Làm chủ kỹ thuật cao - phục vụ chu đáo bệnh nhân

Thời gian qua, ngành y tế TPHCM đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ cả về lượng và chất. Sự thay đổi được thể hiện rõ ở cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhiều bệnh viện (BV) đã làm chủ kỹ thuật cao, khẳng định được thương hiệu.

Dự báo, 2020 sẽ là năm mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành y tế TPHCM. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, về những lộ trình và kế hoạch của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

* PHÓNG VIÊN: Xin ông đánh giá về sự phát triển cũng như việc đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân của ngành y tế TPHCM trong thời gian qua?

* PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Có thể nói trong những năm qua, đặc biệt là năm 2019, ngành y tế TPHCM đã nỗ lực không ngừng trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân TPHCM và khu vực phía Nam, cả về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn và chất lượng phục vụ.

Lần đầu tiên, số lượt khám bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã vượt qua cột mốc 50 triệu lượt trong năm 2019. Số lượt điều trị nội trú cũng vượt qua cột mốc 2,5 triệu lượt. Một dấu ấn trong năm 2019, đó là nhiều kỹ thuật chuyên sâu được triển khai thành công và không ít trường hợp người bị bệnh nặng, nguy kịch đã được cứu sống nhờ sự kết hợp 2 thành tố quan trọng, đó là quy trình báo động đỏ và kỹ thuật chuyên sâu.

Nhiều kỹ thuật điều trị ngang tầm quốc tế cũng được triển khai thành công tại các BV trên địa bàn như: phẫu thuật xuất huyết não bằng hệ thống robot Modus V Synaptive, ứng dụng ECMO trong hồi sức viêm cơ tim tối cấp ở trẻ em, thăm dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp tim ở trẻ em…

Về khám chữa bệnh, có 20 BV đạt chất lượng trung bình trên 4 điểm, tương đương chất lượng tốt (thang điểm 5). Trong 5 nhóm tiêu chí chất lượng thì nhóm tiêu chí “hướng về người bệnh” có điểm trung bình cao nhất, cho thấy các BV thật sự đã lấy “người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động của BV” và sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu phấn đấu.

Năm 2019 cũng là năm thứ hai Sở Y tế TPHCM tổ chức bình chọn giải thưởng chất lượng khám chữa bệnh với chuyên đề là “Y tế thông minh”; qua đó đã ghi nhận và giới thiệu nhân rộng 37 sản phẩm y tế thông minh, tất cả đều hướng đến phục vụ người bệnh, phục vụ công tác chuyên môn cho các y bác sĩ và công tác quản lý BV.

Có thể nói, 2019 cũng là năm mà cả ngành y tế đã phát triển đồng bộ trên cả 2 lĩnh vực: y tế cơ sở và y tế chuyên sâu. Đúng theo kế hoạch, đến cuối năm 2019, đã có 24 trạm y tế điểm của 24 quận huyện chính thức đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

* Ngành y tế TPHCM tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chưa đồng đều ở tất cả các tuyến, đơn vị. Theo ông, cần làm gì để giải quyết bài toán này trong năm 2020?

* Đây là một thực trạng và cũng là thách thức đối với hệ thống y tế của TPHCM. Số lượt khám tăng cao nhất, nhưng vẫn phân bố theo “hình tháp ngược”. Số lượt khám vẫn tập trung cao tại các BV đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của TPHCM và BV trực thuộc Bộ Y tế; kế đến là tập trung ở khối BV quận huyện và BV tư nhân; nhóm ít nhất là trạm y tế, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa.

Trong thời gian dài, các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu này vẫn chưa đóng vai là “người gác cổng” thực sự cho hệ thống y tế thành phố, tình trạng quá tải bệnh nhân mắc các bệnh phổ biến tại BV tuyến cuối vẫn chưa khắc phục được, chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị.

Để có thể “xoay ngược hình tháp”, đòi hỏi một lộ trình “dài hơi” và đồng bộ cả về chính sách, chiến lược phát triển và đầu tư nguồn lực cho y tế cơ sở. Năm 2019, UBND TPHCM đã chấp thuận cho ngành y tế triển khai thí điểm 24 trạm y tế đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, bước đầu cho thấy khi có sự đầu tư nguồn lực cho trạm y tế, nhất là nguồn nhân lực bác sĩ, sẽ tạo được niềm tin cho người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.

Phối cảnh tổng thể Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Phối cảnh tổng thể Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Từ năm 2020, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực để nhân rộng mô hình này; đồng thời nhân rộng mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của các BV quận huyện đặt tại trạm y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ tiếp tục chương trình phân công các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố hỗ trợ toàn diện và nâng cao năng lực cho BV quận huyện - vốn còn khó khăn về nguồn lực.

* Trong năm nay, ngành y tế TPHCM có những cải tiến gì để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân?

* 2020 là năm mà ngành y tế thành phố triển khai toàn diện các hoạt động chủ động, nắm bắt những ý kiến góp ý của người dân đối với hệ thống y tế để làm căn cứ thực tiễn cho mọi hoạt động cải tiến chất lượng của ngành; bao gồm: duy trì và nhân rộng hệ thống ki-ốt khảo sát ý kiến không hài lòng của người dân khi đến khám bệnh tại các BV, triển khai đồng loạt khảo sát trải nghiệm của người bệnh sau thời gian nằm điều trị nội trú tại các BV, duy trì hiệu quả hoạt động của đường dây nóng.

Nhiều công trình y tế hoạt động trong năm 2020

Năm nay, sẽ có thêm nhiều công trình y tế mới của TPHCM tiếp tục được đưa vào sử dụng, gồm: Cơ sở 2 BV Ung bướu TPHCM, Khu Chẩn đoán kỹ thuật cao của BV Nhân dân 115; các cơ sở mới của BV Hùng Vương, Từ Dũ, Truyền máu Huyết học, Khoa khám bệnh và khu hành chánh Viện Tim, nâng cấp cơ sở vật chất theo định hướng phát triển chuyên môn của BV Nhân Ái, cơ sở mới khu khám và điều trị ban ngày của Viện Y Dược học dân tộc. Đối với các cơ sở y tế trực thuộc quận huyện, sẽ mở rộng nâng cấp BV Quận 12, xây dựng phòng khám đa khoa Bình Khánh - An Nghĩa, nâng cấp 7 trạm y tế phường trên địa bàn quận 9 và xây mới 2 trạm y tế tại phường Trường Thạnh, Tăng Nhơn Phú A…

Đặc biệt năm 2020, ngành y tế TPHCM sẽ triển khai ứng dụng “Y tế trực tuyến”, là công cụ để người dân tham gia phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề y tế và gửi thông tin về Sở Y tế để các phòng ban chức năng “phản ứng nhanh” trong xác minh và xử lý nghiêm theo quy định.

Sở Y tế sẽ tham gia vào tổng đài 1022 của TPHCM để giải đáp thắc mắc cho người dân liên quan đến lĩnh vực y tế. Sản phẩm y tế thông minh “Tra cứu nơi khám, chữa bệnh” sẽ triển khai trong năm 2020 sau thời gian thử nghiệm và hoàn chỉnh ứng dụng trong năm 2019, đây thật sự là một tiện ích, giúp người dân dễ dàng tra cứu nơi khám bệnh phù hợp triệu chứng, bệnh đang mắc, khoảng cách…

Năm 2020, ngành y tế cũng bắt đầu lộ trình lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thành phố, tiếp tục đầu tư nguồn lực đồng bộ cho cả 3 tuyến cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, triển khai cho 24 trạm y tế điểm đợt thứ 2, nâng tổng số trạm đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình lên 48 trạm. Đẩy mạnh xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực tại các BV đa khoa, chuyên khoa, nhiều cơ sở hạ tầng mới của BV tuyến cuối sẽ chính thức đi vào hoạt động.

TPHCM được giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hơn 19.000 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 163/QĐ-TTg về việc giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 với tổng mức dự toán là 103.063,247 tỷ đồng. Trong đó, TPHCM được giao nhiều nhất - gần 19.005 tỷ đồng, TP Hà Nội được giao hơn 17.717 tỷ đồng.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính rà soát định mức kinh tế, kỹ thuật các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để điều chỉnh cho phù hợp với chất lượng, khả năng cung ứng của cơ sở khám chữa bệnh và khả năng cân đối Quỹ BHYT. Đồng thời, Bộ Y tế cũng cần ban hành hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh gắn với chất lượng dịch vụ và có chế tài nếu cơ sở khám chữa bệnh không bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Trước tình trạng dự toán chi của TPHCM năm nay được giao hơn 19.000 tỷ đồng, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, dự báo tình hình vượt dự toán chi sẽ tiếp tục diễn ra tương tự hoặc cao hơn so với năm 2019 nếu các bệnh viện không triển khai giải pháp can thiệp hiệu quả, sẽ gây ra tác động không nhỏ khi hầu hết các bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên. Nguyên nhân chính của vượt dự toán chi khám chữa bệnh BHYT là mức giao dự toán ngang bằng mức chi cho hoạt động khám chữa bệnh BHYT của năm trước, dù lượt khám chữa bệnh BHYT tăng dần mỗi năm. Vì vậy, Sở Y tế TPHCM yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện đẩy mạnh giải pháp can thiệp tại chỗ nhằm đảm bảo chất lượng điều trị nhưng kiềm chế sự gia tăng chi phí điều trị.

THÀNH SƠN

THÀNH AN thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lam-chu-ky-thuat-cao-phuc-vu-chu-dao-benh-nhan-644442.html