Làm 'bao bì văn hóa' cũng cần tâm huyết

'Họa sĩ nội tâm', 'Thần tượng thuở thiếu thời', 'Kid'... là những cách gọi đầy thân thương mà người cảm mến tài năng của Kim Duẩn gọi anh. Anh là họa sĩ vẽ bìa những cuốn sách nổi tiếng như: 'Những con chim ẩn mình chờ chết', 'Quân khu Nam Đồng', 'Khởi sinh của cô độc'...

Là họa sĩ gắn bó với Hoa Học Trò - tờ báo dành cho thanh thiếu niên đã nhiều năm, Kim Duẩn muốn thử sức với các đầu sách dành cho những lứa tuổi và đề tài khác. Lúc đầu, anh minh họa ruột sách, sau này anh lại muốn vẽ phần vỏ - bìa sách.

Anh không quên được niềm vui khi lần đầu tiên thử vẽ bìa cho cuốn Nhật ký công chúa - Meg Cabot (HHT phát hành năm 2007). Việc vẽ bìa sách ở các nhà xuất bản, công ty sách khiến khả năng mở rộng của anh tăng lên, có cơ hội va chạm với rất nhiều người. Từ đó, anh biết mình đang đứng ở đâu, luôn thôi thúc được cọ xát, sáng tác và cho ra những tác phẩm mới.

Cuộc sống đa dạng hơn

Mỗi lần được hỏi về nghề vẽ bìa sách, Kim Duẩn đều trả lời bằng một nụ cười: “Tôi may mắn được vẽ bìa sách cho nhiều lứa tuổi bạn đọc, nhờ đó cuộc sống trở nên đa dạng và tránh được nhàm chán”. Để vẽ bìa sách, đầu tiên anh đọc nội dung nắm tinh thần, xem cuốn sách thuộc thể loại nào: dữ dội hay mộng mơ; hiền lành hay cá tính; bạn đọc là thanh niên hay người lớn tuổi... Có những cuốn mới đọc tên sách, anh nghĩ ra ngay ý tưởng bìa.

Thiết kế bìa sách không đơn thuần chỉ là vẽ, nó có thể linh động dùng nhiều chất liệu, có bìa chỉ dùng toàn chữ sắp xếp, có bìa kết hợp vẽ thủ công lẫn vẽ đồ họa, có bìa phải dùng nghệ thuật trổ giấy, sắp đặt... Song, nếu người làm nghề này không biết vẽ thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Khác với minh họa ruột sách cần vẽ một bức tranh đẹp, bìa sách đặt nặng ý tưởng hơn là vẽ, họa sĩ vẽ bìa coi ý tưởng làm cốt lõi.

Rất ít tác giả đưa ra ý tưởng họ hình dung trong đầu. Còn lại hầu như họa sĩ vẽ bìa sách phải tự nghĩ. Kim Duẩn lấy cảm hứng từ thường nhật. Ví như anh ngồi quan sát quán xá, giá sách, bàn ghế... phần nào trong chúng ghi vào ký ức. Anh vẽ bằng ký ức và nội tâm. Đồng thời, anh xem phim, ảnh, đọc sách để gợi mở suy tưởng.

Anh khẳng định: “Vẽ bìa sách không thể truyền tải nguyên xi nội dung. Phải kết hợp giữa tên sách, nội dung. Kết hợp rất nhiều cái khác...”. Tỉ lệ giữa sáng tạo cá nhân và những đòi hỏi phải có, người họa sĩ tự biết cân bằng; bởi mục tiêu cuối cùng là tạo ra một “bao bì văn hóa” bắt mắt chứ không phải vẽ gì cũng được. Mọi thứ phải ăn nhập với nhau tạo ra ấn tượng. Đôi khi, người ta mua sách chỉ vì bìa đẹp, lạ.

Những bìa sách ấn tượng của họa sĩ Kim Duẩn

Những bìa sách ấn tượng của họa sĩ Kim Duẩn

Không dành cho người ưa nhàn hạ

10 năm trước, tại Việt Nam chỉ có dăm người làm nghề vẽ bìa sách, chia đều cho hai đầu đất nước là Hà Nội và TP.HCM. Họ có thể vẽ trăm bìa, thậm chí mấy trăm bìa một năm. Nhưng bây giờ thì khác, văn hóa đọc đang thay đổi, yêu cầu chất lượng bìa sách cao hơn. Họa sĩ cần chủ động tìm hiểu, học hỏi, bắt kịp xu thế vẽ bìa sách trên thế giới. Người vẽ bìa có thể nhanh chóng một tiếng là xong một tác phẩm, có khi đằng đằng cả buổi chiều, thậm chí lâu hơn đến cả tuần.

Kim Duẩn bảo: “Vẽ bìa sách không phải một nghề mơ ước cho những người ưa nhàn hạ”. Anh mong mỏi những người muốn theo nghề này bên cạnh chuyên môn giỏi, hãy có tâm huyết. Khi có tâm huyết sẽ có những thứ khác như: gu thẩm mỹ tốt, sự tinh ý, biết cảm thụ văn chương... và có những bìa sách đẹp, hoàn chỉnh nhất đến tay bạn đọc.

Nguyễn Ngọc Trâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/lam-bao-bi-van-hoa-cung-can-tam-huyet/726028.antd