Làm 'cha mẹ trực thăng' là hại con mình

Xin đừng làm những bậc phụ huynh lúc nào cũng bay lượn trên đầu trẻ, áp đặt suy nghĩ của mình lên chúng.

Bạn vừa nghe chị đồng nghiệp than thở về đứa con “trời đánh” khi nó không thèm nghe chị bất cứ việc gì; hay đọc một mẩu tin xót xa về vụ tự tử của một cô bé, cậu bé tuổi vị thành niên… Bạn sẽ tự hỏi điều gì đã xảy ra với những đứa trẻ đó, gia đình đó.

Đã có bao nhiêu khẩu hiệu “Đừng” cái nọ, “Hãy” cái kia khi nói về hành động của người lớn dành cho con em mình nhưng hậu quả tiêu cực vẫn diễn ra. Nhiều khi tôi tự hỏi, bản thân người trong cuộc biết nhưng vẫn không thể tiết chế được, không thay đổi được…

Nhưng ở phần viết này, tôi vẫn phải nói “Xin đừng”, đừng làm những phụ huynh lúc nào cũng bay lượn trên đầu trẻ, áp đặt suy nghĩ của mình lên đầu chúng.

Nếu bạn đang cảm thấy cần một giải pháp, một sự chia sẻ, câu trả lời sẽ nằm trong cuốn sách Trẻ em như ngọc như gương.

 Nhiều cha mẹ luôn muốn kè kè bên con từ lúc nhỏ.

Nhiều cha mẹ luôn muốn kè kè bên con từ lúc nhỏ.

Trẻ em như ngọc như gương là tác phẩm của Andrey Maksimov, Trưởng khoa Báo chí, Đại học Truyền hình và Phát thanh Moscow (Nga), được nhà báo Phan Xuân Loan dịch sang tiếng Việt. Đây là cuốn sách giúp cha mẹ thay đổi tư duy trong giao tiếp, giáo dục gia đình một cách toàn diện và thực tế.

Nhà tâm lý học Shimi Kang đã phân chia phụ huynh thành 3 loại: Cha mẹ trực thăng sẽ luôn sẵn sàng ở bên cạnh con; cha mẹ cắt cỏ sẽ luôn đi trước, dọn sạch hết trở ngại cho con; cha mẹ túi bọng sẽ dâng hiến cả cuộc đời để bảo vệ con khỏi bất kỳ sự thất vọng nhỏ nào.

Đến đây, bạn muốn trở thành bậc cha mẹ như thế nào, còn tùy thuộc vào sự quyết định của mỗi người. Việc lựa chọn cách nào cũng sẽ ảnh hưởng con cái mình. Trẻ em là tấm gương phản chiếu tất cả hình ảnh, tính cách của cha mẹ.

Trong cuốn sách, tác giả chỉ ra một tâm lý khá phổ biến khi các bậc phụ huynh ứng xử với con của mình là: ”Làm sao có thể đứng ngang hàng với đứa con nếu chúng ta biết nhiều hơn nó?”.

Với tâm lý ấy, bạn khó có mối quan hệ chia sẻ, đồng cảm với con cái. Người có tâm lý này cần phải khắc phục.

Theo tác giả, bố mẹ cần phải chủ động chia sẻ với con cái về vấn đề mà mình gặp phải trong cuộc sống như những người bạn. Thậm chí, con cái cũng chính là một kênh để bố mẹ tham khảo xem chúng giải quyết tình huống đó như thế nào. Đừng vội nghĩ đến giải pháp mà đây chính là cách bạn xây dựng mối quan hệ tin tưởng với con mình.

Cùng cách nhìn nhận này, tác giả cũng khuyên phụ huynh hãy khuyến khích điểm mạnh, sự độc đáo của con. Người lớn hãy tạo điều kiện để con phát huy điểm mạnh và sự độc đáo đó. Hãy giúp con được thể hiện, thấy cái tôi của mình trong bối cảnh nhất định, thay vì hướng chúng tới sự mong muốn tha thiết của bản thân bố mẹ. Hãy nhớ, con không phải viết tiếp những ước mơ của cha mẹ, con cái là cá thể độc lập.

Hình ảnh điển hình của "cha mẹ trực thăng".

Cuốn sách cũng giúp phụ huynh hướng tới việc hạnh phúc đồng hành cùng con cái. Làm sao để con có cuộc sống ý nghĩa trong tình yêu thương và bảo vệ của cha mẹ.

Điều này đồng nghĩa việc cha mẹ dành thời gian trò chuyện cùng con cái. Họ không nhất thiết phải thể hiện nhiều điều muốn dạy con mà chủ yếu cần lắng nghe chia sẻ của chúng về cuộc sống xung quanh, về chính những tình huống trong gia đình. Hãy cố gắng tìm điểm chung quan điểm với con để đi đến sự thống nhất.

Những tâm lý này được minh chứng thực sự có ý nghĩa trong gia đình. Việc tạo vòng tròn yêu thương không gì khác là cha mẹ dành thời gian lắng nghe con chia sẻ và từ tốn bằng kinh nghiệm của mình để phân tích, liên hệ tình huống tương tự, giúp con chủ động tiếp nhận ý kiến của cha mẹ. Đây chính là cái nền vững chắc để con có thể tiếp tục ứng xử với bên ngoài.

Cuốn sách cũng nhấn mạnh, thông qua việc giao tiếp với con như đã nêu là cách cha mẹ tự hoàn thiện chính mình, tự giáo dục mình để gia đình là một chỉnh thể bền vững, ứng phó với những biến đổi không ngừng của xã hội.

Khánh My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-cha-me-truc-thang-la-hai-con-minh-post1087916.html