Làm cho sợi dây đoàn kết rộng rãi mà bền chặt

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 18/11/1930, Hội Phản đế Đồng minh - tiền thân của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, đã có 90 năm hoạt động qua các thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, MTTQ Việt Nam các cấp luôn thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những việc làm tốt của Mặt trận, đồng bào dân tộc không chỉ biết ơn mà ngày càng gắn bó trong mái nhà chung của MTTQ Việt Nam, vì đó là tổ chức của nhân dân, là người đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân.

Ông Lù Văn Que. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Lù Văn Que. Ảnh: Quang Vinh.

Biết nghe dân để nói cho dân hiểu, làm dân tin

Soi chiếu vào những chặng đường đã qua của lịch sử 90 năm của MTTQ Việt Nam để thấy rằng, vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận rất quan trọng. Mặt trận nắm được lòng dân, biết nghe dân để nói cho dân hiểu, làm dân tin, dân theo.

Cũng chính từ đây, Mặt trận thực sự là “cầu nối” giữa dân với Đảng và Nhà nước, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân. 90 năm qua, Mặt trận ở trong lòng dân là vậy, không ai làm thay được.

Ngày nay, nước ta có nhiều thế mạnh và nhiều sức mạnh, nhưng quan trọng nhất là lòng dân. Sức mạnh của lòng dân là sức mạnh của MTTQ Việt Nam, là sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam.

Cái khó là làm sao để dân tin, dân theo Đảng và MTTQ Việt Nam đến cùng. Bởi lẽ, ai cũng hiểu sức mạnh nhân dân cũng chính là sức mạnh đất nước. Dân giàu thì nước mạnh, dân mạnh thì nước giàu.

Năm 2020 là dấu mốc để thêm một lần nữa bồi đắp cho mái nhà chung Mặt trận ngày càng ấm áp, hòa hợp và rộng mở. Nhưng tiếp nối truyền thống 90 năm ấy, Mặt trận phải đổi mới để xứng đáng với lòng dân.

Muốn như vậy, tổ chức và người làm công tác Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở phải trong sạch, vững mạnh. Bởi như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói:“Chính sách đại đoàn kết quan trọng bao nhiêu thì tổ chức công tác Mặt trận càng quan trọng bấy nhiêu”; đó cũng chính là yêu cầu tất yếu để Mặt trận phải đổi mới cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.

Tổ chức Mặt trận do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tiếng nói của Mặt trận phải là tiếng nói của nhân dân, phải tất cả vì dân.

Mặt trận mạnh hay yếu là phải bắt đầu từ các hội viên, đoàn viên, thành viên của mình; rất cần tập hợp số lượng đông của các hội viên, đoàn viên trong các tổ chức quần chúng, nhưng chất lượng của các hội viên, đoàn viên đó phải mạnh, hơn những người ở ngoài hội.

Đặc biệt là người đứng đầu của tổ chức Mặt trận phải thực sự nêu gương sáng và có những đức tính không thể thiếu được, đó là: “Phẩm chất chính trị trong sáng và vững vàng; Sự hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và thế giới; Am hiểu tường tận những đặc điểm của các thành viên của Mặt trận; Phong cách đối với người, đối với việc có sức thuyết phục lòng người, nghiêm khắc với mình, song biết rộng rãi với người khác; Biết thường xuyên tự mình kiểm điểm, đối chiếu mình với tình hình và nhiệm vụ, để thấy những gì công tác đòi hỏi mà mình phải vươn lên để ngang tầm”.

Hay như việc chọn người làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận cũng phải là những người thật sự có tâm và có tầm, tiêu biểu ở các vùng miền, các lĩnh vực công tác, trong các dân tộc và tôn giáo, có sức thu hút các tầng lớp dân cư. Đó cũng là người biết nghe dân nói, biết học hỏi dân, nói dân nghe, dân hiểu và làm dân tin.

Để tập hợp rộng rãi hơn các tầng lớp nhân dân, Mặt trận cần mở rộng, đổi mới việc quy định kết nạp hội viên phù hợp với thời kỳ mới. Ngoài các hình thức tập hợp thông qua các tổ chức đã có, phải biết tập hợp những người tiêu biểu trong các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức, người có tài đức trong các lĩnh vực.

Hay như việc, có hình thức phát triển kết nghĩa trong nước giữa các dân tộc, trong từng dân tộc, trong từng tôn giáo, giữa ngành với địa phương, giữa địa phương với nhau, giữa nội địa với biên giới, hải đảo, giữa trong nước với nước ngoài để làm cho sợi dây đoàn kết rộng rãi mà bền chặt hơn.

Xây được niềm tin trong lòng dân, mới có đoàn kết thực sự

Suy cho cùng, đại đoàn kết - tạo sức mạnh từ lòng dân có được thực hiện hay không, lại tùy thuộc vào khả năng và trình độ giải quyết của chúng ta trước các mối quan hệ đa chiều và phức tạp trong nội bộ dân tộc và quan hệ của nước ta với các nước khác. Cụ thể là việc giải quyết các mâu thuẫn giai cấp và dân tộc, cộng đồng và cá nhân, xã hội và gia đình, quốc gia và quốc tế.

Để khơi dậy sức mạnh lòng dân, chúng ta không phải chỉ thấy có sự khác biệt, đối lập mà phải nhận rõ sự tương đồng, thống nhất giữa các nhân tố đó, biết nhân lên những điểm tương đồng giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội và giải quyết theo phương châm dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam trên hết.

Đó cũng chính là mẫu số chung quy đồng sức mạnh toàn thể dân tộc, thay sự cách biệt, để dân tộc ta đoàn kết, đất nước ta vững bước tiến lên.

Hơn lúc nào hết, Mặt trận phải thực hiện tốt chức năng “giám sát, phản biện xã hội”. Đây là việc mới làm, người dân đang hy vọng. Mặt trận phải tiếp tục vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đẩy mạnh thực hiện theo đúng quy định của Quy chế, các quy định tại Chương 5, Chương 6 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

Người dân đang kỳ vọng, Mặt trận phải chủ động hơn nữa, lựa chọn được vấn đề bức xúc nhất của dân để giám sát và phản biện. Trong đó có cả việc khiếu nại và tố cáo của dân, ai đúng phải được bảo vệ, ai sai phải xử lý nghiêm. Các cấp và các ngành phải coi trọng tính độc lập, tính hiệu lực của MTTQ Việt Nam trong giám sát, đó là giám sát của dân, là sự tôn trọng dân, là dựa vào dân, nghe dân nói.

Chỉ có thông qua việc giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận mới góp phần đổi mới chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hợp lòng dân, giải quyết hài hòa lợi ích, xây được niềm tin trong lòng dân và đoàn kết thực sự.

MTTQ Việt Nam là tổ chức của nhân dân, lấy dân làm gốc bởi vậy, Mặt trận phải gần dân, nắm chắc lòng dân đang nghĩ gì để có giải pháp kịp thời. Đó là việc làm sống còn của Mặt trận.

Nắm được lòng dân, làm dân tin thì sẽ thành công. Muốn vậy, phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. “Dĩ bất biến” ở đây là đại đoàn kết và bình đẳng các dân tộc. Còn “ứng vạn biến” là các chủ trương, chính sách, giải pháp sáng tạo, hợp với thực tiễn, có hiệu quả.

Trong sinh hoạt của Ủy ban Mặt trận các cấp phải thực sự dân chủ và tôn trọng nguyên tắc làm việc của Mặt trận là tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Không có ý kiến khác nhau thì không phải Mặt trận, nhưng cuối cùng không có đồng thuận cũng không phải là Mặt trận.

Thực tiễn cho ta bài học, việc gì chưa thống nhất giữa dân với Mặt trận, hãy vì dân, vì nước, bình đẳng, đoàn kết, phải trực tiếp đối thoại với nhau cho“thấu tình, đạt lý”. Thậm chí có việc còn phải biết kiên trì chờ đợi nhau, mới tạo được sự đồng thuận cao. Tuyệt đối không áp đặt, không ban ơn.

Đó là một số gợi mở nhằm phát huy truyền thống, vai trò và nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được lòng dân ủng hộ, tin rằng MTTQ Việt Nam sẽ thành công, làm tốt vai trò của mình trong thời kỳ mới, sẽ có nhiều ấn tượng tốt đẹp hơn nữa trong lòng dân.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-cho-soi-day-doan-ket-rong-rai-ma-ben-chat-524003.html