Lâm Đồng: Bất lực trước hàng chục ha rừng thông đầu nguồn bị tàn phá?

Một số vạt rừng thông tự nhiên, rừng nguyên sinh tại tiểu khu 118, lâm phần thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương - Lâm Đồng, do BQL rừng phòng hộ đầu nguồn (Ban QLRPHĐN) Đa Nhim quản lý, nhưng chủ rừng không có biện pháp ngăn chặn để gần chục ha rừng thông xanh tốt ngày nào nay bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều ha rừng thông tự nhiên đã biến mất, số còn lại phần chết đứng, phần vàng lá đang chờ chết hàng loạt…

Để vào được hiện trường khu vực này khá khó khăn, chúng tôi phải men theo con đường lởm chởm đá, vượt thêm một con dốc đứng, trơn trượt. Thật nghịch cảnh khi tấm biển báo trên cây thông nằm ngay bìa rừng, nội dung: “Rừng phòng hộ, cấm đốt, cấm chặt, cấm phá, cấm lấn chiếm đất rừng”, nhưng dưới gốc, xung quanh là những thân cây nằm ngổn ngang, nhiều cây còn tứa nhựa vì mới bị chặt hạ.

Rừng bị tàn phá tan hoang. Nhiều gốc thông to từ 40 đến 80cm, cao gần 30m bị đốn hạ

Rừng bị tàn phá tan hoang. Nhiều gốc thông to từ 40 đến 80cm, cao gần 30m bị đốn hạ

Đi tiếp một đoạn ngắn, bên ngoài bìa rừng là vạt rừng thông thưa thớt chỉ vài ba chục gốc, bên trong là quang cảnh tan hoang. Cả cánh rừng thông bao lấy quả đồi rộng gần cả chục ha nay chỉ còn trơ lại phần gốc, số còn lại thì chết đứng hoặc cây bị đầu độc vàng lá đang trong tình trạng chờ chết.

Tại những khu vực có quần thể thông hàng chục năm tuổi, có cây đường kính gốc cả một vòng ôm, nay đã và đang chết hàng loạt do bị đốt hoặc bị đổ thuốc sâu đầu độc gốc cây. Xung quanh, những cây thông tái sinh xen lẫn thông tự nhiên đều bị đốt hoặc đầu độc hàng loạt chờ chết…

Theo một số cán bộ quản lý, bảo vệ rừng cho biết, trong những tháng cuối năm 2018, đơn vị đã phát hiện tại khu vực này nhiều vụ phá rừng trái pháp luật, nhưng tất cả đều không bắt được thủ phạm.

Nổi cộm, ngày 21-7-2018, lực lượng kiểm lâm địa bàn cùng cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Đạ Sar và đại diện tổ nhận khoán phối hợp tuần tra phát hiện 23 cây thông 3 lá đường kính gốc từ 18-35cm tại lô e, khoảnh 2, tiểu khu 118 bị "ken gốc"; trữ lượng gỗ thiệt hại trên 10m3.

Tiếp đó, ngày 7-10-2018, lực lượng lại phát hiện tại lô j, khoảnh 1 có tới 51 cây thông 3 lá đường kính gốc từ 13-72 cm, cá biệt có cây đường kính gốc lên đến 73-76 cm bị “ken gốc”; trữ lượng gỗ thiệt hại trên 56m3.

Ngày 13-11-2018, lực lượng chức năng lại tiếp tục phát hiện tại vị trí lô d, khoảnh 2 có 33 cây thông đường kính gốc từ 18-41 cm bị “ken gốc”, làm thiệt hại hơn 16m3 gỗ. Đây chỉ là ghi chép của nhân viên giữ rừng, trên thực tế diện tích rừng bị tàn phá không dừng lại ở con số này.

Những gốc thông bị chặt hạ từ 3-4 năm trước...

Một cán bộ quản lý rừng tại đây cho biết, rừng thông tự nhiên trên bị tàn phá từ năm 2018 đến nay, nhưng chưa bắt được thủ phạm. Ngày trước rừng ở đây rất đẹp, nhưng bị người dân “ken” hết, giờ thì phải tập trung trồng lại để phục hồi rừng chứ không biết làm cách nào. Và khoảng 4 năm nữa rừng lại lên xanh, tuy nhiên cũng chỉ là rừng trồng chứ cây không to, đẹp bằng rừng tự nhiên.

Trong khi đó, báo cáo ban đầu của Ban QLRPHĐN Đa Nhim xác nhận diện tích rừng thông bị phá, lấn chiếm tại khu vực tiểu khu 118 khoảng 7ha. Cho rằng, có 5,1ha là diện tích đất trống, đồng thời rừng bị tàn phá xảy ra từ năm 2010 đến nay, trong đó chủ yếu là từ năm 2016 đến 2020, diện tích bị tác động là hơn 2ha, với trữ lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 232m3.

Báo cáo trên kèm "điệp khúc": khi phát hiện phá rừng, Ban QLRPHĐN Đa Nhim đã tăng cường cán bộ tuần tra, kiểm tra mật phục, mai phục để truy tìm thủ phạm và quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các đối tượng vi phạm thực hiện hành vi phá rừng bằng hình thức ken vạc vỏ xung quanh gốc cây và khoan, đục lỗ, đổ hóa chất làm cho cây chết; hành vi phá rừng thực hiện nhiều lần, mỗi lần tại những vị trí khác nhau nên rất khó bắt được quả tang các đối tượng vi phạm để lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Những cây thông mới bị cưa máy đốn còn ứa nhựa

Theo đơn vị chủ rừng, từ năm 2017, Ban QLRPHĐN Đa Nhim đã sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp của đơn vị để mua cây giống thông 3 lá trồng lại rừng tại khu vực bị tàn phá.

Việc làm này nhằm mục đích chống tái lấn chiếm đất và cũng là để phục hồi tái sinh lại rừng tự nhiên nhưng chưa thành rừng do các đối tượng lén lút phá bỏ sau khi trồng. Riêng trong năm 2020, đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện việc trồng lại rừng, và cho tới thời điểm này đã trồng được gần 6 ha rừng thông.

Liên quan đến vụ phá rừng tại khoảnh 3, tiểu khu 143, xã Đạ Sarn, ngày 3-11-2020, Ban QLRPHĐN Đa Nhim đã bắt được 1 thủ phạm vụ phá rừng. Đối tượng là Hoàng Văn Quân (SN 1994, trú phường 12, TP. Đà Lạt).

Qua kiểm tra hiện trường, có tổng cộng 59 cây thông bị khoan vào thân cây, sau đó đổ chất độc vào những lỗ khoan. Ước tính thiệt hại ít nhất 18,6m3 gỗ. Toàn bộ những cây thông bị đầu độc nay đã chết.

Bước đầu, đối tượng Quân khai nhận, đã thực hiện hành vi đầu độc rừng thông trên với mục đích lấn chiếm đất mặt tiền QL27C. Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương đã củng cố hồ sơ, chuyển Công an huyện Lạc Dương xử lý đối tượng theo quy định.

Rừng thông và cả những loài gỗ khác đều chung số phận vì mục đích chiếm đất

Ngọc Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/lam-dong-bat-luc-truoc-hang-chuc-ha-rung-thong-dau-nguon-bi-tan-pha_102737.html