhưng nhiều vị trí cầu, nhà và vườn rau màu của người dân vẫn bị ngập. Tại huyện Đức Trọng, cầu gỗ tại K61, xã Đa Quyn bị cuốn trôi, giao thông phải đi vòng bằng đường khác; cầu K65 bị xói lở một bên mố cầu; các đường bê-tông nông thôn ở một số thôn bị xói lở. Cầu Bà Trung tại xã Tà Năng vẫn còn bị ngập khoảng 80 cm. Tại huyện Đơn Dương, mưa lớn gây ngập một số diện tích sản xuất nông nghiệp tại xã Próh, Tu Tra và Ka Đơn; hiện nước đang rút.

Nhiều nhà dân và rau màu tại xã Tà Hine, huyện Đức Trọng bị ngập (ảnh chụp ngày 26-11); đến sáng nay, nhiều vị trí nước vẫn chưa rút hết.

Theo số liệu thống kê ban đầu, tại huyện Đức Trọng có 113 căn nhà và gần 180 ha rau màu của người dân tại các xã Đà Loan, Tà Năng và Đạ Quyn bị ngập. Tại huyện Đơn Dương, khoảng 300 ha lúa và rau màu bị ngập; trong đó, hơn 70 ha rau màu bị ngập úng nặng, hư hại; nhiều cây cầu dân sinh, nhà dân bị ảnh hưởng.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 26 dự án thủy điện đã đi vào vận hành, với tổng công suất lắp máy 1.465 MW. Các hồ chứa thủy điện lớn có cửa tràn điều tiết trên địa bàn tỉnh không tiến hành xả lũ do ảnh hưởng của cơn bão 9.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương nêu trên, ngay sau khi nước rút, cần kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường...

* Ngày 27-11, tại một số địa phương ở tỉnh Phú Yên trời đã hửng nắng, nhưng vẫn còn nhiều khu vực bị chia cắt. Ở những nơi không còn mưa lũ, bà con đang chuyển tài sản, gia súc, gia cầm về nơi ở cũ. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp triển khai khắc phục hậu quả, vận động nhân dân dọn dẹp vệ sinh đường phố, nhà ở để ổn định cuộc sống. Phản ánh của NDĐT tại vùng rốn lũ huyện miền núi Đồng Xuân.

Mờ sáng ngày 27-11, 244 hộ dân huyện miền núi Đồng Xuân phải di dời tránh lũ trong đêm đã trở về nhà dọn dẹp nhà cửa ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình còn cử người tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Đang trên đường dắt hai con bò gửi nhà người thân trước đó về nhà ở xã Xuân Sơn Bắc, ông Trương Gia Viên cho biết: “Nhờ chính quyền địa phương thông báo di dời, tôi đã di chuyển toàn bộ tài sản tránh lũ, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra vì nước lũ về trong đêm quá lớn và đột ngột”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCNhuyện Đồng Xuân, đến sáng 27-11, nước sông Kỳ Lộ đã xuống ở mức báo động 1, các khu vực đường giao thông bị chia cắt đã cơ bản thông tuyến. Tuy nhiên, còn hơn 300 hộ dân ở xã Xuân Sơn Bắc vẫn bị cô lập do cầu Cây Sung trên tuyến ĐT642 xuống thị xã Sông Cầu, nước ngập gần 1m. Tại đây, lực lượng công an xã được bố trí 24/24, hướng dẫn bà con qua lại, chuyển tài sản về nơi ở cũ an toàn.

Ông Đỗ Văn Năm cũng ở xã Xuân Sơn Bắc nói: “Cầu Cây Sung còn ngập quá sâu, mưa lớn là không thể qua được nên phải dùng thuyền vận chuyển đồ đạc về nhà. Nếu trời không mưa, chiều nay nước mới rút hẳn. Đề nghị chính quyền làm cống cao phả đầu người, nước mới rút nhanh khi có lũ”.

Nhiều ngày qua, Công an xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân phải ứng trực 24/24 canh giữ không cho người qua cây cầu này. Ông Phan Minh Diễm, Công an xã Xuân Sơn Bắc nói: “Sáng nay nước tạm rút nhưng vẫn còn nguy hiểm, nên chúng tôi phải trực đến phút chót, hướng dẫn bà con đi thuyền vận chuyển đồ đạc về nhà an toàn”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Phú Yên, lo ngại mưa lớn, gây ngập nặng nên chiều qua (26-11), các lực lượng chức năng đã hỗ trợ di dời hơn 450 hộ dân với gần 1.200 nhân khẩu tại các xã An Thạch, An Dân, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) và các xã Sơn Xuân Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Long, Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân).

Từ 20 giờ đêm 27-11, huyện Tuy An và Đồng xuân nước đã rút dần. Tuy nhiên, ở các xã vùng trũng của hai địa phương này vẫn còn ngập. Trước dự báo mưa còn tiếp diễn, nhiều trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Tính đến sáng 27-11, đã có bốn tàu cá ở thị xã Sông Cầu bị hư hỏng và chìm. Ước tính thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 9 tại Phú Yên khoảng chín tỷ đồng.

* Ngày 27-11, tại tỉnh Bình Thuận, lượng nước trên nguồn đổ về đã giảm, một số hồ chứa thủy lợi đóng tràn xả lũ, còn một số giảm hẳn lưu lượng xả điều tiết qua tràn, nước ở vùng hạ du của các hồ chứa đã rút hết.

Tại huyện Bắc Bình, do lượng nước lũ trên nguồn đổ về sông Lũy hôm nay tuy có giảm so với ngày 26-11 nhưng vẫn còn lớn, cho nên tại một số khu vực dân cư và các cánh đồng sản xuất của bà con trên địa bàn huyện vẫn chìm trong nước.

Riêng tại xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tuy nước đã rút nhiều nhưng vẫn còn hơn 200 căn nhà của người dân ở thôn Bình Long bị ngập nước cao quá đầu người, bà con vẫn phải ở tạm nhà người thân. Ông Trần Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Rí Thành cho biết, chiều nay, xã đã huy động lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên đi xuồng vào khu vực dân cư Nghĩa Trung Tự ở thôn Bình Long để phân phát mì ăn liền và nước uống cho khoảng 60 hộ dân bị nước cô lập không thể đi lại được từ hai ngày nay.

Khu dân cư ở thôn Bình Long, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình vẫn còn khoảng 200 căn nhà bị ngập.

Vẫn còn khoảng 2.400 ha lúa chuẩn bị thu hoạch, hơn 1.000 ha thanh long và 571 ha hoa màu khác trên địa bàn huyện Bắc Bình còn bị ngập. Tại một số khu vực dân cư khác, nước đã rút hết, bà con đã trở về dọn rửa, vệ sinh nhà cửa, kê dọn lại đồ đạc.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết, UBND đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn chịu thiệt hại tiến hành kiểm tra, xác minh, đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại, lập danh sách và tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý, hỗ trợ theo quy định. Trước mắt, huyện sẽ trích khoảng 100 triệu đồng từ Quỹ Phòng chống thiên tai của địa phương để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng thiên tai để họ ổn định cuộc sống.

Đoạn Quốc lộ 1 qua khu vực xã Phan Rí Thành vẫn còn ngập khá cao với chiều dài gần 1 km do nước trên nguồn tràn về nhưng không thoát được do triều cường dâng. Lực lượng cảnh sát giao thông, công an tỉnh Bình Thuận đã huy động 18 cán bộ, chiến sĩ phối hợp các lực lượng của địa phương ứng trực tại chỗ để điều tiết giao thông. Theo đó, tiếp tục điều tiết các phương tiện giao thông di chuyển hướng từ phía bắc vào đi theo tuyến đường Phan Rí - Hòa Phú - Lương Sơn; còn chiều ngược lại các phương tiện giao thông vẫn đi bình thường.

Tại huyện Tuy Phong, lực lượng lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng ngư dân ở thị trấn Liên Hương đã tổ chức tìm kiếm và trục vớt được sáu chiếc thuyền bị chìm ngoài cửa sông đua vào bờ. Riêng tại thị trấn Phan Rí Cửa, do nước trên nguồn đổ về vẫn còn mạnh, địa phương chờ sau khi nước giảm sẽ tổ chức lực lượng phối hợp đơn vị nạo vét cảng trục vớt chín tàu thuyền (trong đó có một tàu hút cát của đơn vị thi công) bị chìm tại cửa sông.

Trẻ em xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình hồn nhiên vui chơi trong dòng nước ngập.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, ước thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 9 và ngập lụt trên địa bàn toàn tỉnh có 43 căn nhà bị ngập; gần 5.200 ha sản xuất nông nghiệp gồm lúa, thanh long, hoa màu các loại bị ngập; có 35 tàu thuyền, thúng máy bị trôi, chìm; một số công trình hạ tầng, đường giao thông bị sạt lở.

UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các địa phương huy động tối đa nguồn lực hiện có, đưa người dân trở lại nhà sau khi nước rút hết, dọn dẹp về sinh nhà cửa; phun thuốc tiêu độc, khử trùng, phòng tránh dịch bệnh xảy ra sau lũ; triển khai khắc phục thiệt hại về công trình hạ tầng, giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương thủy lợi để phục vụ đi lại và sản xuất nông nghiệp tại các vùng bị ngập lụt vừa qua.

MAI VĂN BẢO; TRÌNH KẾ; ĐÌNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38380602-lam-dong-phu-yen-va-binh-thuan-khan-truong-khac-phuc-thiet-hai-do-bao-so-9.html