Làm căn cước cho công dân ở Thanh Hóa

Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 11.133,4 km2, hơn 3,6 triệu người, gần một triệu hộ sinh sống ở 27 huyện, thị xã, thành phố. Đáp ứng yêu cầu của nhân dân, Công an Thanh Hóa nhân rộng phương thức lưu động làm căn cước công dân (CCCD), tiến tới hiện đại hóa quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công an huyện Như Xuân làm căn cước cho công dân.

Công an huyện Như Xuân làm căn cước cho công dân.

Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 11.133,4 km2, hơn 3,6 triệu người, gần một triệu hộ sinh sống ở 27 huyện, thị xã, thành phố. Đáp ứng yêu cầu của nhân dân, Công an Thanh Hóa nhân rộng phương thức lưu động làm căn cước công dân (CCCD), tiến tới hiện đại hóa quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về tận nơi làm căn cước cho công dân

Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Thanh Hóa ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương hiện đang chăm sóc, điều trị nội trú 450 bệnh nhân tâm thần. Họ được đưa vào đây lúc lâm trọng bệnh, thiếu nơi nương tựa, lý lịch nhân thân không đầy đủ và phần lớn người bệnh chưa có CCCD. Qua nắm tình hình, Đội đăng ký quản lý cư trú, cấp và quản lý CCCD (Đội ĐKQLCT, CVQLCCCD) thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức hoạt động thiện nguyện, cơ động làm CCCD và đã cấp CCCD cho 364 người có bệnh lý bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại trung tâm. Giám đốc Trung tâm BTXH Thanh Hóa Vũ Đình Hoàn cho biết: Các cán bộ, chiến sĩ công an chủ động tiếp cận, làm căn cước cho công dân thiết thực tháo gỡ vướng mắc trong khám, chữa bệnh, thụ hưởng các chính sách BTXH của bệnh nhân tâm thần. Mỗi tập thể, cá nhân quán triệt trách nhiệm phục vụ nhân dân, xung kích vì cộng đồng, điều kiện chăm sóc, mức hưởng thụ vật chất, tinh thần của các đối tượng BTXH không ngừng được cải thiện, nâng cao. Trung tâm từng điều dưỡng tám Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tiếp tục thờ cúng, chăm sóc mộ phần các mẹ và trong tổng số 680 bệnh nhân được chăm sóc, trị bệnh tại trung tâm, có 130 người đã trở về nhà, hòa nhập cộng đồng bền vững.

Nhận thấy việc làm có lợi cho dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân, các cán bộ Hà Duyên Hưng, Bùi Minh Phương, Trần Ngọc Long..., cùng nhiều thanh niên tình nguyện của Công an Thanh Hóa lên xã miền núi Luận Khê, huyện Thường Xuân làm CCCD cho gần 300 đồng bào các dân tộc thiểu số, người nghèo hay đến với lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu, làm căn cước cho 352 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân. Đội căn cước đã đến các cơ sở BTXH, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Hợp Lực, hay đến tận gia đình làm CCCD cho bệnh nhân đau yếu, mắc bệnh hiểm nghèo nằm liệt giường ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa. Nhờ đó, nhiều công dân được hưởng các chính sách đối với người cao tuổi, BTXH, bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành.

Trung tá Lê Thị Quỳnh Hương, Đội trưởng ĐKQLCT, CVQLCCCD cho biết: Làm CCCD cố định tại Phòng PC06 và công an các huyện chỉ thực hiện trong giờ hành chính, cho nên đội căn cước thường tổ chức các chuyến đi về cơ sở làm CCCD, phục vụ nhu cầu chính đáng của công dân, nhất là những người cao tuổi, bị bại liệt, người lâm trọng bệnh. Thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, bộ phận làm căn cước đến các gia đình, cơ quan, địa phương có nhu cầu thu thập thông tin, hình ảnh, làm CCCD. Đội ĐKQLCT, CVQLCCCD còn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho công an các huyện vận hành trang thiết bị làm CCCD, đôn đốc làm căn cước cho học sinh chuẩn bị dự thi THPT quốc gia. Đến nay, công an toàn tỉnh đã cấp đổi, cấp mới hơn một triệu CCCD, trong đó các đội công tác lưu động đã phục vụ, làm căn cước cho gần 12 nghìn công dân.

Nâng cao chất lượng phục vụ

Từ năm 2016, Bộ Công an đã lắp đặt, cấp trang thiết bị cho công an 16 tỉnh, thành phố triển khai làm CCCD. Điểm hạn chế là phần lớn hoạt động làm CCCD đang thực hiện cố định tại Phòng PC06 và công an các huyện, thị xã, thành phố cho nên công dân mất nhiều thời gian, chi phí đi lại. Trong khi đó Công an Thanh Hóa mới được cấp duy nhất một bộ thiết bị làm căn cước lưu động, khó đáp ứng kịp thời nhu cầu của đông đảo công dân. Do vậy, Công an huyện Nông Cống và Công an huyện Tĩnh Gia tham mưu cho huyện dành nguồn ngân sách mua sắm máy tính, cải tiến thiết bị, cơ động làm CCCD. Ngoài việc đến các cơ sở y tế làm căn cước cho công dân, thụ lý đơn đề nghị của ông Đồng Khắc Chấn, ở thôn Cao Nhuận, xã Vạn Thiện về việc làm thủ tục cấp CCCD cho con trai Đồng Khắc Chung, sinh năm 1985, bị teo chân, tay không thể đi lại được, Công an huyện Nông Cống cử tổ công tác đến tận gia đình làm CCCD. Đồng Khắc Chung sớm được cấp căn cước, tiệm cận chính sách BTXH, được thanh toán BHYT khi khám, chữa bệnh. Thiếu tá Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Công an huyện thông tin thêm: Toàn huyện có 743 thương binh, bệnh binh, 3.275 người khuyết tật, 7.529 người cao tuổi, trong đó có tới 4.000 người hơn 90 tuổi. Nhu cầu cấp mới, cấp đổi CCCD rất lớn nhưng địa điểm tiếp dân, làm CCCD ở Công an huyện có hạn. Đi đôi với thực hành “làm hết việc mới hết giờ” tại điểm làm căn cước cố định, Công an huyện đầu tư 220 triệu đồng mua sắm máy tính, máy chụp ảnh cùng các trang thiết bị, chủ động di chuyển tới 11 xã vùng sâu, vùng xa, các trường học, bệnh viện làm CCCD. Đến thời điểm này tổ căn cước lưu động của Công an huyện Nông Cống đã làm, cấp 5.315 CCCD, trong đó có gần 130 CCCD được làm tại bệnh viện, gia đình.

Gần 10 năm công tác tại Công an tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Hoàng Đình Ngọc từng có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trong đó giải pháp nhận dạng mặt người bằng thuật toán sóng Gabor và những cải tiến đoạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12. Khi Bộ Công an triển khai dự án cấp, quản lý CCCD, Đình Ngọc cùng các thành viên tổ công nghệ thông tin tích cực học tập, chủ động học hỏi, làm chủ công nghệ, phần mềm, thiết bị cung ứng từ nhà thầu CSE để vận hành và hướng dẫn công an các huyện ứng dụng. Đình Ngọc chia sẻ, trong lần về xã Luận Khê, huyện Thường Xuân đã 12 giờ trưa vẫn có ba cụ già đến làm CCCD. Hỏi chuyện mới hay các cụ ở làng Kha, đi bộ từ sáng sớm đến công sở xã để làm căn cước thì mặt trời đã đứng bóng. Trăn trở trước nhu cầu chính đáng của công dân, Đình Ngọc nỗ lực hoàn thiện giải pháp, cùng Đội ĐKQLCT, CVQLCCCD tham mưu, triển khai làm CCCD lưu động trên phạm vi toàn tỉnh. Tận dụng thiết bị sẵn có, thay vì mua đủ máy, trang thiết bị theo thiết kế của nhà thầu CSE, các đơn vị chỉ cần mua một máy tính xách tay là có thể cơ động làm CCCD. Theo đó, các địa phương bố trí gần một tỷ đồng mua sắm 24 máy tính xách tay đã được rà soát an ninh, cài đặt phần mềm bản quyền, cơ động làm căn cước cho công dân. Hai ngày ra quân làm CCCD lưu động diện rộng vào đầu tháng 7 năm nay, công an các huyện, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa đã làm căn cước cho gần 3.000 công dân.

Thiếu tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng PC06 trao đổi: Cơ quan chức năng đã và đang từng bước khắc phục các vấn đề nảy sinh. Hiện đơn vị đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, cơ động làm CCCD, đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD bảo đảm tư cách pháp nhân, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân và thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đơn vị nỗ lực tổ chức thực hiện gắn với hiện đại hóa quản lý hồ sơ, tàng thư, căn cước, xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, phục vụ hoạch định chính sách an sinh xã hội, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự xã hội. Phòng PC06 tiếp tục tham mưu phân cấp một số chức năng, nhiệm vụ cho công an cơ sở thực hiện; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm chi phí xã hội, kịp thời giải quyết nhu cầu chính đáng, hợp pháp cho tổ chức, công dân.

VIỄN PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/41122502-lam-can-cuoc-cho-cong-dan-o-thanh-hoa.html