Làm báo thời 4.0

Xung quanh vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS Triệu Thanh Lê - Trưởng khoa Báo chí & Truyền thông - Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM).

Sinh viên lớp Truyền thông K17 - Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) trong buổi công chiếu sản phẩm “Tư duy sáng tạo”. Ảnh: Nhật Ánh

Nhà báo không thể lùi bước

- “Cách mạng công nghiệp 4.0” luôn được đề cập trong thời gian gần đây, theo TS, nó tác động đến báo chí Việt Nam như thế nào? Loại hình báo nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc cách mạng này?

- Thời gian gần đây, những thay đổi về công nghệ đã có ảnh hưởng khá nhiều đến cách hiểu về nghề báo, cách công chúng tiếp cận thông tin báo chí, cách tổ chức tòa soạn và sản xuất nội dung cho báo chí.

Trong suy nghĩ của tôi, nghề báo đang trở nên “phẳng” hơn với sự phát triển của các phần mềm xuất bản điện tử, khả năng lan truyền tin tức nhanh chóng trên các nền tảng xã hội và suy nghĩ ai cũng có thể làm báo.

Trên thế giới, nghề báo đang được hiểu một cách linh hoạt hơn trong sự kết nối bình đẳng giữa các hoạt động nghề nghiệp thuộc và không thuộc sự quản lý của cơ quan báo chí, giữa phóng viên chính thức và phóng viên tự do, giữa cách phát hành truyền thống và phi truyền thống.

TS Triệu Thanh Lê - Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM). Ảnh: Mai Phương

Công nghệ cũng thay đổi cách bạn đọc tiếp cận nội dung. Theo các khảo sát của Khoa Báo chí và Truyền thông, vào năm 2015 có 18% giới trẻ được hỏi cho biết họ đọc tin tức trên mạng xã hội Facebook.

Đến năm 2019, tỉ lệ này tăng lên 93%. Đặc điểm của công chúng khi đọc tin tức trên Facebook, Zalo cũng khác với công chúng truyền thống ở tính chất kết nối theo mạng lưới xã hội. Tính chất này khiến cho tin tức khi được giới thiệu, chia sẻ thì khả năng lan truyền và ảnh hưởng cao hơn do sự chi phối của uy tín cá nhân và những mối quan hệ xã hội giữa những cá nhân với nhau.

Những yếu tố này đã được nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam quan tâm, thể hiện ở việc các tờ báo mở rộng kết nối và tăng cường tương tác với độc giả; xác định phát triển theo hướng sản xuất đa phương tiện và phân phối trên đa nền tảng.

Loại hình báo chí nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất? Tôi nghĩ nhìn chung báo in chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã dừng phát hành bản in, chỉ phát hành trên

Internet. Tuy nhiên, có những tờ báo in vẫn phát hành tốt. Điều này tùy thuộc vào mục đích phát hành, đặc điểm riêng của từng tờ báo và công chúng mục tiêu.

- Theo TS, báo chí hiện đại ngày nay phải làm gì để có thể khẳng định vị thế của mình?

- Báo chí không chỉ là một dạng thực hành nghề nghiệp thuần túy để sản xuất và cung cấp thông tin, mà là một định chế quan trọng với sự phát triển của xã hội. Xã hội nào muốn phát triển theo hướng tiến bộ, dân chủ, văn minh thì cần tôn trọng tiếng nói của báo chí.

Báo chí luôn giữ được vị thế, nếu báo chí có chất lượng. Điều này thể hiện qua việc thông tin đúng sự thật, cung cấp và phân tích những góc nhìn đa chiều một cách có trách nhiệm, tạo lập diễn đàn cho công chúng. Người làm báo cũng cần thích ứng nhanh với những thay đổi về công nghệ để phục vụ công chúng hiệu quả hơn.

Cần sớm chuẩn hóa nguồn nhân lực

- Xin TS cho biết, công tác đào tạo báo chí đã - đang và sẽ có những thay đổi như thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu thời kỳ bùng nổ thông tin?

- Công tác đào tạo báo chí hiện nay đặt ra mục tiêu đào tạo người làm báo có hiểu biết sâu sắc về nghề báo trong những bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau; có năng lực tư duy độc lập, sắc bén và sáng tạo; có khả năng sản xuất các sản phẩm báo chí đa phương tiện; hiểu và biết cách tương tác với công chúng trên các nền tảng truyền thông đa dạng; có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực cụ thể.

Một số trường báo chí ở phương Tây còn hướng đến việc đào tạo nhà báo biết cách khởi nghiệp (phổ biến nhất là các dạng start-up công nghệ thông tin kết hợp với sản xuất, phân phối tin tức). Khi đó, những kiến thức, kỹ năng về quản trị, kinh doanh trong các môi trường đa dạng và thái độ tự tin, quyết đoán và cách tư duy hiệu quả trở nên rất cần thiết với những học viên có định hướng làm chủ doanh nghiệp truyền thông hoặc báo chí.

Chương trình đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông hiện nay không còn phân chia chuyên ngành theo từng loại hình như trước, mà chuyển qua hướng tích hợp, nghĩa là trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng sản xuất trong tất cả các loại hình báo chí. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường cho người học thực hành những kỹ năng về tin học, ngoại ngữ thông qua những bài tập ứng dụng và các nội dung giảng dạy song ngữ.

Bên cạnh chương trình đào tạo ở bậc đại học, khoa cũng phát triển các chương trình giảng dạy về kỹ năng thông hiểu thông tin (news literacy) từ cơ bản đến nâng cao không chỉ dành cho sinh viên báo chí, mà còn cho các nhóm độc giả ở nhiều độ tuổi, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Những nội dung đào tạo này giúp người học nâng cao khả năng đánh giá tin tức, có trách nhiệm với hoạt động truyền thông cá nhân, góp phần hạn chế sự lan tràn các thông tin thất thiệt gây bất ổn trong xã hội.

- TS có lời khuyên gì đối với những người đam mê và sắp bước vào công việc làm báo?

- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất với những người học báo chí là phải nhận thấy và yêu quý những giá trị tốt đẹp của nghề báo. Đây là động lực mạnh mẽ nhất để vượt qua khó khăn và luôn gắn bó với nghề báo.

Cảm ơn nhà báo. Chúc nhà báo và Báo Giáo dục & Thời đại những điều tốt đẹp nhất nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

- Xin cảm ơn TS!

Tiến Vượng (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/lam-bao-thoi-40-4012722-b.html