Lâm Đồng đầu tư hơn 13 tỷ đồng phát triển các sản phẩm lợi thế

Tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018- 2020.

Sản phẩm tơ lụa của thành phố Bảo Lộc nổi tiếng trong và ngoài nước, thành phố này vẫn được coi là thủ phủ của ngành dâu tằm Việt Nam. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Sản phẩm tơ lụa của thành phố Bảo Lộc nổi tiếng trong và ngoài nước, thành phố này vẫn được coi là thủ phủ của ngành dâu tằm Việt Nam. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Mục tiêu cụ thể cho Chương trình này là xác định, phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của từng địa phương và của tỉnh Lâm Đồng; trong đó sẽ hỗ trợ xây dựng từ 20 đơn vị sản xuất trở lên, tạo ra ít nhất 20 loại sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP Lâm Đồng, ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp Quốc gia.
Đối tượng đặt ra cho Kế hoạch này là các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, nguồn gốc gen, tri thức và công nghệ của tỉnh Lâm Đồng.

Cà phê Arabica Cầu Đất (Đà Lạt) được hãng cà phê Starbucks (hãng cà phê nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ) công nhận là 1 trong 7 loại cà phê ngon nhất thế giới. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Để thực hiện Kế hoạch này, tỉnh Lâm Đồng lấy chủ thể kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể làm nòng cốt, cụ thể là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nòng cốt, cùng với tổ hợp tác và hộ sản xuất trên địa bàn.
Theo Quyết định số 2301/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Kế hoạch đã được phê duyệt với danh mục toàn bộ 12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng đã tham gia đăng ký 20 sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong giai đoạn 2018- 2020.
Cụ thể như thành phố Đà Lạt có sản phẩm Trà và cao Atiso, sản phẩm Hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản và Hồng sấy dẻo. Thành phố Bảo Lộc có sản phẩm Lụa tơ tằm và quả măng cụt. Huyện Lạc Dương có sản phẩm Dịch vụ du lịch văn hóa truyền thống, du lịch cồng chiêng Lang Biang.

Sản phẩm Hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản hiện đang được khách hàng cả nước ưa chuộng. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Huyện Đức Trọng có sản phẩm từ quả phúc bồn tử, sản phẩm rau củ quả sấy theo công nghệ sấy thăng hoa. Huyện Đạ Huoai có sản phẩm từ quả sầu riêng và quả điều. Huyện Đạ Tẻh có sản phẩm gạo nếp quýt, gạo Việt Đài…
Theo nguồn kinh phí đã được phê duyệt, tỉnh Lâm Đồng sẽ đầu tư 13,362 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ 7,9 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các đơn vị tham gia chương trình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng được giao là cơ quan thường trực, chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018- 2020./.

Chu Quốc Hùng/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/lam-dong-dau-tu-hon-13-ty-dong-phat-trien-cac-san-pham-loi-the/102083.html