Làm chủ công nghệ lên men bã đậu nành thành nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi

Việc nghiên cứu tìm ra nguyên liệu để thay thế bột cá có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành chăn nuôi thủy sản, do bột có giá thành khá cao mà nguồn cung lại hạn chế và không ổn định.

Đã từ lâu, bã đậu nành thường được ứng dụng rộng rãi trong đời sống nhờ chứa nhiều chất đạm, canxi, kali và tinh bột cũng như các chất xơ khác nhưng lại tạo ra ít năng lượng nên nếu dùng thường xuyên bã đậu nành sẽ giúp cắt giảm bớt lượng calories dư thừa.

Chính vì vậy, bã đậu nành thường được sử dụng để làm nguyên liệu bổ sung cho các món như bánh ngọt, bánh quy, bánh donuts, bánh muffins, cháo, nước sốt, gia vị, súp, món hầm…Ngoài ra, bã đậu nành còn có thể dùng làm thức ăn cho gia súc và sử dụng như một loại phân bón nguồn gốc tự nhiên do giàu dư lượng nitơ, không gây hại cho môi trường hay thẩm thấu các chất độc hại vào cây trái.

Theo thống kê, sản lượng bã phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành sản xuất công nghiệp là rất lớn, lên tới hàng triệu tấn mỗi năm. Chỉ tính riêng nhà máy Vinasoy, con số này đã lên tới khoảng 1.200 tấn/tháng, đây là nguồn nguyên liệu dư thừa sẵn có với giá rẻ, phù hợp để sử dụng trong nghành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc sử dụng bã phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành một cách trực tiếp, không qua xử lý đã làm giảm khả năng tiêu hóa của vật nuôi, đồng thời làm gia tăng chất thải vào môi trường do lượng dư thừa không được hấp thu từ vật nuôi. Do đó, việc xử lý phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành để giúp các chất dinh dưỡng được chuyển sang dạng dễ hấp thu là điều rất cần thiết, đặc biệt là trong nuôi trồng thủy sản.

Sản lượng bã đậu nành từ các nhà máy Vinasoy rơi vào khoảng 1.200 tấn/tháng

Sản lượng bã đậu nành từ các nhà máy Vinasoy rơi vào khoảng 1.200 tấn/tháng

Xuất phát từ thực tế đó, ThS. Nguyễn Thành Trung và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã ứng dụng công nghệ vi sinh vật và công nghệ enzyme để chế biến bã đậu nành của công nghiệp chế biến sữa làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn thủy sản, cụ thể là thức ăn cho cá tra và cá rô phi. Đây là hai vật nuôi chủ lực của Đồng bằng song Cửu Long, là loài ăn tạp nghiêng về thực vật.

Theo các báo cáo, nhóm nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thành Trung đã phát triển thành công công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá tra và cá rô phi từ bã đậu nành. Thành công của nhóm nghiên cứu đã góp phần tạo giá trị gia tăng và chủ động nguyên liệu, giảm giá thành thức ăn, nâng cao hiệu quả nuôi cá tra và cá rô phi. Công nghệ này được phổ biến rộng rãi sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi thủy hải sản đảm bảo lợi thế cạnh tranh, cũng như phát triển thị trường mới.

Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu chế biến bã đậu nành của công nghiệp chế biến sữa làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) và cá rô phi (Oreochromis niloticus)” do ThS. Nguyễn Thành Trung làm chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện trong 24 tháng, từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2019 trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.

ThS. Nguyễn Thành Trung, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu

ThS. Nguyễn Thành Trung chia sẻ, dựa trên kết quả của dự án “Hoàn thiện và sản xuất thử nghiệm chế phẩm vi sinh BioShrimp – RIA2 phòng bệnh do Vibrio spp. gây ra trên tôm nuôi” được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện năm 2016, nhóm nghiên cứu sử dụng chủng vi khuẩn Bacillus subtilis B3 có hoạt tính protease, amylase, cellulase mạnh, có thể sử dụng như là nguồn vi sinh vật để lên men phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành. Bên cạnh đó, nhóm cũng kết hợp với cellulase và pectinase để thủy phân nhằm đánh giá hiệu quả xử lý nguyên liệu phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu ứng dụng khô đậu nành lên men thay thế bột cá còn rất hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu về thức ăn cho ngành thủy sản ngày càng tăng. Khô đậu nành lên men bán rắn (55% protein) của nhóm nghiên cứu có chất lượng tương đương sản phẩm ngoại nhập, nhưng giá thành rẻ hơn (khoảng 15.800 - 16.800 đồng/kg) so với sản phẩm đang bán trên thị trường (khoảng 17.500 đồng/kg). Trong khi đó, bột cá (55 - 60% protein) có giá khoảng 24 - 28.000 đồng/kg.

Dựa trên việc nghiên cứu, xây dựng quy trình ứng dụng công nghệ sinh học (enzyme, vi sinh vật) trong xử lý, thủy phân phá vỡ màng tế bào, nâng cao giá trị dinh dưỡng nguyên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở dùng làm nguyên liệu thức ăn thủy sản, sau khi tiến hành thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng công thức, sản xuất thức ăn và nuôi đánh giá hiệu quả thức ăn sử dụng nguyên liệu bã phụ phẩm từ sữa đậu nành đã được xử lý ở quy mô thương phẩm trên cá tra và rô phi.

Hiện nhóm nghiên cứu đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất được sản phẩm nói trên, mong muốn được hợp tác, chuyển giao cho các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi để kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

Lưu Điệp

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/lam-chu-cong-nghe-len-men-ba-dau-nanh-thanh-nguyen-lieu-san-xuat-thuc-an-thuy-san-270197.html