Lãi vay chiếm 20% giá thành nước Sông Đuống: Phải trả lời...

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, nhà máy Sông Đuống và Sở Tài chính cần giải trình về lộ trình tăng giá nước.

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 12/11, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội giải thích, sở dĩ giá nước sạch Sông Đuống đắt hơn Sông Đà là do chi phí đầu tư Nhà máy nước Sông Đuống lớn, chất lượng nước thô đầu nhiều phù sa phải tốn nhiều hóa chất xử lý, đặc biệt chi phí lãi vay đầu tư nhà máy Sông Đuống lớn đã đẩy giá nước lên cao.

Theo đó, khi đầu tư Nhà máy Sông Đuống, chủ đầu tư phải vay 3.998 tỷ đồng để đầu tư, chi phí lãi vay được tính vào giá nước. Cụ thể, chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án, sau giai đoạn đầu tư, lãi vay được tính vào giá thành nước.

Chi phí lãi vay dự án Sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, tương đương 2.103 đồng/m3.

Hiện giá bán nước sạch của Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, cao hơn nhiều so với các đơn vị cung cấp nước sạch khác.

Quan tâm đến chi phí lãi vay của dự án Sông Đuống, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho hay, trong các yếu tố cấu thành nên giá thành có yếu tố khấu hao của công trình. Tính khấu hao ngắn thì sản phẩm bán ra sẽ có giá thành cao, nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh. Như công trình thủy lợi cấp 2 có tuổi thọ lên đến 100 năm, khấu hao sẽ giảm dần theo các năm. Vậy Nhà máy nước Sông Đuống có tuổi thọ bao nhiêu năm?

Lãi vay chiếm 20% giá thành nước Sông Đuống. Ảnh: Tiền phong

Lãi vay chiếm 20% giá thành nước Sông Đuống. Ảnh: Tiền phong

"Điều chúng ta cần quan tâm là phải giải trình khấu hao bao nhiêu năm. Như các công trình thủy điện đầu tư rất lớn, để thu hồi vốn nhanh thì phải tính khấu hao ngắn. Nhiều nhà máy điện khấu hao nhiều nhất là 30 năm, có khi 20 năm, trong khi đáng lẽ phải khấu hao 100 năm. Như vậy tính vào giá thành là chết rồi.

Giả sử thủy điện Sơn La khấu hao là 30 năm thì giá điện rất cao. Cơ sở hình thành giá điện phụ thuộc vào khấu hao công trình và chi phí vận hành, trong đó, chi phí vận hành chỉ chiếm 15-20%. Ngành điện khi muốn tăng giá điện cần giải trình cơ sở tính giá, khấu hao chiếm bao nhiêu.

Công trình nhà máy nước cũng phải tính tuổi thọ như công trình thủy lợi. Chi phí lãi vay dự án Sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, vậy trong hợp đồng phải tính đến tuổi thọ công trình thì mới trả được. Dựa vào tuổi thọ công trình để tính khấu hao, từ đó mỗi năm trích ra bao nhiêu % để đưa vào giá thành, chứ không phải đưa "một cục" vào để trả ngay", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Từ đây, vị chuyên gia đề nghị Sở Tài chính Hà Nội phải làm rõ điểm này và có giải trình để người dân được biết, tránh để xảy ra trường hợp chủ đầu tư nhà máy nước tính khấu hao ngắn để lãi nhanh, còn người dân phải dùng nước sạch giá cao.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nước sạch là một loại sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc bảo đảm nước sạch cho cộng đồng vẫn phải do Nhà nước quản lý.

Nhà nước quản lý không có nghĩa là bao cấp, GS Hồng khẳng định và cho rằng, Nhà nước kêu gọi các nhà thầu vào, tổ chức đấu thầu và lựa chọn, có điều các tiêu chí thì Nhà nước phải nắm, đồng thời phải nắm việc tính giá thành.

"Tại sao Nhà máy nước Sông Đuống phải xin phép tính giá thành nước sạch hay nâng giá vì vấn đề này thuộc quản lý nhà nước, không phải muốn tự nâng bao nhiêu cũng được. Bởi bị Nhà nước ràng buộc nên Nhà máy muốn nâng giá thành nước sạch phải có cơ sở, trình qua Sở Tài chính Hà Nội. Ủng hộ hay không thì Sở Tài chính cũng phải tính khấu hao công trình vào.

Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước đã quy định: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo đảm nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước. Như vậy không thể nào "thả" cho tư nhân được", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Hoan nghênh Nhà máy nước Sông Đuống đã giúp đỡ, cung cấp nước sạch cho người dân khi xảy ra sự cố nguồn nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải, song nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý, phải xem các nguyên tắc tính giá, nâng giá.

"Điện có lộ trình nâng giá, bao nhiêu năm mới tăng một lần là do có tính khấu hao. Nhà máy nước Sông Đuống cũng phải chấp hành lộ trình tăng giá và Sở Tài chính cần giải trình cho người dân biết lộ trình đó như thế nào, cơ sở ra sao.

Nhà máy nước Sông Đuống dù là của tư nhân nhưng Nhà nước vẫn quản lý, được Nhà nước cho phép đấu thầu, bảo trợ, thậm chí cấp bù giá (phần thua lỗ do chênh lệch giá bán, mua - PV). Vì thế, Sông Đuống phải ứng xử là một đơn vị đã tham gia đấu thầu nhà nước và dưới quyền chỉ đạo của UBND TP Hà Nội", GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lai-vay-chiem-20-gia-thanh-nuoc-song-duong-phai-tra-loi-3391360/