Làm chủ hệ thống điều khiển pháo tàu AK176M

Đại tá, PGS, TS Trần Xuân Kiên, nghiên cứu viên cao cấp, Trưởng phòng Nghiên cứu vũ khí điện từ trường, Viện Điện tử, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng) cùng các cộng sự vừa hoàn thành đề tài khoa học cấp Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh: 'Nghiên cứu, thiết kế, chế thử 4 khối (A7, A8, A9, A10) trong bộ điều khiển BU thuộc hệ thống pháo tàu AK176M trên các tàu chiến dòng TT400TP'.

AK176M là loại pháo tàu hạng nặng, điều khiển bằng máy tính, sử dụng nguyên lý động học mới. Hệ thống điều khiển giúp pháo tự động ổn định trên mặt biển, ngắm bắn chính xác vào mục tiêu trong điều kiện tàu dập dềnh, dao động bởi sóng biển. Hệ thống có thể thực hiện điều khiển pháo từ ra-đa hay hệ thống bám quang điện tử hiện đại... Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng lâu dài có thể xuất hiện hỏng hóc trong hệ thống điều khiển và truyền động, bộ phận truyền tiếp đạn của pháo AK176M (bộ điều khiển BU). Đây là hệ thống phức tạp, việc điều khiển truyền động thủy lực ổn định pháo, điều khiển cấp đạn sử dụng bộ điều khiển số, dạng máy tính quân sự, không có chuyển giao công nghệ, không có ZIP dự trữ thay thế. Vì vậy, nếu không làm chủ công nghệ sẽ gây khó khăn cho công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Bộ điều khiển BU của pháo tàu AK176M gồm 10 khối, trong đó có 6 khối máy tính thông dụng (từ A1 đến A6) có thể dễ dàng tìm kiếm, thay thế và 4 khối ngoại vi (từ A7 đến A10) có tính đặc thù quân sự, không được cung cấp trên thị trường. Nhằm góp phần chủ động, kịp thời bảo đảm kỹ thuật cho pháo tàu AK176M trong mọi tình huống, nhóm nghiên cứu do Đại tá, PGS, TS Trần Xuân Kiên đứng đầu đã nghiên cứu hoàn thành nhiệm vụ khoa học, chế tạo thành công 4 khối: A7, A8, A9, A10 trong bộ điều khiển BU, giúp các đơn vị có các khối dự trữ, chủ động thay thế, duy trì hệ thống điều khiển pháo AK176M hoạt động ổn định, tin cậy, sẵn sàng chiến đấu cao.

Đại tá, PGS, TS Trần Xuân Kiên (bên trái) trao đổi với các thành viên hội đồng nghiệm thu đề tài về tính năng của sản phẩm.

Đại tá, PGS, TS Trần Xuân Kiên (bên trái) trao đổi với các thành viên hội đồng nghiệm thu đề tài về tính năng của sản phẩm.

Để triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các nội dung: Thu thập tài liệu kỹ thuật, khảo sát thực tế, tìm hiểu cấu trúc và nguyên lý hoạt động của các khối A7-A10, vẽ dựng lại sơ đồ BUS nội bộ trong khối BU; chế tạo thiết bị trích xuất thông tin vào/ra của các khối A7-A10 phục vụ khảo sát các khối trực tiếp trên pháo; nghiên cứu thiết kế giá thử nhằm khảo sát các khối A7-A10 nguyên bản, kiểm tra các khối mới chế tạo A7-A10 tại phòng thí nghiệm; dựng lại sơ đồ nguyên lý, giải mã các thành phần không tường minh của khối A7, chế thử khối A7; vẽ lại sơ đồ nguyên lý, giải mã các thành phần không thông dụng của khối đệm vào/ra cho hệ truyền động thủy lực kênh tầm và hướng của pháo AK176M (khối A8), chế thử khối A8; chế thử khối khuếch đại tín hiệu điều khiển các nam châm điện và công tắc tơ cho hệ truyền động thủy lực kênh tầm và hướng của pháo AK176M (khối A9); chế thử khối biến đổi nguồn và bảo vệ nguồn cung cấp cho hệ truyền động thủy lực kênh tầm và hướng của pháo AK176M (khối A10).

Các khối A7-A10 do Đại tá, PGS, TS Trần Xuân Kiên và cộng sự nghiên cứu, chế tạo đã được thử nghiệm hoạt động tốt tại một số đơn vị thuộc Vùng 2 Hải quân. Ngoài các tàu chiến dòng TT400TP, sản phẩm có thể được sử dụng trên hệ thống điều khiển pháo tàu AK176M của các dòng tàu chiến khác.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lam-chu-he-thong-dieu-khien-phao-tau-ak176m-648256