Lâm Bình xác định lợi thế mới để vượt lên

Tuy là huyện khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người dân,...

Giờ đây, Lâm Bình có nhiều thay đổi, thu nhập bình quân đạt 30,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 31%.

Đến nay, 100% xã, thôn bản ở Lâm Bình có nhà văn hóa. Trong ảnh: Nhân dân thôn Nặm Chá, xã Lăng Can đổ sân bê tông nhà văn hóa thôn.

Đến nay, 100% xã, thôn bản ở Lâm Bình có nhà văn hóa. Trong ảnh: Nhân dân thôn Nặm Chá, xã Lăng Can đổ sân bê tông nhà văn hóa thôn.

Khai thác hiệu quả lợi thế

Những ngày đầu thành lập (năm 2011, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nà Hang và huyện Chiêm Hóa), dù gặp vô vàn khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lâm Bình quyết tâm vượt khó, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Kết quả thể hiện rõ nhất là 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra đều hoàn thành vượt mức đề ra.

Lâm Bình đã khai thác hiệu quả lợi thế, thế mạnh của mình, hình thành một số vùng, chuỗi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: duy trì đàn trâu trên 7.600 con, đàn bò gần 2.000 con, đàn dê trên 4.600 con, trên 480ha cây lạc, phát triển nuôi trồng thủy sản đạt trên 400 tấn/năm...

Ông Nguyễn Văn Nhật ở thôn Nặm Đíp (xã Lăng Can) tâm sự, trước đây gia đình làm nương, trồng ngô, trồng sắn chỉ đủ ăn. Năm 2016, ông quyết định chuyển sang nuôi cá (4.000m2), kết hợp mở dịch vụ hồ tắm (hơn 1.000m2), trồng các loại cây đặc sản (hơn 500m2) và nuôi gà. Giờ đây, trừ chi phí, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Quan Văn Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Lâm, cho biết, xã có 9 dân tộc, 1.301 hộ với trên 5.000 khẩu. Trước đây, người dân chủ yếu trồng lúa, ngô, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, vẫn còn tình trạng học sinh chưa biết con chữ.

Đến nay, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư, trình độ dân trí được nâng lên, không còn tình trạng mù chữ. Người dân được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thuật áp dụng vào sản xuất, thu nhập hiện đạt trên 36 triệu đồng/người/năm; năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%. Trước đó, năm 2015, xã đã đạt chuẩn NTM.

Ông Sỹ cho biết thêm, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi như: trồng cây dược liệu, nuôi vịt, dê, các loại cá đặc sản để nâng cao thu nhập; cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lâm Bình, huyện đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: mô hình nuôi trâu thịt hàng hóa, chăn nuôi dê, trồng lạc thương phẩm. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Nhân dân thôn Làng Chùa (Lăng Can) chăm sóc cây keo.

Để người dân có vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, những năm qua, Agribank Chi nhánh Lâm Bình đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn vay cho người dân. Đến nay, hơn 5.200 hộ gia đình, cá nhân và 18 doanh nghiệp, HTX đã vay vốn với tổng dư nợ trên 484 tỷ đồng. Qua đó giúp các đối tượng vay có cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ.

Tiếp tục phát huy thế mạnh

Để tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững; nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là cây trồng - vật nuôi có lợi thế theo hướng sản hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đảm bảo nhanh, bền vững...

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lâm Bình Phạm Cao Kỳ cho rằng, cần ưu tiên các nguồn vốn để hỗ trợ, phát triển cây trồng, vật nuôi huyện có lợi thế. Huy động nguồn vốn đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã Khuôn Hà, cho hay, huyện có trên 3.500ha mặt nước lòng hồ, những năm qua, nghề nuôi cá lồng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Huyện cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng cũng như chính sách hỗ trợ thành lập các HTX về thủy sản, liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản để người nuôi yên tâm mở rộng quy mô.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lâm Bình, cần tạo điều kiện về vốn, vật tư, kỹ thuật, kiến thức cho các hộ nghèo áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi để nâng cao giá trị sản phẩm. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề và nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc khó khăn và miền núi.

Về vấn đề vốn, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Agribank Chi nhánh Lâm Bình, cho biết, Agribank sẽ bám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế của huyện đề chủ động cho vay, đảm bảo an toàn, hiệu quả và tăng trưởng vốn đầu tư tín dụng. Đa dạng hóa các hình thức cho vay, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vay.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, cho biết, khi huyện mới thành lập, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, sản xuất nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 71%, có xã lên tới hơn 90% (tiêu chí nghèo cũ). Hiện, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, chuyển dịch đúng hướng và phát triển tương đối đồng đều, du lịch có nhiều khởi sắc, trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng của huyện.

Lâm Bình có di tích Xưởng Quân khí H52 của Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm, ở Bản Cài, xã Thượng Lâm, được xếp hạng Di tích Quốc gia.

Di tích Xưởng Quân khí H52 là cơ sở trọng yếu khai thác và sản xuất diêm tiêu phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn từ năm 1950 đến 1954. Đây là nơi có vị trí bảo đảm bí mật, an toàn, có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất diêm tiêu thô và than củi (hai nguyên liệu chính để sản xuất thuốc súng).

Xưởng Quân khí H52 do đồng chí Ngô Gia Khảm làm Giám đốc cùng 10 hộ gia đình dân tộc Tày sinh sống một lòng đi theo cách mạng và ủng hộ kháng chiến; chuyên sản xuất diêm tiêu làm thuốc súng (còn gọi là thuốc đen), đáp ứng một phần cho chế tạo vũ khí như: lựu đạn, mìn, thuốc phóng, dây cháy chậm, pháo hiệu phục vụ chiến trường, góp phần không nhỏ vào những trận chiến hào hùng của dân tộc.

Phát huy truyền thống đó, Đảng bộ và nhân dân Lâm Bình đang nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, đưa huyện vùng cao sớm thoát nghèo.

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/lam-binh-xac-dinh-loi-the-moi-de-vuot-len-post37222.html