Lại thêm chủ BOT đòi trả lại cho Bộ GTVT

Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT dừng thu phí hoặc mua lại để hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Thông tin từ phía Công ty CP đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa (chủ đầu tư BOT Ninh Lộc) cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét lại phương án miễn phí cho phương tiện giao thông loại 1 của 17 xã, phường ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa quanh trạm BOT Ninh Lộc.

Lái xe phản đối thu phí tại BOT Ninh Lộc. Ảnh: Dân Việt

Chủ đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT cho phép miễn phí cho các phương tiện này từ ngày 5/5/2018 theo phương án đã trình.

Trong trường hợp Bộ GTVT không thống nhất , nhà đầu tư đề nghị xem xét phương án dừng thu phí tại Trạm thu phí Ninh Lộc.

Phía nhà đầu tư cũng đề nghị xem xét lại phương án tài chính theo hướng quản lý và hoàn vốn cho nhà đầu tư hoặc đề nghị Bộ GTVT tổ chức thu.

Vụ việc bắt nguồn từ việc cho rằng tổ chức thu phí bất hợp lý tại trạm BOT Ninh Lộc khiến nhiều lái xe bức xúc, dừng xe phản đối, gây ùn tắc giao thông.

Trước tình hình đó, chủ đầu tư kiến nghị dừng thu phí và được Bộ GTVT đồng ý. Tuy nhiên sau đó, nhà đầu tư lại thu phí trở lại và chỉ giảm giá ở mức 40- 50% cho các phương tiện của 8 xã, phường lân cận.

Trong văn bản Bộ GTVT gửi tỉnh Khánh Hòa, Tổng cục Đường bộ và chủ đầu tư có nói rõ: "Đối tượng và mức giảm giá tại trạm thu giá Ninh Lộc chưa đáp ứng hoàn toàn theo yêu cầu người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nhưng đã là mức tối đa theo chủ trương chung của Bộ GTVT cho tất cả các trạm thu giá trên cả nước. Việc giảm giá cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu giá cần đảm bảo tính thống nhất, tương đồng giữa các trạm trên cả nước".

Chiêu trò?

Trước đó, nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, cũng lấy lý do không được thu phí ở tuyến tránh khiến chủ đầu tư bị lỗ.

Do đó, nhà đầu tư đề xuất Bộ GTVT hai phương án. Thứ nhất, đề nghị Bộ GTVT cho phép thu phí cả trên tuyến mới và QL 3 theo đúng hợp đồng.

Phương án thứ hai nhà đầu tư đề xuất là đề nghị Bộ GTVT mua lại dự án với số tiền hơn 2.775 tỷ đồng.

Cũng với lý do này, Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì, chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ), chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cũng từng đưa ra đề xuất xin bán lại BOT với lý do thua lỗ.

Trao đổi với Đất Việt về hiện tượng trên, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho rằng, đầu tư BOT ở Việt Nam rất khó thua lỗ.

Chủ BOT xin bán lại cho nhà nước: Nghi vấn chiêu trò

Ông nghi ngờ đây chỉ là chiêu trò của các nhà đầu tư, khi ăn không ngon thì đẩy cho nhà nước.

"Các nhà đầu tư Việt Nam thường có tâm lý, làm cái gì cũng thích lớn, thích rộng, thích nhiều..., đầu tư BOT cũng vậy. Vì có tâm lý như vậy nên khi doanh nghiệp phải chia sẻ lợi ích, nguồn lợi thu về ít đi một chút là không thoải mái, quay sang dỗi, đòi trả lại, bán lại. Đây là phản ứng không có gì đáng ngạc nhiên của doanh nghiệp Việt", GS Đặng Đình Đào phân tích.

Phản ứng trên cũng khiến vị chuyên gia đặt nhiều nghi vấn, ông cho rằng cần làm rõ dấu hiệu "chống lưng" cho các doanh nghiệp đầu tư BOT.

Vị GS nói rõ, không thể chấp nhận kiểu làm ăn, kinh doanh "lời doanh nghiệp hưởng, lỗ đẩy sang nhà nước" được. Làm như vậy là không công bằng với nhà nước và người dân, không đúng với cơ chế thị trường.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lai-them-chu-bot-doi-tra-lai-cho-bo-gtvt-3357562/