Lai Xá ký sự

Người ta đặt cho Lai Xá thêm một cái tên rất mới là 'Làng nghệ sĩ'. Bởi lẽ làng có hàng trăm người làm nghề chụp ảnh và có ông tổ - Nguyễn Khánh Ký - khai sinh ra làng nghề nhiếp ảnh duy nhất hiện nay ở nước ta. Không những thế, làng có số lượng hội viên Hội NSNA nhiều so với các làng khác và còn dựng cả một 'Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá'.

Trước đây tôi thường đi qua phố Lai, thuộc làng Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội), mỗi khi về quê. Tại cây số 15 đường 32 có một ngôi nhà cổ là nơi tôi dừng nghỉ ngơi. Ngôi nhà khá rộng thầm lặng bên đường, không có người ở nên có những mảng rêu bám và những bông hoa cỏ trắng muốt bên thềm. Nhưng có lần tôi bỗng gặp một ông già gầy guộc với chòm râu trắng như cước mở cửa bước ra. Tôi cúi chào rồi nghe ông kể chuyện về cái làng Lai cổ kính này.

Kho báu trong vườn chuối

Lời người già trầm ấm, phiêu linh với câu ca dao nói về cái ao làng đầy cá mè rằng: “Khoai lang Đình Lỗ, đỗ bờ De, cá mè ao Dộc”. Ông giải thích, ao Dộc là của làng Dộc, cái tên già cỗi, cộc cằn của làng Lai ngày xưa đấy. Khi người ta mới đến sinh cơ lập nghiệp. Dân tụ về gò đất cao bên con sông nhỏ chảy từ sông Cái qua làng Đăm về. Gò đất mọc lên một rừng chuối bạt ngàn xanh tốt. Xung quanh gò Vườn Chuối toàn là rừng rậm và đầm lầy. Người dân tứ xứ đến khai phá và lập nên xóm Dộc.

Cổng làng Lai Xá hôm nay.

Ngày ngày làm ruộng cấy lúa sinh sống, hoặc đánh cá đầm Dộc đem ra chợ bán lấy tiền mua muối, mua củi. Có lần cả xóm đang vui vẻ thì trời sầm tối, những tia chớp xé rách bầu trời, ném xuống những hạt mưa to rát mặt người. Bỗng có tiếng la hét của người trên gò cao kèm theo tiếng sét nổ đánh ầm. Rồi cả xóm rộ lên tiếng gõ vào mâm gỗ và mõ tre kêu ầm ĩ, báo có người chết cháy đen vì bị trúng sét. Năm nào cũng có người bị sét đánh như thế, dân xóm Dộc bỏ chạy vượt qua con sông, dọn về vùng đất gần đó sinh sống.

Chính con sông nhỏ chảy từ sông Cái về là mốc giới ngăn cách dân sinh sống với gò Vườn Chuối mãi đến sau này. Con sông theo thời gian và biến động của thổ nhưỡng đã bị vùi lấp. Dân làng nghĩ gò Vườn Chuối là của trời, chứ không phải của người, nên thỉnh thoảng chỉ lén lên cắt chuối đem bán mà thôi.

Ấy là chuyện xa của một ngàn năm trước. Xóm Dộc nay vẫn còn đó cùng với xóm Đầu Đông sau này thành cụm dân cư đông đúc, gọi mời dân thập phương hội tụ làm nên làng Kẻ Sai. Bởi lẽ ở đây bắt đầu có chợ và dân Kẻ Sai nổi tiếng chạy chợ, buôn bán khéo léo, hồ hởi. Con đường “tơ lụa” dần dần hình thành trên đường 32, gọi là phố chợ.

Mãi đến đầu thế kỷ IX, Kẻ Sai đổi tên thành làng Lai Xá, phố chợ cũng được gọi tắt là phố Lai từ đó. Nhưng cái đầm Dộc có giống cá mè ngon nức tiếng vẫn còn đó. Không những thế mà, thịt cò hương và vịt giời ở đây cũng trở thành món khoái khẩu của dân quanh vùng. Phiên chợ nào dân Lai Xá cũng săn cò mang đến chợ Nhổn hay chợ Trôi bán. Phố Lai mọc lên nhiều hàng quán, dân đi qua đều dừng chân uống rượu, nhắm thịt cò ngọt đến mụ người...

Năm tháng trôi qua, mọi người ngỡ quên đi cái tên xóm Dộc và chẳng còn nhớ đến vườn chuối thần linh ngày nào. Vậy mà giờ đây, vườn chuối đã trở thành một trong những di chỉ khảo cổ, có giá trị khôn lường. Nghe đồn, xưa sét hay phóng lửa xuống khu vườn chuối vì ở dưới gò cao đó chính là một kho báu, đồ đồng, đồ sắt, kể cả vàng bạc châu báu được chôn giấu và yểm bùa, từ thời xa xưa. Kết quả khảo cổ chỉ trong một diện tích nhỏ chừng gần trăm mét vuông, những di vật dưới lòng đất như đồ gốm, vật dụng lao động bằng đá, gốm và đồng... báo hiệu cho mọi người biết, đây chính là nơi cư trú của người cổ cách đây đã 3.000 năm.

Trong một đợt khảo cổ khác, người ta còn tìm được 2 mộ cổ thuộc văn hóa Đông Sơn. Vậy nên có thời, ai cũng đoán làng Lai sẽ phất lên nhanh chóng vì cả làng sống trên cổ vật. Đến đồ chơi của trẻ con trong làng cũng là cổ vật. Dân thợ cày xưa cũng vớ được cổ vật. Phó thôn Lai Xá, ông Phạm Văn Hùng tâm sự, cái thuở chăn trâu cắt cỏ, mỗi khi đào khoai lang trên vườn chuối thường bắt được hũ tiền xu có đục lỗ. Có lúc lại nhặt được các vật dụng bằng đồng, đá hay gỗ. Nhưng đâu có ai nghĩ đó là cổ vật, nên mang về cho trẻ con chơi, ném lăn lóc ở vườn nhà.

Chính vì lời đồn đại về một kho báu làng Lai mà nhiều kẻ trộm đã mò đến. Lại nhớ vào năm 2012, một nhóm người đến thuê nhà ở ngay rìa làng Lai Xá, để chờ đến đêm tối là ra khu vườn chuối đào trộm cổ vật.

Chính ông Hùng là người chỉ huy đội công an xã bắt quả tang 5 tên đang đào trộm và cất giấu nhiều cổ vật. Ông còn kể trước đó, năm nào công an xã cũng bắt được vài vụ đào trộm cổ vật tại vườn chuối. Ngay từ năm 1969, di chỉ Vườn Chuối đã được đưa vào bản đồ khảo cổ học, bởi Lai Xá thuộc làng Việt cổ thuộc nền văn hóa Đồng Đậu (trong nền văn hóa tiền Đồng Sơn...).

Ông tổ nghề ảnh Nguyễn Đình Khánh.

Nhưng hiện nay khu di chỉ này lại bị tách biệt khỏi làng, và lọt vào khu đô thị Kim Chung-Di Trạch. Cho dù khu di chỉ Vườn Chuối đã được quây kín bảo vệ, nhưng với tốc độ phát triển đô thị hiện nay, Lai Xá đang đứng trước thử thách lớn, khi muốn gìn giữ kho báu của làng, nếu không nói chúng có nguy cơ sẽ bị vùi lấp theo thời gian.

Làng Lai Xá còn lưu truyền câu chuyện của tướng Trần Liễu (sinh năm 1211), thân phụ của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ông được vua ban cắt đất cai quản tại vùng Ngũ Yên (gồm 5 làng), ở Quảng Ninh, cùng với tước vị An Sinh Vương.

Khi nghe tin làng Lai Xá gặp nạn dịch lớn, ông vội quay về thăm. Dân làng vẫn còn nhớ đó là ngày rằm tháng hai, An Sinh Vương Trần Liễu đã ăn chay, niệm phật tại chùa Bảo Liên, cầu cho dân làng Lai Xá nhanh chóng bình yên.

Gia đình ông đã đem tiền của cứu giúp bà con nghèo và an ủi mọi người sẽ tai qua nạn khỏi. Ông còn xin triều đình cho dân làng Lai Xá miễn tạp dịch, phu phen, được bảo hộ một thời gian dài. Nhớ ơn công đức đó của An Sinh Vương Trần Liễu, dân làng đã tôn ông làm Thành hoàng làng, sau khi mất. Ngày nay ở Đình Quán có bài vị thờ An Sinh Vương Trần Liễu.

Còn ở đình Đụn có bài vị thờ hoàng hậu và cung phi Nguyệt Nương. Lễ hội làng được ấn định vào ngày rằm tháng hai hằng năm đón rước An Sinh Vương như ngày nào ông trở về cứu giúp dân làng. Đình thờ An Sinh Vương ở Lai Xá đã được Bộ VH-TT xếp hạng Di tích Quốc gia, từ năm 1990.

Bảo tàng “Làng nghệ sĩ”

Người ta còn đặt cho Lai Xá thêm một cái tên rất mới là “Làng nghệ sĩ”. Bởi lẽ làng có hàng trăm người làm nghề chụp ảnh và có ông tổ - Nguyễn Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh), khai sinh ra làng nghề nhiếp ảnh duy nhất hiện nay ở nước ta (quyết định nhà nước công nhận năm 2000). Không những thế, làng có số lượng hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh nhiều so với các làng khác và còn dựng cả một “Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá” (khai trương 5-2017).

Lễ khai trương Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá.

Có thể nói đây là nơi đầu tiên có “Bảo tàng nghệ thuật” và cũng là “Bảo tàng làng nghề” có một không hai hiện nay. Tôi theo chân nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Minh Nhật, cháu tổ nghề ảnh Nguyễn Khánh Ký, đến thăm bảo tàng. Đây là một địa chỉ văn hóa khá hấp dẫn với 150 hiện vật và 150 tác phẩm được chọn lọc qua các thế hệ khác nhau. Đẹp, trang nhã và sâu sắc.

Đó là cảm xúc đầu tiên khi tôi mới bước vào phòng đầu tiên. Nghệ sĩ Nguyễn Minh Nhật tiếp quản nghề của cha chú từ khi mới 5 tuổi nên rất thành thạo kỹ năng làm nghề ảnh cổ truyền. Những ký ức tràn về rưng rưng đuôi con mắt ông khi chăm chú nhìn bức chân dung cụ Nguyễn Khánh Ký. Bởi ông đã từng học cách tráng phim trong phòng tối của cụ ngày nào.

Góc Bảo tàng Lai Xá.

Ông bồi hồi kể vào năm 1892, trai trẻ làng Lai theo nhau lên phố Hàng Da học nghề tại hiệu ảnh đầu tiên của cụ Nguyễn Khánh Ký mở. Khi trò đã thạo nghề, cụ còn bố trí cho việc làm kiếm ăn. Không ít học trò đã tự mở được hiệu ảnh làm riêng. Cụ rất mừng vì người làng Lai chịu khó và năng động trong công việc. Hàng loạt nghệ sĩ làng bắt đầu hình thành từ đó. Sau này cụ Khánh Ký còn sang Pháp mở hiệu ảnh và đã từng được một tờ báo nổi tiếng nhất đưa tác phẩm của ông lên trang bìa. Đó là khi ông chụp chân dung Tổng thống Pháp tại lễ nhậm chức năm 1913. Sau khi chiếm bảng vàng, cụ Khánh Ký mở thêm một số hiệu ảnh ở Đức và Quảng Châu.

Có tài liệu kể, ông Khánh đã từng giúp Bác Hồ học nghề nhiếp ảnh, trong thời gian Bác hoạt động cách mạng ở Pháp. Chính bảo tàng còn giữ lại ảnh tấm thẻ đại biểu dự Đại hội 5, Quốc tế Cộng sản năm 1924 của Bác, đã ghi phần nghề nghiệp là “Thợ ảnh”.

Cũng từ đó, mỗi ngày làng nghề một cơi nới, rộng đường làm ăn. Hiệu ảnh của người làng Lai mọc lên như nấm ở khắp nơi. Không ít tỉnh còn mở đến hàng chục cửa hiệu ảnh đều mang tên Lai. Nào là Phúc Lai, Kim Lai, Tân Lai, hay Đức Lai, Đông Lai, Mỹ Lai... Tất cả đều thống nhất, đã là người mình mở hiệu ảnh, nhất thiết khi lấy tên bảng hiệu phải dính chữ Lai là vì thế. Hoặc nữa không dùng chữ Lai thì phải kèm chữ Ký, như Khánh Ký, Thịnh Ký, hay Đức Ký, An Ký, Thiện Ký...

Nghệ sĩ Nguyễn Minh Nhật nhẩm tính, hiện nay ở TP Hồ Chí Minh có 34 hiệu ảnh, Hà Nôi cũng có 33 cửa hiệu của người làng Lai. Còn các tỉnh thành phố lớn khác cũng đều có mặt các nghệ sĩ nhiếp ảnh của làng hành nghề. Khoảng giữa thế kỷ 20, có tới 2.000 người làng làm ảnh tại hơn 150 hiệu khắp toàn quốc.

Thật sự đó là một con số đáng ngạc nhiên của một làng nghề làm ảnh ở Lai Xá. Bảo tàng còn ghi dấu những bức ảnh quý hiếm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng, người xứ Lai đã có nhiều năm sống và phục vụ Bác Hồ. Đây là những tác phẩm ghi lại những hình ảnh sinh hoạt và làm việc khá độc đáo mà chỉ có nghệ sĩ Vũ Đình Hồng chụp được.

Đặc biệt Bảo tàng còn có hàng chục tác phẩm chụp về Hà Nội cổ và làng Lai xưa và nay. Ngắm một bức ảnh về cô gái Hà Nội xưa, thấy gương mặt hiển hiện như ngồi ngay trước mặt mọi người, sinh động tươi non. Tôi không hiểu vì sao tác giả chụp bằng máy Rollei Flex, cũ rích từ năm 1930, mà lại đạt được nước ảnh lung linh đến vậy.

Nghệ sĩ Nguyễn Minh Nhật mỉm cười nói: “Ngoài sự tinh tường về góc nhìn nhân vật, bí mật của người làng Lai còn ở nghệ thuật xử lý ánh sáng. Họ đều là những nghệ sĩ của ánh sáng”.

Đó là lời dạy của bậc thầy nhiếp ảnh gia Nguyễn Khánh Ký mà ông Minh Nhật đã được học từ tấm bé. Một cảm xúc kỳ lạ dâng lên trong tôi, khi được ngắm một Hà Nội cùng với những lũy tre xanh, bên con sông nhỏ như dải lụa bay bồng bềnh trong sương sớm mùa xuân.

Vương Tâm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/lai-xa-ky-su-481751/