Lãi từ... nợ xấu

Theo Ngân hàng Nhà nước(1), tính đến cuối tháng 8-2018, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 'Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020', các TCTD đã xử lý được 138.290 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70.230 tỉ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21.590 tỉ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.460 tỉ đồng (chiếm 33,59%). Ngoài ra, các TCTD cũng trích lập thêm 61.040 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Đến cuối tháng 6-2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 2,09%, tăng nhẹ so với cuối năm 2017 (1,99%). Tuy nhiên, nếu tính thêm nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 6-2018 là 6,67%, giảm so với cuối năm 2017 (7,9%) và năm 2016 (10,1%)(2).

Xử lý nợ xấu đóng góp lớn vào lợi nhuận

Kết quả thu hồi nợ xấu đang tác động tích cực đến lợi nhuận của các ngân hàng. Lũy kế chín tháng đầu năm 2018, thu nhập từ các khoản nợ ngoại bảng của Ngân hàng Quân đội là 882 tỉ đồng, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro của ACB trong nửa đầu năm 2018 là 509 tỉ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Vietcombank, các khoản thu nhập khác (phần lớn là thu nợ đã xử lý rủi ro) trong nửa đầu năm 2018 đạt 2.433 tỉ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2017 và chiếm đến 12,4% tổng thu nhập thuần. Thu nhập từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro của Techcombank trong nửa đầu năm 2018 cũng tăng 96,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Đây là bốn điển hình trong số các ngân hàng có lợi nhuận từ xử lý nợ xấu đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh lũy kế năm 2018. Điểm chung của bốn ngân hàng này là đều đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2016 và 2017. Sang năm 2018, danh sách trên kết nạp thêm VietinBank và VIB. Việc xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC không chỉ giúp các ngân hàng này giảm áp lực trích lập dự phòng mà sau đó mỗi đồng nợ xấu thu hồi được đều được ghi nhận thẳng vào thu nhập. Điều này cho thấy nợ xấu không phải là tiền bị mất đi. Nó trở thành “của để dành” đối với các ngân hàng và tạo nên sự đột biến cho lợi nhuận trong tương lai.

Riêng với các khoản nợ xấu nội bảng, việc thu hồi nợ xấu không làm tăng thu nhập bất thường mà sẽ giúp ngân hàng hoàn nhập dự phòng. Thế nên mới có chuyện dù nợ xấu tăng nhưng chi phí dự phòng trong kỳ giảm, không phải vì ngân hàng trích lập không đầy đủ mà vì số hoàn nhập dự phòng làm giảm chi phí này. Bên cạnh đó, nếu ngân hàng thu hồi được lãi thì phần lãi quá hạn này được ghi nhận vào thu nhập lãi thuần. Tình trạng một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng chậm nhưng lãi thuần tăng mạnh phần lớn là do các khoản thoái thu lãi hoặc hoàn thoái thu như vậy. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) vì thế đôi khi không phản ánh đúng bản chất khả năng sinh lãi trên tài sản có của ngân hàng.

...Nhưng không phải lợi nhuận bền vững

Tuy đóng góp cho lợi nhuận lớn nhưng kết quả đó không thể là sự tự hào của ngân hàng. Thu nhập từ xử lý nợ xấu thực chất là khoản lãi mà đáng ra ngân hàng phải được hưởng. Trước đây ngân hàng lo ngại mất vốn nên đã trích lập dự phòng và không dự thu lãi. Nay thu hồi được nợ thì ngân hàng hoàn nhập dự phòng và ghi nhận lãi bất thường. Nhưng điều đáng nói là rất khó để ngân hàng thu hồi đầy đủ cả gốc, lãi và lãi phạt từ các khoản nợ xấu. Hoặc ngân hàng bán nợ, bán tài sản thế chấp thấp hơn nợ gốc, hoặc ngân hàng phải giảm lãi/lãi phạt cho khách hàng. Đa số trường hợp xử lý nợ xấu là như vậy, nên tổng hòa thì ngân hàng vẫn phải chịu thiệt. Cho nên việc tăng cường quản lý rủi ro để tránh xảy ra nợ xấu vẫn là tôn chỉ hàng đầu trong hoạt động tín dụng.

Thêm nữa, kết quả xử lý nợ xấu không phản ánh sự tăng trưởng hay phát triển của ngân hàng. Ngân hàng chỉ có “tiềm năng” lợi nhuận từ việc xử lý nợ xấu khi nợ xấu còn nhiều và có thể xử lý được. Các khoản thu nhập bất thường này có thể cao trong năm nay nhưng không còn trong năm sau. Do đó, thu nhập từ xử lý nợ xấu dễ làm sai lệch bức tranh tăng trưởng của ngân hàng nếu không được phân tích cẩn thận. Một số chuyên gia phân tích ngành ngân hàng đang lo ngại lợi nhuận trong năm 2019 mất đà tăng trưởng là cũng có lý do.

Việc xử lý nợ xấu cũng không phải suôn sẻ tại tất cả các ngân hàng. Bên cạnh sáu ngân hàng đã sạch nợ tại VAMC, vẫn còn nhiều ngân hàng có số dư trái phiếu VAMC chưa xử lý cao. Dù hoạt động kinh doanh có khởi sắc hay không và có xử lý nợ xấu tốt hay không, ưu tiên của các ngân hàng này hiện tại vẫn phải là trích lập dự phòng nhiều nhất có thể để rút ngắn thời gian nắm giữ trái phiếu VAMC. Tại một số ngân hàng, nợ xấu thậm chí đang tăng lên, tạo nên rủi ro quay lại giai đoạn đen tối của ngành ngân hàng cách đây 10 năm.

(1) https://www.baohaiquan.vn/Pages/No-xau-dang-o-muc-667-voi-468-nghin-ty-dong.aspx

(2) https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/xu-huong-no-xau-tang-chua-dang-lo-238117.html

Nam Quyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280631/lai-tu-no-xau-.html