Lại vừa khuyết đi một người sang

Cảm giác đã lâu, lâu rồi, thiên hạ có chút liên tưởng tốt lành chi đó khi ngắm ngó chứng kiến ba vị tu mi nam tử đầu bạc, râu tóc tốt tươi người Nghệ Tĩnh mỗi khi tam hành hay có dịp ngồi cùng nhau. Đó là ba học giả tuổi cách nhau chừng mươi, mười lăm năm. Ấy là Văn Như Cương, Đoàn Tử Huyến, Phạm Xuân Nguyên.

Văn Như Cương, Đoàn Tử Huyến. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Văn Như Cương, Đoàn Tử Huyến. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hơi bị hiếm cả ba vị, được giời cho hai cái may mắn và độc đáo là CHƠI ĐƯỢC và ĐƯỢC CHƠI!

Giả là nhà, tầm cỡ nhà. Tầm cỡ học giả GS Văn Như Cương, quê ở làng Quỳnh của Quỳnh Lưu, huyện địa đầu xứ Nghệ. Nhân cách cùng tài Toán học khiến vị nhân sĩ ấy được nhiều năm yên ổn an lành, tự tung tự tác truyền thụ một phương pháp sư phạm độc đáo, hiệu quả trong địa hạt giáo dục Lương Thế Vinh.

Ngọn lửa còn mãi

Sáng 21/11, Đoàn Tử Huyến vẫn cập nhật trang cá nhân, thế mà chỉ một ngày sau, ông đã ra đi ở tuổi 68. Bốn năm trước, Đoàn Tử Huyến trải qua cơn tai biến thập tử nhất sinh. Ông hồi phục dần, tuy vẫn còn yếu. Đoàn Tử Huyến sinh 1952 tại Hà Tĩnh, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp ở Liên Xô. Ông từng trải qua nhiều công việc như giảng viên văn học Nga Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, biên tập viên NXB Lao Động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam…

Dịch giả, nhà Nga học, PGS.TS Đào Tuấn Ảnh đánh giá rất cao đồng nghiệp và người bạn thân thiết Đoàn Tử Huyến: “Anh là nhà Nga học và dịch giả lớn. Thành tựu lớn nhất về dịch thuật của anh theo tôi, là dịch Bulgacov, đặc biệt là cuốn Nghệ nhân và Margarita. Bản dịch rất hoàn chỉnh. Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây của anh thực sự là nơi hội tụ các nhà sáng tác, phê bình, dịch thuật. Anh có công lớn truyền bá văn học và văn hóa phương Tây, phương Đông. Ngoài đời thì là người bạn chân thành, quảng giao nên sự ra đi này khiến bạn bè vô cùng tiếc thương”.

Đoàn Tử Huyến từng dịch hơn 30 tác phẩm: Tiếng gọi vĩnh cửu (tiểu thuyết của Ivanov), Kì lạ thế đấy cuộc đời này (tiểu thuyết của D.Granin), truyện dài Đêm sau lễ ra trường (Vladimir Tendryakov), tiểu thuyết Đấng cứu thế (Miguel Otero Silva), Nhật ký vũ trụ của Ion lặng lẽ (truyện giả tưởng của S.Lem)...

Nhiều người làm xuất bản nhưng không, hoặc rất ít khi viết sách, dịch sách. Đoàn Tử Huyến là một trong số rất ít người vừa dịch sách vừa tổ chức in ấn xuất bản- mẫu hình tương tự Nguyễn Hiến Lê ở miền Nam trước đây. Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây của Đoàn Tử Huyến cũng in lại nhiều tác phẩm cổ như Phan Bội Châu toàn tập, Thiên Nam ngữ lục, Tuyển tập Vũ Tông Phan, Việt sử địa chí của Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ toàn tập… Đông Tây còn là nơi thường xuyên tổ chức các phiên chợ sách, ngày hội sách, chơi sách..., đánh thức văn hóa đọc.

Ra đi đột ngột nhưng ngọn lửa dịch thuật, niềm khát khao tri thức và phát triển của Đoàn Tử Huyến còn mãi.
NGUYÊN ANH

Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Ngữ văn tại Nga. Về nước, ông giảng dạy văn học Nga ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Đoàn Tử Huyến từng là ủy viên Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn Việt Nam), Phó tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng Văn học nước ngoài, Hội Nhà văn Hà Nội.

Ông được bạn đọc biết đến qua nhiều tác phẩm dịch văn học Nga và là người sáng lập Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây - đơn vị tham gia xuất bản sách, tạo không gian kết nối văn hóa.

Người ta có lúc tạm lãng quên đi một dịch giả mẫn tiệp trí lực Đoàn Tử Huyến từng chuyển ngữ các tác phẩm danh giá như Nghệ nhân và Margarita (M.Bulgakov), Giọt rừng(Mikhail Prisvin) Trái tim chó (Mikhail Bulgacov) Đấng cứu thế(Miguel Otero Silva) Khóm hoa tử đinh hương(nhiều tác giả) dịch chung với nhiều người hàng chục tác phẩm nổi tiếng khác như Bố già (Mario Puzo)... Mà chỉ nhắc nhớ đến Đoàn Tử Huyến là một sứ giả văn hóa nhanh nhạy phát hiện những sự kiện văn chương nước ngoài. Và những văn bản dịch chuẩn xác tươi mới ấy đã nhanh chóng tạo ra hiệu ứng tươi tốt. Đó là sự va đập mới trong đời sống xã hội.

Chân dung Đoàn Tử Huyến. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Mà cũng khỏi phải nhắc lại biên chép ra đây những thành tựu của dịch giả, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên trong địa hạt dịch thuật cùng văn chương.

Được chơi và chơi được! Hồ dễ đời người ai được cái nắc nỏm ấy của người đời? Đã thế cả ba lại được cái hên may là ĐƯỢC ĐI và ĐI ĐƯỢC nữa chứ! Khó mà thống kê những lần hên may ấy, cả ba cùng hội tụ cùng thung thăng ở nhiều vùng miền đất nước trong những dịp chung vui, chung dự những sự kiện văn hóa văn chương. Nào là cuộc gặp nhân dịp tái bản 7 đầu sách do dịch giả Đoàn Tử Huyến dịch sang tiếng Việt. Nào là lễ ra mắt tập Trần Dần thơ. Nào là cuộc ra mắt Du ký Phạm Quỳnh. Rồi cuộc ra mắt hoành tráng 3 tuyển tập Trương Tửu về lý luận phê bình, về văn xuôi và về văn hóa...

Trong những cuộc tụ, sự kiện văn hóa ấy, Đoàn Tử Huyến là người kiệm lời nhất. Ông đứng sau tất cả. Lặng lẽ quan sát. Mái tóc bạc trắng bồng bềnh ẩn hiện đây đó. Đấy là khi ông đang chăm chút cho cái sự ghi ảnh lẫn chép hình!

Bộ tam Văn Như Cương, Đoàn Tử Huyến, Phạm Xuân Nguyên (đôi khi có thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo họp thành bộ tứ nữa?) nổi bật cung cách thung thăng kiêm uyên bác nhẹ nhõm, khiến mọi sự cứ như chơi như nhởi. Chuyện lớn thành nhỏ. Nhỏ coi là bé. Bé thì là chả có gì. Và mọi thứ đều là vô nghĩa bèo bọt trong cái lãi vô biên của sự hằng sống lẫn chất lượng sống? Họ như thứ thiên sứ lang thang dưới gầm giời này để ban phát các thông điệp là được chơi và chơi được? Và nữa để giảm nhẹ cái tai ách của cuộc đời?

Trời bắt tội cho cái sự được chơi, được đi và đi được của học giả Văn Như Cương đột ngột dừng lại. Thôi thì cũng đến cái tuổi trời. Nhưng cái đêm Giao thừa năm Bính Thân cách đây mấy năm ấy đùng cái bắt tội Đoàn Tử Huyến phải nằm liệt vì tai biến thì là hơi quá cái sự phũ! Nhưng Đoàn Tử Huyến đã đánh lừa được Thần Chết một cách ngoạn mục với hành trình táo bạo di chuyển của con bệnh trọng từ Hà Tĩnh ra Hà Nội. Và nữa đã may gặp thày gặp thuốc. Nhúc nhắc đi lại. Tỉnh táo dần. Trí nhớ hồi phục… Công chúng yêu văn hóa văn chương lại thi thoảng thấy Đoàn Tử Huyến xuất hiện ở những cuộc tụ và diễn đàn đây đó, tuy kiệm lời, lặng lẽ nhưng cái sự hiện diện vẫn là thứ hạng bậc soái bên cạnh Phạm Xuân Nguyên. Sự thấp thoáng của hai lão đầu bạc ấy cứ như một điềm lành cho những tở mở nhân văn này khác!

Nhưng cũng từ cú điện thoại của Phạm Xuân Nguyên nghe lào phào tin dữ là bữa trước, con đưa lên chơi nhà ông bà thông gia trên xứ Đoài Sơn Tây. Sáng Chủ nhật, nhằm ngày 22/11, Đoàn Tử Huyến tỉnh táo lanh lẹ dậy sớm. Vệ sinh cá nhân xong trở vào nằm tiếp. Rồi không dậy nữa. Đi nhẹ như không!

Bây giờ bộ ba, bộ tứ còn chỏng chơ mỗi mái đầu bạc của Phạm Xuân Nguyên. Chao ơi, Tạo hóa đành hanh cứ như liêu (đùa) người chứ chẳng lưu nhân? Sao cứ dần cứ nhanh, cứ sớm thưa vắng đi những người sang của nước Nam này hỡi vậy?

Tang lễ dịch giả Đoàn Tử Huyến diễn ra từ 7h15 đến 9h15 ngày 24/11 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vỹ, Hà Nội. An táng tại quê hương Hòa Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Đêm 22-11-2020

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/lai-vua-khuyet-di-mot-nguoi-sang-1753738.tpo