Lâm Đồng - Lấy khoa học công nghệ tạo đột phá trong sản xuất, tiêu thụ nông sản

Trước yêu cầu ứng dụng công nghệ cao và xu thế cạnh tranh nông sản hết sức khốc liệt trong chuỗi nông sản toàn cầu, hướng đến phát triển bền vững… tỉnh Lâm Đồng xác định lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới

Cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao trồng rau thủy canh Công ty Đà Lạt GAP

Theo TS. Phạm S - phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, để ngành nông nghiệp Lâm Đồng phát triển toàn diện và bền vững, trước mắt, tỉnh tập trung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu công nghiệp - nông nghiệp, Trung tâm sau thu hoạch và Trung tâm giao dịch hoa với sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và một số doanh nghiệp các nước tiên tiến để hình thành những cụm sản xuất, phát triển mạnh chuỗi liên kết giá trị đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Tỉnh cũng định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), nông nghiệp thông minh 4.0 và nông nghiệp hữu cơ tại các vùng theo quy hoạch trên cơ sở lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá; Chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu, đặc biệt là công nghệ sinh học, tự động hóa, tin học hóa, công nghệ nano, công nghệ thủy canh, công nghệ sau thu hoạch. Hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các doanh nghiệp và người nông dân là chủ thể trực tiếp thực hiện các chương trình. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và nông sản để phát triển thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai quy hoạch 1 khu NNƯDCNC, 1 khu công nghiệp nông nghiệp, 7 khu sản xuất NNƯDCNC tập trung và 19 vùng NNƯDCNC cho các cây trồng, vật nuôi, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp tiếp cận trình độ của thế giới. Trên diện tích quy hoạch, hiện có khoảng 54.477 ha đất canh tác sản xuất ƯDCNC, chiếm 20% diện tích đất canh tác, thu hút được hơn 1.400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có 9 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (chiếm 22,5% so cả nước); nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại tiệm cận nông nghiệp thông minh 4.0. Giá trị sản xuất trung bình đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm; nhiều diện tích sản xuất đã cho doanh thu 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha, cá biệt có những mô hình sản xuất rau thủy canh có thể đạt 8 tỷ đồng/ha/năm…

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng rất phát triển

Quá trình triển khai thực hiện NNƯDCNC đã có hàng loạt các công nghệ tiên tiến trên thế giới được ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp cận và áp dụng góp phần nghiên cứu, khảo nghiệm, phục tráng, di nhập trên 30 giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, điển hình công trình nghiên cứu cây siêu quả magic-S được các nhà khoa học ở Lâm Đồng nghiên cứu thành công đầu tiên Đông Nam Á, với những đặc điểm nổi bật như cây không cần trồng trong nhà kính, nhà lưới song vẫn cho doanh thu 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài ra có 60 cơ sở nuôi cấy mô thực vật sản xuất trên 64 triệu cây giống invitro và trên 200 vườn ươm sản xuất trên 2 tỷ cây giống thương phẩm rau, hoa và 8 triệu cây giống cây công nghiệp và cây ăn quả để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời tỉnh còn tập trung ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường đất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, do đó một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn ngang với một số nước tiên tiến, đến nay có 6 nông sản tham gia chuỗi nông sản toàn cầu là cà phê, chè, rau, hoa, điều và tơ tằm. Tỉnh Lâm Đồng cũng chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản; đến nay đã có 20 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền Sở hữu trí tuệ; nhiều loại nông sản địa phương đều có thương hiệu như: trà B’Lao, cà phê Di Linh, cà phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc...

Nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 740/QĐ-UBND về Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, theo đó kèm theo các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói chung, trong đó có khởi nghiệp nông nghiệp thông minh nói riêng, với mức hỗ trợ cho mỗi dự án 50% cho tư vấn dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ…; hỗ trợ 50% chi phí áp dụng khoa học công nghệ mới; hỗ trợ vay vốn Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ phát triễn KHCN…

Với những chính sách sát thực tế và phát huy mọi nguồn lực tổng hợp của địa phương, hy vọng rằng ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ phát triển toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp khu vực Đông Nam Á.

Bảo Thy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-dong-lay-khoa-hoc-cong-nghe-tao-dot-pha-trong-san-xuat-tieu-thu-nong-san-114551-114551.html