Làm báo ở chiến trường và học phong cách làm báo của Hồ Chủ tịch

Mới đây, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội nhân dân đã tổ chức chương trình giao lưu 'Học Bác Hồ làm báo' nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2018). Chương trình đã gây ấn tượng mạnh bởi những câu chuyện xúc động về hoạt động báo chí của Hồ Chủ tịch, cũng như những chia sẻ thực tế từ những nhà báo đang ngày đêm cống hiến trên mặt trận thông tin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Những tổng kết quý báu về tư tưởng, phong cách làm báo của Hồ Chủ tịch vô cùng thực tiễn và phong phú. Bác Hồ là tấm gương đạo đức và phong cách viết báo, làm báo của Bác đang được các nhà báo, phóng viên tích cực học tập, noi theo.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội xung kích trong công tác tư tưởng.

Ngay từ năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của dân tộc đồng thời là người thầy của nền báo chí Cách mạng Việt Nam đã từng dạy trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng:

“Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”.

Chương trình giao lưu "Học Bác Hồ làm báo" nhận được sự quan tâm của đông đảo chiến sĩ, nhà báo, phóng viên và đồng nghiệp cả nước.

10 năm sau, ngày 16.4.1959, tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ lại nhắc nhở: “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân. Mục đích của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ… nên có đặc điểm riêng của nó”.

Người khẳng định: “Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”, “Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Đường lối chính trị đúng là ngọn đuốc soi sáng cho báo chí cách mạng thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình. Không thể có báo chí đứng ngoài chính trị, phi chính trị. Đường lối chính trị đúng là điểm gốc của mọi hoạt động của báo chí cách mạng.

Với nội dung: Làm báo ở chiến trường và những bài học từ phong cách làm báo của Bác; thông điệp hòa bình, thông điệp nhân văn trong các tác phẩm báo chí - bài học từ Bác Hồ và bản lĩnh người làm báo thời hiện đại, chương trình giao lưu “Học Bác Hồ làm báo” nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đã thành công, được đồng nghiệp báo chí đánh giá cao bởi những câu chuyện, những chia sẻ đầy tính thời sự, trăn trở của những nhà báo, phóng viên và người làm báo khách mời.

Noi gương theo phong cách làm báo của Bác, những nhà báo, phóng viên hiện tại đã và đang đóng góp một phần không nhỏ cho nền Báo chí cách mạng nước nhà.

Những tác phẩm báo chí của Hồ Chủ tịch đã để lại cho các thế hệ người làm báo nhiều bài học, sự chiêm nghiệm sâu sắc về phong cách, về đạo đức báo chí.

Trong chia sẻ của mình tại chương trình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính muốn gửi lời cảm ơn tới những nhân vật trong mỗi bức ảnh của ông. Bởi, theo nghệ sĩ nhiếp ảnh này, nếu không có họ, ông sẽ không thể có những bức ảnh để đời trong sự nghiệp làm báo của mình, cũng như bức ảnh mang giá trị lịch sử lớn.

Cũng tại buổi giao lưu, nhà báo Phạm Huyền (báo điện tử Vietnamnet) đã đôi điều chia sẻ về những hoạt động báo chí của mình. Theo nữ nhà báo, nghề báo là một nghề vất vả, tuy nhiên vì sứ mệnh thông tin, những phóng viên, nhà báo nói chung, nhà báo Phạm Huyền nói riêng đang từng ngày, từng giờ bất chấp khó khăn, nguy hiểm để tiếp cận thông tin, phản ánh tới bạn đọc, khán giả cả nước.

Chẳng thế mà, nhà báo Phạm Huyền đã từng nhận được tin nhắn kiểu “khách không mời thì đừng đến” của một vị chánh văn phòng bộ khi nữ nhà báo cố gắng tiếp cận nguồn tin để thông tin kịp thời tới bạn đọc.

Tương tự như nhà báo Phạm Huyền, nhà báo Lan Anh (PV VTC14) cũng là một phóng viên năng nổ, bất chấp khó khăn để đem đến cho khán giả những hình ảnh chân thực, thời sự nhất.

Nhà báo Lan Anh trong một lần tác nghiệp nhanh vụ xả thải ô nhiễm ở Hưng Yên khiến khán giả ấn tượng với hình ảnh cô mặc đồ công sở, để chân trần chạy tới hiện trường.

Nữ nhà báo nổi tiếng với hình ảnh mặc đồ công sở và đi chân trần chạy tới hiện trường một vụ xả thải ở Hưng Yên. Theo lý giải của nhà báo này, cô nhận được cuộc gọi từ nguồn tin về vấn đề xả thải đang xảy ra, cần phải đến ngay thì mới bắt được quả tang. Không kịp thay trang phục, vì mục tiêu thông tin, cô cùng ekip của mình tức tốc tới hiện trường. Kết quả của hoạt động tác nghiệp này là những hình ảnh vòi nước xả thải đang xả dòng nước đen ngòm ra môi trường, đây cũng là những hình ảnh giúp cho cơ quan chức năng thêm những chứng cứ xác đáng để xử lý đơn vị vi phạm.

Noi gương, học tập phong cách làm báo của Hồ Chủ tịch, những nhà báo, phóng viên ngày nay đã và đang đóng góp cho nền báo chí Cách mạng Việt Nam những mảnh ghép đầy màu sắc, đa dạng và nhiều dấu ấn.

Bách Thuận

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/lam-bao-o-chien-truong-va-hoc-phong-cach-lam-bao-cua-ho-chu-tich-886007.html