Lái tiêm kích quá thấp và quá nhanh, chỉ huy Mỹ mất chức ngay lập tức

Trung tá Featherstone mất quyền chỉ huy Phi đoàn tiêm kích số 225 sau khi lái tiêm kích F/A-18D Hornet bay quá nhanh và quá thấp trong một buổi lễ.

Tướng Kevin Iiams, chỉ huy Không đoàn Thủy quân lục chiến số 3 của quân đội Mỹ, hôm 30-1 đã ra quyết định cách chức phi đoàn trưởng Phi đoàn tiêm kích số 225 của trung tá Ralph Featherstone sau khi kết luận sĩ quan này đã có "quyết định sai lầm" trong buổi lễ loại biên tiêm kích F/A-18D Hornet của phi đoàn.

Trung tá Featherstone bị kết luận đã điều khiển chiếc tiêm kích F/A-18D bay quá nhanh và quá thấp so với kế hoạch đề ra trong lễ chia tay dòng tiêm kích hạm F/A-18C/D Hornet được tổ chức ở căn cứ không quân thủy quân lục chiến Miramar hồi tuần trước. Video về buổi lễ đã bị xóa khỏi các trang chia sẻ dữ liệu của Lầu Năm Góc ngay sau quyết định cách chức.

"Đây là điều bất ngờ với một chỉ huy xuất sắc và có sự nghiệp nổi bật như Trung tá Featherstone. Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm xấu đi những thành tích ông đã đạt được trong hoạt động tác chiến và hỗ trợ", thủy quân lục chiến Mỹ ra thông cáo cho hay.

Quan chức thủy quân lục chiến giấu tên cho biết tướng Iiams muốn trừng phạt Trung tá Featherstone để "làm gương" và thúc đẩy thực hiện quy trình an toàn hàng không. Một sĩ quan khác trong Phi đoàn số 225 sẽ giữ chức chỉ huy phi đoàn để hoàn tất giai đoạn loại biên những chiếc F/A-18D và chuyển loại lên tiêm kích tàng hình F-35, nhưng thủy quân lục chiến Mỹ không công bố danh tính người này.

Trung tá Featherstone được phân công về Phi đoàn số 225 công tác từ năm 2003, từng tham chiến tại Iraq, thực hiện nhiều nhiệm vụ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trở thành phi đoàn trưởng từ tháng 4-2019.

 Trung tá Featherstone khi nhậm chức chỉ huy phi đoàn 225 hồi tháng 04-2019

Trung tá Featherstone khi nhậm chức chỉ huy phi đoàn 225 hồi tháng 04-2019

F/A-18 Hornet là một máy bay phản lực chiến đấu đa nhiệm siêu thanh hai động cơ có khả năng hoạt động trên tàu sân bay trong mọi thời tiết, có khả năng chiến đấu và tấn công các mục tiêu mặt đất (F/A viết tắt của Fighter/Attack – Chiến đấu/Tấn công). F-/A-18 do McDonnell Douglas và Northrop thiết kế, nguyên mẫu đầu tiên được phát triển từ YF-17 (mẫu máy bay được phát triển dựa trên máy bay F-5E) của Northrop trong thập niên 1970 để sử dụng trong Hải quân Hoa Kỳ và Thủy quân lục chiến.

F/A-18 Hornet được sử dụng trong lực lượng không quân của nhiều quốc gia. Đây là loại máy bay trình diễn của phi đội trình diễn bay Hải quân Hoa Kỳ, Blue Angels, từ năm 1986. F/A-18 có tốc độ tối đa Mach 1,8. Nó có thể mang nhiều loại bom và tên lửa, gồm cả tên lửa không đối không và không đối đất cùng một pháo M61 Vulcan 20 mm. Máy bay sử dụng hai động cơ turbin cánh quạt General Electric F404 giúp nó có một tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao.

Máy bay F/A-18D Hornet

F/A-18 có những tính năng khí động lực xuất sắc, chủ yếu nhờ vào các cánh nâng phía trước cánh (LEX). Các vai trò chủ yếu của loại máy bay này là hộ tống, bảo vệ hạm đội, chế áp lực lượng phòng không đối phương (SEAD), ngăn chặn tiếp tế trên không, hỗ trợ gần trên không và trinh sát.

Độ tin cậy và linh hoạt của máy bay khiến nó trở thành loại vũ khí đáng giá trên tàu sân bay, dù máy bay này từng bị chỉ trích vì có tầm hoạt động và tải trọng kém so với những loại máy bay cùng thời, như Grumman F-14 Tomcat trong vai trò máy bay chiến đấu và tấn công, và Grumman A-6 Intruder cùng LTV A-7 Corsair II trong vai trò tấn công.

Dù vậy F/A-18 Hornet vẫn là dòng chiến đấu cơ trên hạm thành công của Mỹ, ước tính đã có hàng ngàn chiếc với các phiên bản A, B, C, D được chế tạo. Phiên bản F/A-18E/F Super Hornet, một bản thiết kế lại lớn hơn và có sự phát triển cao hơn của F/A-18 được coi là một trong số ít những tiêm kích hạm tốt nhất thế giới xét trên tổng hợp tiêu chí ở thời điểm hiện tại.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/info-lai-tiem-kich-qua-thap-va-qua-nhanh-chi-huy-my-mat-chuc-ngay-lap-tuc/841171.antd