Làm cả thế giới khiếp sợ, Triều Tiên vẫn còn đối mặt với khủng hoảng lương thực

Nổi tiếng với vũ khí hạt nhân, Triều Tiên trở thành 'cường quốc' bắt cả Mỹ và Nga phải ngồi vào vòng đàm phán. Thế nhưng 4/10 người Triều Tiên đang bị thiếu lương thực nghiêm trọng, khẩu phần ăn tối thiểu bị cắt giảm, sau vụ mùa năng suất thấp nhất trong thập kỷ qua. Nhiều gia đình Triều Tiên chỉ có thể bổ sung protein vài lần trong một năm.

Triều Tiên thiếu lương thực, có thể xảy ra "nạn đói"

Người phát ngôn của Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc (WFP) Herve Verhoosel báo cáo: “10,1 triệu người nước này sắp đối mặt với mất an ninh lương thực nghiêm trọng, có nghĩa họ không còn đủ lương thực cho đến vụ mùa kế tiếp”.

Khẩu phần ăn cho một người mỗi ngày ở Triều Tiên giảm xuống chỉ còn 300 gram, mức thấp nhất từ trước đến nay. Liên Hiệp Quốc thực hiện việc đánh giá an ninh lương thực, sau khi Bình Nhưỡng gửi yêu cầu, từ ngày 29/03 đến 12/04.

Cục Thống kê Trung ương Triều Tiên cho biết dân số nước này là 25,2 triệu người. Ông Verhoosel nói rằng từ “nạn đói” tạm thời chưa được dùng để mô tả cuộc khủng hoảng lương thực ở nước này, nhưng lại có thể xảy ra sau vài tháng tới. “Tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, đó là sự thật”, người phát ngôn này nhấn mạnh.

Triều Tiên đã hứng chịu nạn đói từ giữa thập niên 90, đã làm khoảng 3 triệu người thiệt mạng. Các cuộc xung đột chính trị và hạn hán đã làm thế giới đối mặt với những nạn đói khủng khiếp nhất từ sau Thế Chiến II. Một tổ chức cảnh báo nạn đói của Hoa Kỳ dự báo rằng khoảng 85 triệu người trên 46 quốc gia sẽ cần phải hỗ trợ lương thực khẩn cấp vào năm 2019. Số người bị đói này tương đương với dân số của Vương Quốc Anh, Hy Lạp và Bồ Đào Nha cộng lại. Ngoài ra, 124 triệu người sẽ gánh chịu thiếu hụt lương thực, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc gần đây.

Kỷ nguyên 4.0, thế giới vẫn còn hơn 800 triệu người suy dinh dưỡng

Số người có nguy cơ chết đói tăng 85% kể từ năm 2015, trong đó, Nam Sudan, Yemen, Tây Bắc Nigeria và Afghanistan là những khu vực trầm trọng nhất. Đáng lo ngại là vấn đề nạn đói toàn cầu trong kỷ nguyên 4.0 dường như không được người ta chú ý nữa, kể từ sau những hình ảnh nạn đói thảm khốc ở Ethiopia giữa thập niên 80. Mặc dù theo ông Alex de Waal, giám đốc Tổ chức Hòa Bình Thế giới của Đại học Tufts ở Boston (Mỹ), số người chết đói mỗi năm là 1 triệu người kéo dài một thế kỷ cho đến thập niên 80, và con số này hiện tại giảm xuống 5 – 10% nhờ vào sự phát triển thị trường toàn cầu, và các chương trình nhân đạo quốc tế.

Trong khi hình ảnh trẻ em đói ở Ethiopia xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, thì nạn đói ở Yemen dường như bị phớt lờ vào những năm 1980. Ảnh: Getty.

Trong khi hình ảnh trẻ em đói ở Ethiopia xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, thì nạn đói ở Yemen dường như bị phớt lờ vào những năm 1980. Ảnh: Getty.

Bradley Elliott, nhà sinh lý học tại Đại học Westminster, nghiên cứu rằng một người đàn ông bị bỏ đói trong 50 ngày, cơ thể sẽ giảm cân 20% và chỉ tiêu thụ 50% năng lượng. Nhiệt độ cơ thể sẽ giảm xuống, đầu óc sẽ thiếu tỉnh táo, gan và thận bắt đầu yếu đi, huyết áp giảm và dễ dàng ngất xỉu. Các cơ quan trong cơ thể hoạt động yếu ớt để duy trì nguồn năng lượng ít ỏi từ thực phẩm.

Tuy nhiên, an ninh lương thực tồi tệ hơn chúng ta vẫn nghĩ. Liên Hiệp Quốc ước tính có 821 triệu người trên thế giới bị thiếu dinh dưỡng. Ngay cả ở Mỹ, quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất, gần 12% hộ gia đình bị phân loại là thiếu lương thực, trong khi đó, có đến 6,5 triệu trẻ em nước này không được ăn uống đầy đủ.

Nạn đói ở nhiều quốc gia Châu Phi, như Somalia gần như bị các nước phát triển lãng quên. Ảnh: Getty.

Các kệ hàng trống trơn trong một siêu thị ở thủ đô Venezuela. Ảnh: Getty.

Khi bị thiếu khoáng chất và vitamin, cơ thể sẽ dễ mắc các bệnh như scurvy (căn bệnh khi thiếu vitamin C với triệu chứng chảy máu nướu răng, các mảng thâm tím lan rộng trên da, chậm lành vết thương) và pellagra (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “làn da thô ráp”, với triệu chứng viêm da, tiêu chảy và giảm trí nhớ).

"Thông thường con người sẽ chết nếu trọng lượng cơ thể giảm xuống một nửa so với chỉ số bình thường, trong tình trạng đói từ 45 – 61 ngày, và phụ nữ thì thường kiên cường hơn đàn ông", WFP cho biết.

Trẻ em ở Sarajevo, thủ đô Bosna và Hercegovina, một quốc gia ở Đông Nam Châu Âu phải mò rác để tìm thức ăn, vì nước này quá phụ thuộc vào các chương trình cứu đói của Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Getty.

WFP và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc là một trong những cơ quan viện trợ quốc tế hiếm hoi được phép tiến hành các cuộc điều tra ở Triều Tiên. WFP đã tiến hành khảo sát tại các nông trường, hộ gia đình, những vườn ươm và trung tâm phân phối thực phẩm.

Nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên là hạn hán, các đợt nắng nóng và cả lũ lụt. “Những thảm họa khí hậu cứ lặp đi lặp lại, cộng thêm việc thiếu hụt nhiên liệu, phân bón và máy móc nông nghiệp” ông Verhoosel giải thích. Trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì cho rằng lỗi lầm này là do chính phủ Triều Tiên vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân, mà không chịu tập trung ngân sách cho nhu cầu của người dân.

Sau thỏa thuận thất bại về việc xóa bỏ các lệnh trừng phạt để chấm dứt phát triển hạt nhân ở Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ấn định thời hạn đến cuối năm nay để phía Mỹ “linh hoạt hơn”.

Tổng sản lượng nông nghiệp của Triều Tiên hiện khoảng 4,9 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Trong năm 2019, nước này bị thiếu hụt khoảng 1,36 triệu tấn lương thực, theo báo cáo của WFP.

WFP sẽ thực hiện cuộc đánh giá khác vào tháng Bảy và Tám sắp tới.

Anh Thư

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/lam-ca-the-gioi-khiep-so-trieu-tien-van-con-doi-mat-voi-khung-hoang-luong-thuc-2833/