Làm Công đoàn phải bản lĩnh, kiên trì

Cán bộ Công đoàn cơ sở cần thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật và mạnh dạn đề nghị doanh nghiệp khắc phục thiếu sót trong thực hiện chính sách

"Hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động (NLĐ) của Công đoàn (CĐ) cơ sở tại doanh nghiệp (DN), gặp nhiều khó khăn, một phần do tâm lý e ngại của đội ngũ cán bộ CĐ. Để có thể làm tốt chức năng đại diện, đội ngũ cán bộ CĐ cần được rèn luyện bản lĩnh lẫn kỹ năng để thuyết phục DN" - ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nêu như vậy tại tọa đàm "CĐ tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện phản biện xã hội trong các doanh nghiệp (DN)" do LĐLĐ TP vừa phối hợp với Trường Đại học CĐ tổ chức mới đây.

Được lòng công nhân thì mất lòng ông chủ

Theo ông Trần Văn Triều, cái khó nhất của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở hiện nay chính là ở vị thế người làm công ăn lương, khó thực hiện tốt chức năng đại diện được pháp luật quy định. Ở nhiều DN, nhất là DN ngoài quốc doanh, không ít cán bộ CĐ khi hết lòng với phong trào và NLĐ thì lại làm mất lòng ông chủ. Hệ lụy dẫn đến họ thường bị chủ DN gây khó khăn, biểu hiện qua việc không tiếp tục tái ký hợp đồng hoặc thuyên chuyển công việc khác ngoài ý muốn.

Ông Trần Đức Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp CĐ TP, cho rằng để việc thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát, cán bộ CĐ ngoài khẳng định được năng lực chuyên môn còn phải có uy tín với chủ DN và đoàn viên. Ông Phương đơn cử: "Tôi biết có một chủ tịch CĐ tại DN có vốn đầu tư nước ngoài có chuyên môn rất giỏi nhưng không đủ uy tín để thuyết phục ban giám đốc ký kết thỏa ước lao động tập thể. Điển hình là mỗi lần CĐ cơ sở đề xuất ký kết thỏa ước lao động đều bị chủ DN tìm cách bắt bẻ và gạt đi. Tình thế này buộc lòng CĐ cơ sở phải tìm người thay thế và ngay lập tức thỏa ước lao động tập thể được ký kết. Nói ra điều này cho thấy uy tín của người làm CĐ tại DN hết sức quan trọng bởi phải tìm được sự đồng thuận của chủ DN lẫn NLĐ".

Từ thực tế này, ông Phương cho rằng để đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở đủ năng lực thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, ưu tiên hàng đầu của các cấp CĐ là thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, nhất là rèn bản lĩnh cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, cán bộ CĐ cơ sở phải tự làm mới mình bằng cách thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, gần gũi đời sống NLĐ và mạnh dạn bày tỏ chính kiến khi phát hiện DN có sai phạm trong thực hiện chế độ chính sách.

Công nhân Công ty CP Kềm Nghĩa vui chơi trong chuyến du lịch do Công đoàn công ty tổ chức

Công nhân Công ty CP Kềm Nghĩa vui chơi trong chuyến du lịch do Công đoàn công ty tổ chức

Muốn có chỗ đứng thì phải dấn thân

Tại hội nghị chuyên đề "Thực trạng - giải pháp thực hiện vai trò của tổ chức CĐ trong việc đại diện quyền lợi hợp pháp, lợi ích chính đáng cho công nhân, NLĐ trong DN khu vực ngoài nhà nước" tổ chức mới đây ở quận Tân Bình, TP HCM, bà Thái Thị Lan Chi, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Bình, chỉ ra thực trạng: "Xuất phát từ tâm lý ngại va chạm, không ít cán bộ CĐ thường có thái độ thụ động, chưa sâu sát đoàn viên và dốc sức cho hoạt động phong trào. Điều này sẽ khiến người làm CĐ có khoảng cách với NLĐ, từ đó khó có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ để đề xuất DN giải quyết".

Đồng ý với nhận định trên, ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH May mặc G&G II, phản ánh nhiều CĐ cơ sở hiện nay hoạt động cầm chừng do chủ DN chưa hiểu hết vị trí, vai trò của CĐ; năng lực cán bộ CĐ còn yếu kém. Ông Sơn dẫn chứng trước đây, DN nơi ông làm việc thành lập CĐ cơ sở nhưng không thể phát triển đoàn viên, không thu được đoàn phí, nói chung là hoạt động CĐ gần như tê liệt. "Để vực dậy hoạt động CĐ, khi được bầu làm chủ tịch, tôi và anh em trong ban chấp hành phải gầy dựng lại từ đầu. Để chứng minh cho DN thấy sự cần thiết của tổ chức CĐ, chúng tôi liên tiếp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như tuyên truyền Bộ Luật Lao động, nội quy công ty, huấn luyện an toàn lao động, vận động công nhân thi tay nghề để nâng cao tay nghề, phục vụ cho sản xuất… Chính hiệu quả của những phong trào này đã giúp DN có một cái nhìn khác về tổ chức CĐ. Muốn có chỗ đứng, cán bộ CĐ phải dấn thân" - ông Sơn chia sẻ.

Bà Lê Thị Kiều Hương, Chủ tịch CĐ Công ty CP Kềm Nghĩa, kể trước đây công ty có "truyền thống" tổ chức cho NLĐ du lịch hằng năm với quy ước 1 năm tổ chức chuyến đi gần và 2 năm tổ chức chuyến đi xa. Thế nhưng, không biết vì lý do gì trong suốt 2 năm 2016 và 2017, công ty không thực hiện. Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng công nhân và tình hình thực tế của DN, ban chấp hành mạnh dạn đề xuất ban giám đốc khôi phục lại chính sách phúc lợi này. Với việc chứng minh được hiệu quả sau những chuyến đi nghỉ dưỡng, CĐ cơ sở đã thuyết phục thành công với ban giám đốc, tạo sự phấn khởi cho tập thể công nhân. Chịu khó đeo bám đời sống công nhân và tìm mọi cách để đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của họ, chắc chắn hoạt động CĐ cơ sở sẽ khởi sắc" - bà Hương bộc bạch.

Trong bối cảnh hội nhập, cán bộ CĐ cơ sở chịu rất nhiều áp lực bởi phải hài hòa được lợi ích DN và NLĐ. Để thực hiện tốt chức năng đại diện, cán bộ CĐ phải tự mình trui rèn bản lĩnh, kỹ năng, sâu sát NLĐ".

Lê Thị Kiều Hương, Chủ tịch CĐ Công ty CP Kềm Nghĩa

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lam-cong-doan-phai-ban-linh-kien-tri-20190226201742592.htm