Làm ăn 'lớt lớt' sao khá nổi!

Người miền Tây Nam bộ hay nói 'làm ăn lớt lớt' để nhận xét có ý chê trách ai đó làm việc qua quýt cho có, không chuyên nghiệp, không chú tâm cải tiến để đạt kết quả tốt hơn. Đó cũng là cảm giác của du khách chúng tôi sau chuyến đi du lịch Đà Lạt tuần vừa qua khi chứng kiến tình trạng của các điểm du lịch, dịch vụ… sau bao nhiêu năm vẫn giậm chân tại chỗ, không cải tiến gì hơn trong khi nhu cầu của du khách ngày càng khác đi.

Trên đường đi chúng tôi tình cờ ghé vào một quán ăn lớn, với chất lượng phục vụ và thức ăn khá tốt, không có gì đáng phàn nàn. Trên con đường dẫn ra khu nhà vệ sinh (WC), chủ quán cẩn thận đặt tấm bảng “Chú ý trơn trượt”. Nhưng đáng tiếc là sự chu đáo chỉ dừng lại ở đó dù cách giải quyết tận gốc chuyện này… dễ ợt.

Lối đi này được lát gạch men rất đẹp nhưng là loại gạch chỉ để lót trong nhà nên cứ có nước loang loáng thì dễ gây trượt, và cái bảng “Chú ý trơn trượt” được dựng kế bên là để nhắc ai đó phải đi đứng cẩn trọng. Nhưng dù có cảnh báo cũng đâu bảo đảm sẽ không có người chụp ếch ở đó. Thay vì làm bảng hay phải canh cánh với nước, với trơn trượt và té, ông chủ quán chỉ cần đổi loại gạch men đang có sang gạch nhám chống trượt mà trên thị trường có sẵn rất nhiều, giá cũng rẻ nữa. Như vậy, vấn đề được giải quyết tận gốc.

Năm nay, khi lên Đà Lạt con trai tôi, học sinh lớp 10, đề nghị đi tham quan Dinh Bảo Đại vì cháu khá đam mê môn lịch sử. Sau chuyến tham quan Dinh 1, cháu hụt hẫng vì so với những gì cháu tự tìm hiểu, hiện vật trong dinh quá sơ sài. Quanh quẩn trong Dinh chỉ một số tấm ảnh, nhiều tấm khá mờ với chú thích chung chung.

Muốn tìm hiểu thông tin thêm thì chỉ có một kênh duy nhất là mua vé xe điện để đi quanh dinh và nghe người tài xế xe điện thuyết minh. Mà với thời gian khá ngắn và công việc thuyết minh chỉ là kiêm nhiệm, người nghe có cảm giác như đang nghe phát băng ghi âm, không cảm xúc và cũng không thể hỏi gì thêm.

Với người muốn tìm hiểu lịch sử, thông tin trong Dinh Bảo Đại quá sơ sài so với cuộc đời thăng trầm của vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam. Điều này thật đáng tiếc vì ngay tại Đà Lạt có Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là nơi có sẵn không ít tư liệu liên quan đến vị cựu hoàng này, có thể dùng để trưng bày ở các Dinh.

Có lẽ, vai trò chính của Dinh hiện nay là cho du khách thuê ngựa cỡi, thuê quần áo hóa trang thành công chúa, hoàng tử hay chụp ảnh cùng tượng vua, hoàng hậu. Ở khu vực hóa trang chụp ảnh này khá nhiều du khách cười nói ồn ào mà chẳng thấy ai nhắc nhở gì.

Một số dịch vụ còn mang tính tận thu đáng thất vọng. Chẳng hạn, dù du khách đã mua vé vào xem Dinh, nhưng khi muốn xem khu trưng bày xe ô tô của Vua Bảo Đại – cũng thuộc Dinh này – thì lại phải mua thêm chiếc vé 10.000 đồng. Tấm vé dù chỉ 10.000 đồng nhưng việc thu riêng này như thể đã bồi thêm sự hụt hẫng nơi du khách. Lạ hơn nữa là phía sau Dinh 1 còn trưng bày chiếc trực thăng UH1 của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam – chẳng ăn nhập gì với thời kỳ Vua Bảo Đại – cũng được bán vé để du khách leo lên xem.

Năm 1998, người viết bài này có dịp tham quan bảo tàng nơi bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Nagasaki, Nhật Bản. Khuôn viên bảo tàng được bố trí đơn giản nhưng thông tin rất đầy đủ với tâm điểm là chiếc hố sâu nơi quả bom nổ đã mọc cỏ xanh rì. Bên trong bảo tàng là khung cảnh tái hiện sau khi bom nổ với khung nhà thép của một nhà máy được đặt trong khung cảnh phối hợp ánh sáng và tiếng nhạc khiến người tham quan có cảm giác rất thật.

Dù ở thời điểm đó, công nghệ multimedia chưa phát triển như ngày nay nhưng tại bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki, khách tham quan có thể đọc, xem rất nhiều video, hình ảnh có liên quan đến vụ ném bom và cả thông tin về Thế chiến II. Người thuyết minh tại đây có kiến thức sâu rộng, trả lời được nhiều điều thắc mắc của du khách chớ không phải thuyết minh kiểu “phát băng ghi âm” đều đều như ở Dinh 1.

Cách làm của người Nhật rõ ràng là thu hút du khách quốc tế lẫn nội địa và khách đến tham quan sẽ được cung cấp nhiều thông tin lịch sử bổ ích.

Chuyện quán ăn nói trên hay dịch vụ tham quan ở Dinh Bảo Đại cho thấy, kiểu “làm ăn lớt lớt” còn rất phổ biến và khi nào còn cách làm này, ngành du lịch Việt Nam sẽ khó mà vươn lên ngang tầm các nước trong khu vực được.

Mục Nhĩ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-an-lot-lot-sao-kha-noi/