Làm 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn Châu Âu: Có đáng?

Làm 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn Châu Âu để làm gì trong khi hạ tầng giao thông, phương tiện đang xuống cấp, không đáp ứng đủ?

Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND thành phố về việc xây dựng 600 nhà chờ xe buýt kết hợp quảng cáo tiêu chuẩn châu Âu theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư cho dự án trên khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư trúng thầu được kinh doanh quảng cáo một phần diện tích của nhà chờ và dải phân cách đường để thu hồi vốn.

Cụ thể, nhà đầu tư dự án được lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ Wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp. Dự kiến thời gian xây dựng ban đầu của dự án là 7 năm và thời gian hoạt động là 20 năm.

Ngày 25/5/2020, trao đổi với Đất Việt về dự án trên, TS Trần Văn Huy - Viện Quy hoạch kiến trúc đô thị đặt ra vấn đề, liệu có đáng để đổi 1.000 tỷ đồng lấy 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn Châu Âu?

"Mục tiêu mà Sở GTVT Hà Nội đề ra cho dự án là đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố, nhằm tăng cường tiếp cận của người dân đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Nhưng liệu khi 600 nhà chờ được xây xong thì Thủ đô có hết tắc đường? Chất lượng xe buýt được nâng lên?" - ông Huy đặt ra câu hỏi.

Nhiều nhà chờ xe buýt sang trọng ở TP. Hà Nội vắng người sử dụng.

Nhiều nhà chờ xe buýt sang trọng ở TP. Hà Nội vắng người sử dụng.

Theo vị chuyên gia này, việc xây dựng nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn Châu Âu chắc chắn sẽ tốn một phần không nhỏ quỹ đất giao thông nội thành. Trong khi đó, hầu hết các điểm dừng xe buýt ở Hà Nội đều đang ở trên vỉa hè, như thế, nếu xây dựng nhà chờ xe buýt mới sẽ lấy đi một phần diện tích đi bộ của người dân.

"Cần phải xem xét lại vì đây là dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Sau khi xây xong, doanh nghiệp sẽ quản lý nhà chờ đó, liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp kinh doanh, quảng cáo thì nhiều mà diện tích dành cho người dân chờ xe lại ít. Như thế chẳng khác nào lấy đi diện tích công cộng để phục vụ lợi ích doanh nghiệp đó. Cần phải quy định cụ thể rõ điều này" - ông Huy bày tỏ.

Trước đó, khi nói về dự án xây dựng 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn Châu Âu của TP. Hà Nội, TS Nguyễn Đức Long - Giảng viên Bộ môn Kinh tế vận tại, trường Đại học GTVT cho rằng cho rằng, việc đầu tư hạ tầng giao thông công cộng là điều cần thiết. Đây là vấn đề được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, khi áp dụng vào Việt Nam thì cần có sự thay đổi sao cho phù hợp.

"Ở Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng, chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đánh giá cao. Từ lâu, đây vẫn được coi là phương tiện di chuyển dành cho người nghèo, phục vụ một số đối tượng nhất định nên chưa thể gây sức lan tỏa để cả cộng đồng cùng hưởng ứng sử dụng. Một trong những lý do chính là vì chất lượng xe buýt hiện nay rất thấp" - ông Long phân tích.

Từ đó, ông Long cho rằng, TP. Hà Nội trước khi xây dựng hệ thống nhà chờ đạt tiêu chuẩn Châu Âu thì cần chú trọng tới việc đầu tư, nâng cấp chất lượng xe buýt để thu hút hành khách.

"Người sử dụng dịch vụ xe buýt thường có thời gian ngồi trên xe lâu hơn là đợi ở những điểm đón. Trong khi đó, đa số xe buýt hiện nay quá chật chội hoặc không đủ xe phục vụ dẫn đến tình trạng chen chúc, xô đẩy, mất vệ sinh trên xe...

Nếu như nhà chờ sang trọng mà khi lên xe chất lượng quá tệ sẽ khiến cho người tham gia cảm thấy thất vọng. Hơn nữa, những người sử dụng nhà chờ chưa chắc đã đi xe buýt nên việc xây nhà chờ không cần thiết bằng việc đầu tư vào xe trung chuyển" - ông Long bày tỏ.

Về hình thức đầu tư dự án theo PPP, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, nhà đầu tư sẽ tự thu xếp 100% kinh phí để đầu tư toàn bộ các hạng mục công trình. Sau đó thực hiện kinh doanh quảng cáo một phần diện tích để thu hồi vốn đầu tư.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội phân tích, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp, huy động được các nguồn lực ngoài xã hội vào việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng của thành phố.

Hơn nữa, việc thực hiện theo hình thức PPP sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại. Trong quá trình vận hành khai thác, đối với các trang thiết bị và công nghệ cao ngoại nhập, thành phố sẽ được hỗ trợ chuyển giao công nghệ cũng như tổ chức nghiên cứu để sản xuất ở Việt Nam (sau 3-5 năm khai thác)…

Theo đó, quy mô đầu tư sẽ xây dựng, lắp mới 600 nhà chờ xe buýt (trong đó 270 nhà chờ lắp đặt mới; thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình); lắp dặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ Wifi tại một sô nhà chờ có vị trí thích hợp.

Sở GTVT tính toán, nhà đầu tư sẽ hoàn vốn trong khoảng 20 năm khai thác, và loại hợp đồng mà Sở GTVT đề xuất là hình thức BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh).

Ngọc Phượng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lam-600-nha-cho-xe-buyt-tieu-chuan-chau-au-co-dang-3403709/