Lâm Đồng: Làm giàu từ nghề làm giá sạch

Việc lạm dụng hóa chất Trung Quốc để làm giá đỗ trong thời gian gần đây khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang và gần như không dám ăn. Nhưng khi về thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà trực tiếp chứng kiến cách làm giá sạch truyền thống của gia đình anh chị Nguyễn Văn Huy – Nguyễn Thị Hồng Vân mới hay sản phẩm này đã giữ uy tín suốt gần 20 năm qua.

Mô hình làm giá sạch của gia đình anh chị Huy – Vân

Mô hình làm giá sạch của gia đình anh chị Huy – Vân

Xuất phát từ khó khăn trong những ngày đầu lập nghiệp nơi vùng đất mới Gia Lâm, một phần do đất sản xuất ít, lại không có nghề phụ, Chị Nguyễn Thị Hồng Vân đã may mắn được cha nuôi truyền dạy về cách làm giá đỗ truyền thống để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Suốt 17 năm qua, anh chị Vân – Huy đã tìm tòi, học hỏi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên chị đã thành công từ nghề làm giá đỗ tại vùng Gia Lâm. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, gia đình chị Vân tiêu thụ được 1,5 tạ giá đỗ, cung cấp chính cho chợ Gia Lâm và Nam Ban. Với giá bán sỉ 9.000 đồng/1 kg , trừ hết chi phí mỗi ngày chị Vân cũng có thu nhập từ 400 – 500 ngàn đồng, đạt lợi nhuận bình quân từ 15 – 20 triệu đồng/tháng.

Quy trình làm giá sạch bằng phương pháp truyền thống, theo chị Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ: Đầu tiên là khâu lựa chọn hạt đậu phải tốt, đều đẹp và khỏe, sau đó rửa sạch cho vào chum sành ngâm nước vôi trong khoảng 4 – 5 tiếng và tiếp tục cho uống nước vôi trong ngày 2 – 3 lần. Đến ngày thứ 4, thứ 5 thì cho uống nước sạch hoàn toàn, số lần cho uống nhiều hơn và lưu ý lèn thật kỹ và chặt miệng chum, rồi úp ngược lại để trên giá gỗ hoặc tre cho thoáng khí, tuyệt đối không để hở vì không khí vào giá sẽ lên không đều và dễ bị đen, thối. Chị Vân cho biết thêm: Đặc biệt, lu hoặc chum sành để làm giá cần phải được vệ sinh sạch sẽ, không bám bụi bẩn vì nếu để bẩn là giá sẽ bị hỏng ngay. Mỗi đợt làm xong giá, cần rửa sạch chum sành, sau đó úp xuống, phơi nắng cho khô rồi mới sử dụng.

Được biết, nếu sử dụng hóa chất Trung Quốc để ủ giá sẽ cho năng suất 1 kg hạt cho 12 kg giá đỗ, trong khi đó theo phương pháp truyền thống của chị Vân thì chỉ cho 7 – 8 kg giá thành phẩm. Theo kinh nghiệm của Chị Vân, giá làm bằng hóa chất Trung Quốc cho cọng giá mập đều và ít rễ, trông rất đẹp, nhưng chỉ để 1 – 2 ngày là bị thối và nhũn rất nhanh. Còn giá sạch ủ theo phương pháp truyền thống sẽ cho cọng giá dài, gầy và nhiều rễ hơn, nhưng lại để được lâu hơn nên khi lựa mua giá bà con nên lưu ý.

“Sản xuất giá phục vụ nhu cầu người dân trong vùng nên không thể làm gian dối được. Nếu dùng hóa chất cho lợi nhuận cao hơn, nhưng việc đưa thứ hóa chất độc hại đó vào ruột, sẽ gây tẩy ruột và sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, với “lương tâm” của người sản xuất, vợ chồng mình quyết tâm làm giá sạch bằng phương pháp truyền thống, tuy lợi nhuận ít hơn một chút nhưng bà con tin tưởng, đặt chữ “Tín” ở mình là mình thấy vui và hạnh phúc lắm rồi”, chị Vân cho hay.

Nghề làm giá đỗ cũng lắm thăng trầm, vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nắng mưa thất thường cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của giá. Giá cũng rất ưa chuộng nguồn nước sạch, nhiệt độ ổn định, đòi hỏi sự chăm chút kỳ công của người sản xuất mới cho ra những mẻ giá đều, đẹp, trắng, cọng giá ngọt tự nhiên. Mùa cao điểm làm giá thường là vào vụ cà phê, khoảng từ tháng 9 đến tết nguyên đán là thị trường tiêu thụ mạnh nhất.

Tuy nhiên, điều chị Vân trăn trở nhất hiện nay là làm thế nào để phát triển mở rộng thị trường hơn, mong sản phẩm giá đỗ của gia đình mình được có mặt tại các siêu thị lớn ở thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc. Vì đơn giản chị Vân rất muốn người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm giá sạch, an toàn vệ sinh và đảm bảo sức khỏe lâu dài.

Chị Nguyễn Thanh Hải – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gia Lâm cho chúng tôi biết: Mô hình làm giá truyền thống của gia đình anh chị Vân – Huy được xem là mô hình kinh tế điển hình của xã. Từ mô hình kinh tế này đã giúp anh chị có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, trở thành hộ khá giả của xã. Hơn thế, chị Vân còn là một phụ nữ điển hình về tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, chịu thương chịu khó, có ý thức duy trì nghề truyền thống của cha ông và hướng đến tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, được Hội Phụ nữ đánh giá cao và nhân dân tin dùng.

Theo PV/Báo Lâm Đồng

Theo PV/Báo Lâm Đồng

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/lam-dong-lam-giau-tu-nghe-lam-gia-sach/20191025123028053