Lại tranh cãi về dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á ở Hà Tĩnh

Dự án mỏ sắt Thạch Khê - mỏ sắt được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á vẫn đang tạo ra tranh cãi nảy lửa giữa các bên về việc tiếp tục hay dừng triển khai dự án.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: Nhà đầu tư

Lo ngại thảm họa môi trường từ dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Gần 10 năm ngưng trệ kể từ ngày dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê khởi công bóc đất tầng phủ, nhiều tranh cãi giữa các bộ ngành đã nổ ra xung quanh mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này.

Trong đó có nhiều ý kiến đề xuất nên dừng dự án này lại bởi những tác động về kinh tế và môi trường mà nó có thể mang lại.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Đặng Quốc Khánh cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định dừng triển khai (kết thúc) thực hiện dự án.

Lí do là dự án này đã phát sinh rất nhiều hệ lụy do quá trình triển khai thời gian qua còn nhiều bất cập; các điều kiện tái khởi động dự án chưa bảo đảm yêu cầu, ảnh hưởng nặng nề tới định hướng phát triển của tỉnh, đời sống nhân dân vùng dự án gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại vấn đề môi trường của dự án, đặc biệt sau thảm họa tại nhà máy Formosa.

Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Vietnamnet

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) cũng cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để tái khởi động dự án; hiệu quả kinh tế thấp và nguy cơ thua lỗ nặng nề; hiệu quả sử dụng tài nguyên không cao; các giải pháp bảo vệ môi trường chưa hoàn thiện và có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án ảnh hưởng lớn đến hạ tầng giao thông đường bộ…

Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam phản bác

Ngày 5.12.2018, Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam đã có kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, nhà nước đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê, tránh trường hợp dự án bị tạm dừng kéo dài, gây bức xúc cho người dân, lãng phí nguồn lực.

Nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam đánh giá dự án này được đánh giá sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nền kinh tế quốc dân, Nhà nước và xã hội cũng như tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.

“Tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, hàng năm nộp ngân sách trung bình trên 1.200 tỉ đồng trong giai đoạn I và trên 2.400 tỉ đồng/năm trong giai đoạn II; Tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân khu vực Dự án và vùng phụ cận, tổng số 3.490 lao động trực tiếp trong Dự án và hàng ngàn lao động gián tiếp trong các ngành, lĩnh vực dịch vụ liên quan phục vụ cho Dự án”, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam phân tích.

Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho rằng những băn khoăn của tỉnh Hà Tĩnh và LHHVN về vấn đề môi trường xung quanh dự án này là thiếu căn cứ.

Theo hội này, hiện nay đã có các giải pháp bảo vệ môi trường như giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của hạ mức nước ngầm; giải pháp ứng phó với thiên tai, sự cố môi trường như động đất, mưa bão, nước biển dâng; giảm thiểu ảnh hưởng của cát bay, cát chảy; xử lý nước thải mỏ…

“Các giải pháp thiết kế đưa ra là có cơ sở khoa học và thực tế, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về đê chắn chóng và giảm thiểu ảnh hưởng môi trường”, hội này khẳng định.

Phạm Dung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/lai-tranh-cai-ve-du-an-mo-sat-lon-nhat-dong-nam-a-o-ha-tinh-647444.ldo