Lâm Bình, 10 năm một chặng đường phát triển

Ngày 28-1-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa, để thành lập huyện Lâm Bình thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Trung tâm huyện Lâm Bình đã đạt tiêu chí đô thị loại V.

Trung tâm huyện Lâm Bình đã đạt tiêu chí đô thị loại V.

Ngày 28-1-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa, để thành lập huyện Lâm Bình thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Huyện Lâm Bình có 78.152,17 ha diện tích tự nhiên; có tám đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên, Xuân Lập, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang. Sau 10 năm thành lập, vượt lên những khó khăn của huyện vùng cao, cơ sở hạ tầng của huyện Lâm Bình đã được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, dần thoát nghèo bền vững.

Cách đây tròn 10 năm, thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 28-1-2011 của Chính phủ, huyện Lâm Bình được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của hai huyện Na Hang và Chiêm Hóa. Thành lập huyện là một chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị tại những vùng khó khăn nhất của tỉnh, đồng thời đáp ứng ý chí, nguyện vọng nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Những ngày đầu thành lập, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các điều kiện để đáp ứng yêu cầu của một đơn vị hành chính cấp huyện của Lâm Bình đặc biệt khó khăn và thiếu thốn. Các cơ quan của huyện chưa có trụ sở làm việc, hầu hết phải ở cùng nhà dân. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa phát triển; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm hơn 71%; thu ngân sách của huyện chỉ đạt xấp xỉ một tỷ đồng; phần lớn cán bộ, công chức còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác. Những khó khăn, thách thức đó đã đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải quyết tâm, nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo rất cao để đưa huyện nhà phát triển như ngày hôm nay.

Ngay từ khi thành lập, Ðảng bộ và nhân dân huyện Lâm Bình đã đoàn kết một lòng, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, dần đạt được những thành tựu đặc biệt quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị. Ðến nay, giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng hơn 14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm, đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh các cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 30 triệu đồng, tăng bốn lần so với năm 2011. Ðặc biệt, tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường, với cách làm sáng tạo, huyện đã tập trung phát triển kinh tế du lịch với những sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, đang hứa hẹn đưa Lâm Bình trở thành điểm đến của du khách trong nước và nước ngoài .

Thời kỳ mới thành lập, hệ thống giao thông của huyện hầu như chưa được đầu tư, chủ yếu là đường đất, đường cấp phối, việc đi lại, giao thương hết sức khó khăn. Ðến nay, hệ thống giao thông của huyện đã tương đối hoàn thiện, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã tăng từ 38% năm 2011 lên 100% năm 2021; tỷ lệ đường thôn được cứng hóa từ 28% lên 97%, thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài huyện. Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển mạnh, phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ được thực hiện có hiệu quả; nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, người dân đóng góp hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông nông thôn với giá trị hàng chục tỷ đồng. Hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đã đáp ứng tốt nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp.

Kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi được huyện quan tâm đầu tư, trong 10 năm đã xây dựng hơn 500 công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với tổng số vốn hơn 1.200 tỷ đồng. Hầu hết các cơ quan của huyện, trụ sở các xã, các trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, chợ trung tâm huyện, quy hoạch và xây dựng các khu dân cư và một số công trình hạ tầng xã hội khác đã góp phần đưa trung tâm huyện đạt tiêu chí đô thị loại V và đang trong lộ trình trở thành thị trấn của huyện. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ khá phát triển, thu ngân sách hằng năm luôn đạt và vượt kế hoạch giao. Tổng thu ngân sách năm 2020 tăng gấp 20 lần so với năm 2011. Phong trào xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đem lại hiệu quả thiết thực. Năm 2020, toàn huyện có ba xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân của các xã tăng từ 3,5 tiêu chí năm 2011 lên 14,5 tiêu chí năm 2020. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, huyện phấn đấu có thêm hai xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội đạt được nhiều thành tựu đáng mừng; chất lượng giáo viên được nâng lên, số giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh thi đỗ vào các trường đại học tăng mạnh qua các năm. Toàn huyện có 11 trong số 26 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% cán bộ quản lý và hầu hết giáo viên các cấp học đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được coi trọng, bệnh viện đa khoa huyện được đầu tư xây dựng hiện đại, tất cả các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Chủ động thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, đạt hiệu quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 71% năm 2011 xuống còn 31% năm 2020; huyện đã tập trung nguồn lực xóa hơn 1.600 nhà tạm, nhà dột nát,... Các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm sâu sát và đã trở thành nếp sống văn hóa, tình cảm của nhân dân Lâm Bình. Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị luôn ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc, là huyện có tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định trong tỉnh.

Công tác xây dựng Ðảng, chính quyền luôn được coi trọng, hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt hơn 70%; hơn 80% số đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; thực hiện tốt việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ năm 2018 trở lại đây, huyện luôn nằm trong nhóm dẫn đầu của tỉnh về các chỉ số: Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện. Phương thức, nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, tham gia hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần củng cố sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó giữa Ðảng với nhân dân.

Năm 2015, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu mà Ðảng bộ nhân dân các dân tộc trong huyện đạt được là đặc biệt quan trọng và trên tất cả các lĩnh vực. Song thể hiện rõ và sinh động nhất là đời sống mọi mặt của các tầng lớp nhân dân trong huyện không ngừng được cải thiện; cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Ðảng, tạo ra sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc; hăng hái thi đua, tích cực học tập, lao động sản xuất và công tác.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục, đó là: Huyện Lâm Bình hiện vẫn là huyện nghèo, ít lợi thế để phát triển công nghiệp, nguồn thu ngân sách hạn hẹp; chất lượng nguồn nhân lực có mặt hạn chế; thu nhập bình quân đầu người và một số chỉ tiêu phát triển còn thấp so với mức bình quân của tỉnh.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ huyện xác định hai khâu đột phá, bốn nhiệm vụ trọng tâm, 18 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị giai đoạn 2020 - 2025; đẩy mạnh du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững... phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt hơn 330 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 337 tỷ đồng, tăng bình quân hơn 5,6%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng/người/năm; nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Lâm Bình Nguyễn Thành Trung cho biết, Ðảng bộ và nhân dân huyện Lâm Bình tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, phát huy những thành quả đã đạt được trong 10 năm qua, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gắn với sản xuất hàng hóa cây trồng, vật nuôi có lợi thế, góp phần xây dựng nông thôn mới bảo đảm bền vững.

Coi trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Lan Hương

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/lam-binh-10-nam-mot-chang-duong-phat-trien-636620/