Lạm bàn về y đức và niềm tin

Ngày Thầy thuốc Việt Nam, bên cạnh những bó hoa dành tặng cho các y bác sĩ, người ta còn bàn luận nhiều hơn về y đức...

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, bác sĩ thời nay không còn giữ được y đức như thời xưa nhưng tôi không nghĩ vậy. Theo tôi, ở bất kể thời nào, nghề nào vẫn luôn có người tốt và kẻ xấu.

Vào thời đại kinh tế phát triển, quyền lợi trở thành mối quan tâm lớn của mỗi người nên đôi khi khiến cho mọi người hiểu lầm về những người khoác áo blouse trắng. Họ cũng như những người giáo viên chúng tôi, có người trăn trở về nghề, có lòng tự trọng để luôn biết phải làm gì để giữ mình. Họ cũng có những người “tặc lưỡi” để rồi xảy ra những vụ việc đáng trách.

Vào bệnh viện là việc hầu như chẳng ai mong muốn. Bệnh viện luôn là nơi lưu giữ những kỉ niệm không vui của mỗi chúng ta. Sống và làm việc trong môi trường áp lực tinh thần lớn đến vậy, chẳng ai trong chúng ta lại thấy nghề y là nghề dễ dàng. Vượt qua áp lực tinh thần, áp lực công việc, người bác sĩ, y tá còn phải sử dụng kiến thức và kĩ năng của mình để giải quyết công việc, nhất là ở vị trí bác sĩ - những người phải đưa ra các y lệnh, các quyết định hết sức quan trọng với sức khỏe của người khác.

Trong thời điểm đó, mọi việc làm của họ đều bị “soi” bằng các lăng kính khác nhau. Chỉ cần một chút sơ sẩy, đôi khi, họ phải trả giá bằng sức khỏe, tính mạng của người dân, hoặc họ phải đối diện với sự lên án của dư luận. Cũng có khi, họ phải dằn vặt lương tâm vì đã đưa ra liệu pháp thật sự không phải là tốt nhất.

Ngành y tế Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định được mình, tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ rất giỏi. (Nguồn: Giadinh)

Trong lúc này, họ vẫn là những người chồng/vợ, những người cha/mẹ, hoặc những người con trong các gia đình. Áp lực cuộc sống không chừa bất kể ai. Có nhiều khi họ đi làm với nỗi buồn còn dư từ những mâu thuẫn tối hôm trước hoặc vài thông tin rất buồn đến từ nhà trường, nơi con họ đang theo học. Cũng nhiều khi, họ đi làm với nỗi lo không biết lấy tiền đâu để trang trải một nhu cầu tiêu dùng nào đó. Vì thế, giữ được tâm trạng tốt, đưa ra những ý kiến sáng suốt không phải đơn giản.

Rất nhiều ý kiến cho rằng: y đức không thể bị xuống cấp khi đặt mưu sinh lên trên tính mạng người bệnh. Vậy nhưng, tôi lại không cho là như vậy. Mưu sinh thì ai cũng phải lo lắng nhưng không phải việc ta đặt nó ở đâu so với mạng sống người khác mà chính ở lòng tự trọng của mỗi con người.

Cũng có những vụ việc xảy ra vì các nguyên nhân khác nhưng chủ yếu mọi hành động đều do quan niệm và suy nghĩ của chính chúng ta điều khiển. Vì thế, tôi nghĩ nếu một bác sĩ tự trọng, họ sẽ luôn biết đặt lời thề Hippocrate trong trái tim và khối óc của mình.

Tôi nghĩ niềm tin là thứ luôn mong manh. Mất niềm tin khiến chúng ta có các suy nghĩ không khách quan, dễ có những hành động thiếu chín chắn. Tôi nghĩ, đôi khi chúng ta mất niềm tin với y đức hay bất kể ngành nghề gì cũng có phần chúng ta thiếu niềm tin vào chính mình. Bản thân tôi là người gặp nhiều "tai nạn" trong cuộc sống nhưng thật may, tôi rất ít khi mất niềm tin. Tôi luôn tin bản thân tôi tử tế. Vì thế, tôi luôn tin tưởng xã hội có nhiều người cũng tử tế như mình.

Ngành giáo cũng như ngành y, nhiều “sâu” cũng nhiều "tai nạn" và cũng rất nhiều oan ức. Tôi nghĩ, nếu chúng ta có khoảng lặng để nhìn lại, để điềm tĩnh tìm hiểu kĩ càng hơn, chắc chắn ta sẽ không thể dễ dàng có các suy nghĩ xấu về cuộc sống, về người khác, đặc biệt là với những người mặc áo blouse trắng.

Tôi đã từng vài lần suýt chết. Đã có lần, tôi thấy bản thân dần dần mất đi sự tự chủ của bản thân, dần dần chìm vào giấc ngủ ngàn thu trước khi tôi được cứu sống. Câu chuyện đó xảy ra do chính sự vụng về cũng như thiếu kiến thức y khoa của một số y, bác sĩ. Tuy nhiên, sau này tôi đang ở châu Âu lại vội vã trở về Việt Nam để nhận sự chăm sóc y tế của các bác sĩ Việt bởi vì niềm tin của tôi về ngành y nước nhà không giảm sút. Tôi có bệnh, tôi sẽ trở về và họ sẽ cứu sống tôi.

Đó là vào năm 2006, khi đang sống ở châu Âu, tôi đã vội vàng trở về Việt Nam khi sức khỏe có dấu hiệu nguy hiểm. Tại quê nhà, tôi nhận được sự chăm sóc y tế tuyệt vời từ những bác sĩ Việt dù có người khi đó cũng đang nằm trên giường bệnh. Họ vẫn còn đang khoác áo bệnh nhân khi đến hội chẩn cho ca mổ của tôi và hơn 50 bệnh nhân khác. Họ vừa mổ xong, ngả mũ đi xin tiền của đồng nghiệp trong bệnh viện, của những bệnh nhân như tôi để làm kinh phí mổ cho các em bé bệnh tật nghèo…

Ngành y tế Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định được mình, tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ rất giỏi. Nhưng thực tế những năm gần đây, một bộ phận người Việt ồ ạt kéo nhau ra nước ngoài khám chữa bệnh. Tôi không hiểu người Việt phải đi đâu khi y tế của chúng ta không thua kém ai. Chính họ đã mổ thành công cho trái tim khuyết tật của tôi trong khi các bác sĩ ở châu Âu lại không tìm ra bệnh. Phải chăng tâm lý "bụt chùa nhà không thiêng" đã khiến chúng ta mang tiền đi nộp xứ người?

Đã đến lúc, chúng ta cần có cái nhìn sáng suốt và công bằng hơn với các y, bác sĩ. “Con sâu” nào cũng đáng trách nhưng nồi canh nóng sẽ triệt tiêu hết những con sâu xấu xa nếu có sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng. Vì thế, theo tôi, thay vì trách móc, chụp mũ “xấu xa” cho các y bác sĩ, chúng ta hãy cùng chung tay giúp họ lấy lại niềm tin của xã hội. Làm sao để họ lấy lại nụ cười trên môi những cựu bệnh nhân vừa thoát khỏi những tháng ngày mệt mỏi, lấy lại cả sự công bằng cho những y, bác sĩ còn đang phải thiệt thòi chịu đựng “búa rìu dư luận” bởi những việc oan gia. Tôi tin, ngành y tế sẽ đã và sẽ dần trở nên trong sạch, đáng tin cậy trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Lê Anh Thư

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/lam-ban-ve-y-duc-va-niem-tin-88409.html