Làm cách nào để nhận biết người mua rượu, bia dưới 18 tuổi?

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Quốc hội Ksor H'Bơ Khap (Đoàn Gia Lai) đã dẫn chứng nhiều ví dụ sinh động từ bản thân mình để cho rằng dự án luật này có nhiều điểm chưa phù hợp, còn chung chung, khó khả thi nếu đi vào thực tế.

“Có người uống một lít rượu vẫn bình thường"

Sáng 23.5, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận về dự án luật này.

Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, khi các đại biểu Quốc hội có nhiều dẫn chứng để “phản biện” về các quy định trong dự án luật.

Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khap.

Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khap.

Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khap (Đoàn Gia Lai) cho rằng tính khả thi của dự luật không cao. Tên là Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, nhưng trong luật không đưa nội dung phòng chống là gì, việc ưu tiên giáo dục, truyền thông không có.

Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đặt câu hỏi: Cấm quảng cáo rượu bia từ 15 độ trở lên, vậy dưới 15 độ thì sao? Cấm bán cho người dưới 18 tuổi, nhưng cách nào để kiểm soát, để biết người mua dưới 18 tuổi?

Việc này là tăng tính kích thích cho người dưới 18 tuổi. Bây giờ chúng ta vào các trang web, đặc biệt là các trang web đen, có hình ảnh và nội dung rất kích thích trí tò mò, kể cả người lớn chứ không chỉ trẻ em, và bao giờ cũng có câu “bạn đã đủ 18 tuổi chưa?”. Tôi chắc rằng từ người lớn tới trẻ em, ai cũng nhấp vào “tôi đã đủ 18 tuổi”, và sau cái 18 tuổi đó là gì thì tôi tin rằng ở đây “nhiều đại biểu đã có trải nghiệm đó”.

Đại biểu Đoàn Gia Lai cũng cho rằng, tác hại của rượu bia phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người. Kể cả khi đo nồng độ cồn, cùng với lượng cồn đó nhưng không phải đưa lên máy đo đều có kết quả như nhau.

“Tôi cho rằng nên điều chỉnh lại quy định tính nồng độ cồn, vì có người chỉ uống một ly thôi cũng tắc thở rồi, nhưng có người uống 1 lít vẫn bình thường. Có thể một đứa trẻ uống vào không sao, nhưng một người trưởng thành uống vào có thể say.

Ví dụ như bản thân tôi, ngay từ khi còn bé, tôi đã được uống rượu rồi. Ở làng, bản của tôi, người ta cúng thì mình phải uống. Uống xong, tôi thấy bình thường, không làm sao. Đấy là một ví dụ rất thực tiễn mà bản thân tôi đã từng trải qua”- đại biểu Ksor H’Bơ Khap dẫn chứng.

Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến của đại biểu Ksor H’Bơ Khap và cho rằng dự luật cần điều chỉnh nhiều quy định, hoặc không nên bấm nút thông qua trong kỳ họp này.

Cần thiết phải ban hành luật

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho rằng việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết. Bà dẫn chứng những vụ tai nạn, xâm hại tình dục, bạo lực gia đình do tác hại rượu bia gây ra để thấy sự cần thiết của luật.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên). Ảnh:Quochoi

Cũng theo đại biểu Hiền, quy định về quảng cáo rượu bia cần điều chỉnh thêm. Theo khảo sát của bà, 83% nhóm trẻ em từ 12 – 16 tuổi khi được hỏi thì nói từng uống sản phẩm có cồn, 70% trẻ em sử dụng các sản phẩm cho biết sau khi dùng thì thấy hơi lâng lâng, chóng mặt, tim đập nhanh.

"Nguy hại ở chỗ gần 80% trẻ em đều lựa chọn có thể tiếp tục sử dụng vì được quảng cáo là nước trái cây có ga, nước trái cây lên men. Nếu không muốn nói quảng cáo rượu bia đang cố tình đánh tráo khái niệm, thì cũng nên xem lại việc quảng cáo thông tin thiếu chính xác, sai sự thật gây ảnh hưởng sức khỏe... Tôi đề nghị quy định độ cồn từ 4,5% trở lên thay vì nồng độ đang quy định trong dự luật là 5,5%" - đại biểu Hiền nêu ý kiến.

Đ.Chung-C.Nguyên-T.Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/lam-cach-nao-de-nhan-biet-nguoi-mua-ruou-bia-duoi-18-tuoi-735087.ldo