Làm cách sạch ruột

Có bao giờ y đã gặp tình huống éo le này chưa? Đang nhạt mồm nhạt miệng, buồn tình cha chả buồn tình, bèn đi thăm bạn với những ước ao đến nơi thì đã thấy mâm trên mâm dưới rượu thịt ê hề, tha hồ choàng vai bá cổ, ăn đưa xuống uống đưa lên, nói cười rôm rả...

Nào ngờ, gia chủ gật gù: “Ao sâu nước cả, khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà/ Cải chửa ra cây, cà mới nụ/ Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa” (Nguyễn Khuyến). Nhọ quá đi chứ? Tất nhiên là nhọ nhưng không vì thế mà ta quay lưng dời gót. Chơi thế thì chơi với ai.

Vậy, phải làm sao?

Khôn ngoan nhất vẫn là cứ giữ bộ mặt tỉnh bơ như không, dù bụng đang đói, miệng đang thèm ăn cái gì đó nhưng vẫn điềm tĩnh xem như pha rồi ngồi cùng bạn mà bàn chuyện chữ nghĩa. Thanh lịch đấy. Hay quá đấy.

Bèn từ tốn mà rằng, này bạn mình ơi, một điều hiển nhiên là có nhiều câu thành ngữ, tục ngữ trải theo năm tháng, dù tồn tại nhưng không còn đúng với “nguyên bản” chăng? Điều này cho thấy, một khi từ nào đó đã phai nghĩa, do không hiểu nên người đương thời bèn “cập nhật hóa” bằng cách hoán đổi từ khác đang thông dụng đặng dễ hiểu hơn. Vì lẽ đó, dẫn đến sự tranh luận, nếu có, cũng là lẽ thường tình, phải thế không?

Ảnh: L.G

Ảnh: L.G

Có thể lắm. Người ta thường bảo rằng, Khách đến nhà không gà thì vịt. Hiếu khách, đãi nhau là cái lẽ giản dị vốn có. Khi chủ nhà đã cho dọn thức ăn lên mâm, cứ tự nhiên đánh chén, chẳng gì phải giữ kẽ, nhìn trước ngó sau, giữ gìn tư thế, không cầm đũa, nếu có cũng chỉ cầm chừng lấy lệ. Cái ngữ này, cái điệu bộ này không khéo Làm khách sạch ruột. Thiệt thòi ráng chịu.

Câu này, “Từ điển thành ngữ Việt Nam” (1994) của Viện Ngôn ngữ học giải thích: “Tỏ ra khách sáo hoặc làm cao thì bị đói hoặc chịu thiệt, ví như khi được mời ăn lại làm khách, không nhận lời hoặc có đến thì chỉ ăn chút ít, giữ kẽ”. Làm khách là tỏ ra rụt rè, thiếu tự nhiên khi ăn ở nhà người khác, dù thân thiết hoặc chỉ mới xã giao quen biết. Lâu nay, ai ai cũng chấp nhận lấy câu này nhưng thật ra phải là “Làm cách sạch ruột” chăng?

Nghe lạ nhỉ? Nghe lạ tai quá đi mất.

Thế “làm cách” nghĩa ra làm sao? Theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895): “Làm cao, làm thái; làm bề thế, làm điệu hạnh”; còn có từ cùng nghĩa là “cao cách”. Thế nhưng “làm cách” trong ngữ cảnh này có sức khái quát, rộng lớn hơn nhiều tỷ như trong đối nhân xử thế, chọn lấy phép ứng xử. Chỉ do khi đổi thành “làm khách” mới khiến ta liên tưởng bó gọn trong chuyện ăn với uống, nhậu với nhẹt. “Cách” có nhiều nghĩa nhưng ở đây được hiểu theo nghĩa “phép tắc, lề lối” như “Hán Việt tân từ điển” của Nguyễn Quốc Hùng giải thích.

Ta hiểu, khi phán xử một sự việc nào đó nếu cứ nhất nhất tuân thủ theo phép tắc rành mạch, lề lối chuẩn mực, không du di, châm chước thì chớ hòng kẻ khác dám đút lót, mời mọc, đớp hít gì cả. Sạch ruột là bụng trống huơ, trống hoác không có chén anh, chén chú thù tạc lai rai bia bọt sau phi vụ “đền ơn đáp nghĩa”…

Sạch ruột vì không ăn tạp. Không ăn tạp là do mình “làm cách” nên đối tượng không dám giở trò ranh mãnh khiến sau đó, có lúc phải ngậm đắng nuốt cay bởi Ăn xuôi chùa ngọng miệng. Còn nói năng gì nữa?

Thế thì, đôi khi cũng một từ/ cụm từ nhưng ta lại nhiều đa nghĩa, với “sạch ruột” còn được hiểu là người đó không ăn như hạm, cứ theo kỷ cương phép nước mà làm, không thèm phải vì ăn của đút lót, ăn bẩn mà hạ xuống chung chạ với loài chuột! Bởi thế mới có câu mà “Tự điển Việt Nam” (1971) đã thâu nhận: “Làm cách sạch ruột, làm chuột no bụng”. Với câu này, tùy theo thái độ, tâm tính, tính cách mà mỗi người có cách giải thích theo sự lựa chọn. Vậy, mới là tính chất ẩn ý trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt.

Khi bàn về câu này, sự nhớ đến giai thoại thuộc chuyện xưa tích cũ liên quan đến Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai. Chuyện rằng, có gã quận công cầm quân ra chốn sa trường, thấy giặc sợ són đái bèn kéo quân về tuyến sau. Ông Giai xử bỏ ngục, khép án tử. Hoảng quá, bà vợ bèn chạy chọt “cửa sau” gỡ tội cho chồng. Vợ ông Giai nhận lời. Biết chồng là người thích ăn thủ lợn chấm với mắm ngấu nên bà mới bày ra, đợi chồng ăn xong, bà mới nói thật là do vợ của quận công đem tới.

Ông tặc lưỡi: “May án này có một vài lẽ có thể khoan giảm, nếu không thì phép nước sẽ điên đảo vì ta tham ăn”. Suy ra, “sạch ruột” là ám chỉ miếng ăn cụ thể, nhưng cũng có thể là há mồm ra ngoạm những 3 triệu USD rồi phải nôn thốc nôn tháo. Éo le đến thế là cùng. Ngẫm ra, thông qua thành ngữ, tục ngữ, ông bà ta đã nhìn nhận, đánh giá sự việc nào đó - dù chỉ vài từ nhưng lại ngụ ý sâu xa. Do đó, không phải ngẫu nhiên dám quả quyết rằng trí khôn của một dân tộc còn được ẩn giấu trong lời ăn tiếng nói dân gian lưu hành từ đời này qua đời nọ là vậy.

Dấu vết của “cách” theo nghĩa phép tắc, lề lối, quy định có thể tìm thấy trong thi cử Việt Nam thời xưa: hợp cách và trật cách. Trong quyển “Lều chõng”, nhà văn Ngô Tất Tố cho biết, chữ nào: “Không đáng đài mà đài, đáng đài mà không đài là không hợp cách”. Chẳng hạn, chữ “văn” (nghe) khi viết cho mình nghe thì viết bình thường, còn viết cho vua nghe thì dứt khoát phải “đài” lên, nghĩa là viết nhô cao hơn các chữ khác, nếu không phạm tội bất kính với nhà vua.

Mà hợp cách, trật cách trong thi cử quả là chuyện dài nhiều tập về… lắt léo chữ nghĩa! Ta thử đọc câu văn mà cha đẻ của chị Dậu nêu ra làm thí dụ: “Xuân sinh thu sái, đế đạo dữ thiên đạo nhi tịnh hành” (Mùa xuân sinh ra, mùa thu thu lại, việc của đời Đế cũng đi đôi với việc của trời). Câu này cũng bị ghép vào tội “khiếm trang” là do chữ “sái” và “đế” đứng liền nhau. Với chữ sái: “Chỉ vì bản thể của nó nguyên ở chữ “sát” là “giết” mà chuyển âm ra. Sái với sát đọc tuy khác nhau, nhưng mặt chữ cũng vẫn là một, cho nên đặt chữ sái liền với chữ đế tuy rằng mỗi chữ ở mỗi câu, người ta cũng có thể nhập lại làm một và đọc nó ra “sát đế”.

Sát đế nghĩa là giết vua” (“Lều chõng” - NXB Văn Học-1995, tr.269). Dù thí sinh không ám chỉ vào ông vua cụ thể nào hoặc giả chỉ đích danh vào hôn quân bạo chúa như bọn vua Kiệt, vua Trụ xa lắc xa lơ tận bên Tàu cũng bị ghép tội! Oái ăm quá.

Vì cái lẽ quy định khắc nghiệt của hợp cách, trật cách mà nhiều người đã trượt vỏ chuối - như ông Tú Xương thở dài nẫu ruột: “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy” là vậy. Trộm nghĩ cái rủi ro, cái số phận nhọ nồi của ông Tú Xương lại là cái may của dòng thơ trào phúng nước nhà. Nếu ông thi đâu đậu đó, ra làm quan xênh xang bổng lộc thì sức mấy có được những bài thơ lừng danh khiến đời sau phải thốt lên tự hào: “Đọc thơ Tú Xương ăn chuối ngự”?

Ngày xưa ngày nay, đã thi cử thì phải có cách, hợp cách/ trật cách. Vậy mà dẫu trật cách như vẫn đâu vào đó. Thế mới là đời. Như ta đã biết, thời của ông Tú Xương muốn thi Hương phải qua khảo hạch; nhưng có trường hợp lại không. Thế đấy.

Trong kho tàng tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, cụ thể là quyển “Nam thiên trân dị tập” của Vũ Xuân Tiên kể: “Nguyễn Toàn An, người xã Thời Cử, huyện Đường An, sung làm lánh bính (lính coi giữ và dọn cỏ ở cung điện) vào đầu niên hiệu Hồng Đức (1470-1497). Nhân đêm trung thu, các quan vào triều chầu hầu. Bấy giờ ánh trăng mờ tối, vua ra đầu đề “Trung thu vô nguyệt” (Đêm trung thu không trăng) để các quan làm thơ vịnh. Vua nóng lòng chờ đợi mà chưa thấy ai lên tiếng. Chợt thấy Toàn An quỳ dâng một bài thơ Đường luật. Mọi người cười ồ:

- Lánh binh mà vẫn làm được thơ à?

Vua sai xem lấy. Bài thơ làm bằng chữ Nôm, với câu kết như sau:

- Chớ thấy phen này mà rẻ nguyệt

Thu sau trông nguyệt, nguyệt càng cao.

Ai nấy đều thán phục, nhân đấy xin vua cho Toàn An được giải chức lánh binh để về quê đi thi. Sau đó, ông thi đậu Hương thí. Đến khoa Nhâm Thìn (1472), Toàn An đậu Bảng nhãn, lúc này ông mới 23 tuổi (“Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam” - tập II- Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB Thế giới 1997).

Với từ cách, ta còn có từ cách mạng, “Đại từ điển tiếng Việt” giải thích: “Cuộc biến đổi lớn trong xã hội, lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới tiến bộ hơn”. Thế nhưng, với nhân vật AQ lại có “định nghĩa” thiệt éo le, gây cười là do của văn hào Lỗ Tấn chơi chữ bằng cách cố tình tách rời “cách” và “mạng” thành hai từ riêng biệt. AQ nghĩ bụng: “Cách mạng cũng hay! Cách mẹ cái mạng chúng nó đi”. Khi đọc bài ca trù ngày xưa, ta nhớ đến câu đùa tếu táo:

Cô đầu, cô đách

Lấy quan quan cách

Lấy khách khách về Tàu

Cách ở đây là nói tắt của cách chức. Còn khách/ khách trú là từ dùng chỉ người Hoa sang làm ăn tại nước Nam. Tại sao gọi họ như vậy? Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến lý giải: “Nguyên lai khách trú có thể là từ do người Quảng Đông dùng để chỉ các di dân khác đến Bắc Quảng Đông và Nam Phước Kiến nhưng sang Việt Nam, nó lại mang ý nghĩa “những người khách ở tạm thời”.

Đầu tiên nó dùng để gọi nhóm Hakka (Hà Cá/ Hẹ), sau đó dùng để chỉ chung cho Hoa Kiều ở Việt Nam” (Đào Trinh Nhất - “Thế lực khách trú và vấn đề di dân ở Nam Kỳ” - NXB Hội Nhà văn 2016, tr.ix). Lý giải này liệu chừng có hợp lý? Tuy nhiên, có một điều khôi hài, lý thú là người Việt không chỉ dùng từ khách/ khách trú mà còn gọi họ là gì? Khảo sát từ câu ca dao này, ta sẽ thấy:

Má ơi chú tửng vô mùng

Hầu bao lép xẹp, má đừng cho vô

hoặc:

Gió đưa chú tửng từng tưng

Gặp chị bán gừng, a nả chị ơi

Ngoài ra còn dăm từ khác nữa như chệt/ chệc, ba tàu, người Minh Hương… Này, bạn mình, dẫu có vòng vo tam quốc đi nữa thì ta cũng không thể quên câu “Làm khách sạch ruột”. Như đã nói, do cách/ làm cách không còn thông dụng nên đã có sự hoán đổi qua khách/ làm khách, dù hợp lý nhưng rồi mất đi tính khái quát, chỉ còn đặt nó trong mối quan hệ chung của lúc ăn uống, đại khái là chớ nên kiêu cách, khách sáo, cao đạo giữ kẽ, tỏ ra mình không thiết chạm đũa để sau đó trơ bụng, đói meo, chi bằng hòa đồng vui vẻ với mọi người, người ta thế nào mình thế ấy mà có được một bữa no. Lời dặn dò này, nghĩ cho cùng cũng hợp lý hợp tình, do đó, nó đã được chấp nhận là vậy.

Nghe cũng có lý đấy chứ?

Tất nhiên rồi.

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/lam-cach-sach-ruot-606788/