Lâm Đồng: Ai 'tiếp tay' khai thác khoáng sản trái phép ở xã Tà Nung?

Việc khai thác khoáng sản (đá, cát) trái phép xảy ra tại thôn 4, xã Tà Nung, TP.Đà Lạt, kéo dài suốt thời gian dài, hoạt động công khai; nhiều cán bộ, người dân bức xúc, nhức nhối nhưng các 'đầu nậu' vẫn bất chấp, chả coi ai ra gì (!?).

Những quả đồi bị bạt thảm thương

Những quả đồi bị bạt thảm thương

Khoáng sản tự nhiên đang bị "thả nổi"

Những ngày qua, nhiều người dân gọi điện cho phóng viên các báo, cung cấp thông tin, tại Bãi Sậy, thôn 4, xã Tà Nung, TP. Đà Lạt có tình trạng một số người đưa máy múc vào khai thác đá. Hoạt động diễn ra thường xuyên cả ngày lẫn đêm, gây bức xúc dư luận.

Từ thông tin này, phóng viên đến hiện trường thôn 4, xã Tà Nung, chứng kiến các điểm khai thác đá nơi đây ngang nhiên hoạt động, rầm rộ, bất chấp dù hành vi này là trái phép.

Nhiều người hối hả khoan, đục, chẻ đá thành phẩm; một số khác thì câu điện, đấu nối làm chòi tạm, tranh thủ có điện làm đêm. Các điểm khai thác đá tự phát này chủ yếu trong các rẫy cà phê của các hộ dân. Một số người đưa máy múc vào sâu bên trong các quả đồi, đào tung lớp đất bề mặt vừa mục đích lấy đá, vừa chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Qua trao đổi, một số người đang khai thác đá ở đây cho biết, họ được người đàn ông tên Trung và người phụ nữ tên Dung (ngụ xã Tà Nung) thuê đến chẻ đá thành từng viên hình chữ nhật (20x30cm). Khi họ đến, các tảng đá lớn đã được chủ dùng máy múc đào đưa lên khỏi mặt đất, họ chỉ việc khoan, chẻ những tảng đá này ra thành từng viên nhỏ. Mỗi viên đá thành phẩm được chủ trả công từ 2.000 -2.200 đồng. Một người chẻ đá thành thạo, mỗi ngày có thể kiếm được khoảng 500.000 đồng.

Những thợ chẻ đá ở đây phần lớn đến từ các tỉnh miền Trung, đông nhất là Quảng Ngãi... Những quả đồi, vườn rẫy bị đào bới khai thác đá đến biến dạng, nguy cơ gây sạt lở, mất cân đối địa hình rừng núi, mùa mưa lũ đến sẽ làm sói mòn đất đai của bà con trên diện rộng.

Các đối tượng công khai khai thác đá lậu

Xã Tà Nung, TP.Đà Lạt còn là địa điểm từng xảy ra nạn hút cát trái pháp luật trong thời gian dài, gây ô nhiễm, cạn kiệt con suối chảy qua địa bàn khiến bà con không có đủ nguồn nước hoặc nước sạch để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dòng suối bị khai thác cát, khoét sâu trở nên đục ngầu, mùa khô cạn kiệt.

Người dân trong vùng bị ảnh hưởng, nhiều lần có đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này của cơ quan chức năng địa phương không triệt để, chỉ một thời gian ngắn mọi chuyện đâu lại vào đó khiến người dân bức xúc, chán nản.

Cơ quan chức năng bất lực?

Ông Kă Jăn Djiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Nung cho biết, thời gian qua, địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp liên quan đến hành vi hủy hoại đất, khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng trái pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý này vẫn chưa được triệt để khi nhiều địa điểm sau khi xử phạt, đình chỉ hoạt động, người dân lại lén lút khai thác trở lại, làm cả ban đêm.

Thậm chí, không ít lần UBND xã Tà Nung và các cơ quan chức năng lập tổ công tác để kiểm tra, xử lý thì các đối tượng đã biết trước, đưa máy móc ra khỏi hiện trường nên không thể xử lý được.

Căng bạt, đấu nối dây điện để "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm"

Ông Liêng Hót Quil, cán bộ địa chính – nông nghiệp – xây dựng – môi trường xã Tà Nung, vẻ bất lực chia sẻ: Chúng tôi đi kiểm tra chứ. Nhưng không hiểu sao các đối tượng khai thác cát đá, giống như biết trước mọi hoạt động kiểm tra, nên luôn trốn tránh kịp thời. Chúng tôi không thể đi cá nhân mà thành lập tổ. Khi đến hiện trường, thì đều cảnh "vườn không nhà trống", không có người, máy móc ở đó. Dường như phải có ai đó báo cho họ biết trước vậy".

UBND xã Tà Nung khẳng định, người đứng ra tổ chức khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng trái pháp luật trên địa bàn nhiều nhất là ông Phan Quang Trung và con gái ông Trung là Phan Thị Kim Dung. Hai người này đã nhiều lần bị UBND xã Tà Nung lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện, tang vật, nhưng họ vẫn tiếp tục tái phạm.

Trong khi đó, một số người dân cho biết, hàng ngày họ vẫn thấy cán bộ vào, ra nơi đây, song việc khai thác đá vẫn diễn ra, không bị ngăn chặn.

Đề nghị lãnh đạo địa phương cần giám sát, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, quy trách nhiệm cụ thể với các cơ quan, ban ngành các cấp nhằm có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng này, không thể để mãi tình trạng coi thường pháp luật.

Một số hình ảnh hiện trường vụ khai thác đá trái phép:

Ngọc Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/lam-dong-ai-tiep-tay-khai-thac-khoang-san-lau-o-xa-ta-nung_111992.html