Lái xe uống rượu, bia phải bắt đi nhặt rác, nạo vét sông Tô Lịch

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cần ra một nghị quyết về các vấn đề bức xúc nổi cộm, trong đó đề nghị, lái xe sử dụng rượu, bia phải lao động công ích như nhặt rác, nạo vét sông Tô Lịch...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chiều ngày 9/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14. Dự kiến tổng thời gian làm việc kỳ họp 7 của Quốc hội là 20 ngày, khai mạc vào ngày 20/5, bế mạc vào ngày 14/6.

Dư luận đang theo dõi Quốc hội sẽ ứng xử thế nào với tệ nạn xã hội

Thảo luận về nội dung chương trình kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị dành thời gian thỏa đáng để thảo luận sâu về những vấn đề nổi cộm đang gây bức xúc xã hội.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, trước tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng như vừa qua, cần thiết đưa ra một nghị quyết trong khi chưa kịp sửa các luật liên quan.

Chẳng hạn như vấn đề xử lý lái xe uống rượu bia, ông Hiển cho biết, những trường hợp uống rượu bia lái xe gây tai nạn trong luật đã có quy định rồi, nhưng có thể quy định hình thức xử phạt nặng đối với những người uống rượu bia khi lái xe, kể cả chưa gây tai nạn.

"Chúng ta có thể cân nhắc đưa hình thức bắt lao động công ích. Có khi phạt tiền 15-20 triệu, người ta sẵn sàng nộp, nhưng giờ vi phạm thì đi lao động công ích như đi nạo vét sông Tô Lịch", ông Hiển bày tỏ ý kiến.

Còn đối với lái xe nghiện ma túy, ông Hiển đề nghị cần phải tước bằng vĩnh viễn. “Nếu gây tai nạn ở mức độ chưa nghiêm trọng thì xử lý hành chính, tước bằng vĩnh viễn, còn gây tai nạn nghiêm trọng thì phải xử lý theo Bộ luật Hình sự”, ông Hiển nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, dư luận đang rất quan tâm vấn đề này, trong đó có những ý kiến khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, tâm lý, dư luận xã hội đang theo dõi, xem Quốc hội ứng xử và có thái độ như thế nào đối với các tệ nạn xã hội, trong đó có tình trạng sử dụng rượu bia gây ra tác hại nghiêm trọng.

Bày tỏ đồng ý phải tăng chế tài xử phạt đối với lái xe mà sử dụng rượu, bia, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân “uống rượu bia mà công an đo nồng độ cồn quá mức thì có thể tịch thu giấy phép lái xe và phạt lao động công ích, bắt đi thu gom rác ở khu vực nào đó. Đây không phải là lao động cưỡng bức mà là một biện pháp giáo dục”.

Chủ tịch Quốc hội nói thêm, những vấn đề “nóng” của xã hội chắc chắn trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội các đại biểu Quốc hội sẽ đặt ra. Nhưng đưa vào nghị quyết của kỳ họp thế nào hay ra 1 nghị quyết riêng thì đề nghị các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu.

Giữ nguyên 2,5 ngày chất vấn

Về nội dung chương trình kỳ họp, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018…

Về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, theo ông Phúc, có ý kiến đề nghị giảm thời gian tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày; tăng thời gian thảo luận đối với một số dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế và thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị vẫn giữ 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn; 0,5 ngày ở hội trường 1 dự án, dự thảo.

Bên cạnh đó, không bố trí thảo luận riêng nội dung về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Nội dung này sẽ kết hợp thảo luận cùng các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

“Chương trình kỳ họp cũng không bố trí riêng một buổi chỉ nghe trình bày tờ trình, báo cáo mà bố trí việc trình bày và thảo luận ở tổ về dự án, dự thảo vào cùng một buổi”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, trước đây, chương trình kỳ họp đã bố trí một số buổi riêng nghe trình bày tờ trình, báo cáo nhưng đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không thực hiện như vậy mà bố trí xen kẽ với nội dung thảo luận cho sôi nổi.

Báo cáo việc miễn nhiệm Thiếu tướng Lê Đình Nhường tại phiên trù bị

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh khóa XIV và thôi nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội đối với ông Lê Đình Nhường.

“Nội dung báo cáo Quốc hội về việc miễn nhiệm đại biểu Lê Đình Nhường sẽ tại phiên trù bị“, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu.

Ngoài ra, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Văn phòng Quốc hội đã triển khai điều chỉnh phần mềm phù hợp việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử tại hội trường và sẽ hướng dẫn đại biểu về cách thực hiện ngay sau phiên họp trù bị.

Trên cơ sở tổng hợp các nhu cầu thông tin cần cung cấp, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Công ty AIC triển khai xây dựng phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp cho đại biểu Quốc hội dùng trên các thiết bị di động.

Ông Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội dự kiến sẽ trang bị một iPad sẵn trên bàn để các đại biểu có thể sử dụng. “Trong phần mềm sẽ có đầy đủ các phần mềm phục vụ kỳ họp để các đại biểu đọc, chỉ trừ tài liệu mật”, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Công ty AIC báo cáo nội dung cụ thể về việc triển khai phần mềm này và nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý kiến để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/lai-xe-uong-ruou-bia-phai-bat-di-nhat-rac-nao-vet-song-to-lich_t114c67n148290