Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam gia tăng nhanh chóng, thì công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài đang được cơ quan chức năng trực tiếp là Bộ Công thương thực hiện đã đem lại hiệu quả tích cực.

208 vụ việc điều tra về hàng hóa Việt Nam

Cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Các nền kinh tế có xuất khẩu càng lớn càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cán bộ hải quan thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: CTV

Với chủ trương đúng đắn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu đã trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Phòng vệ thương mại là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng, với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.

Theo Bộ Công Thương thống kê đến hết tháng 8/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 208 vụ việc điều tra liên quan đến chống bán phá giá; trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 161 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%.

Đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực. Nếu hàng hóa xuất khẩu của DN bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.

Để tránh bị áp thuế, DN phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho DN.

Trong bối cảnh các nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, theo Bộ Công thương việc hỗ trợ DN xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đã được thể chế hóa trong Luật Quản lý ngoại thương và được cụ thể hóa trong một số đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như đề án tái cơ cấu ngành Công thương, đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Đến nay, các giải pháp hỗ trợ DN ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại thu được kết quả đáng kể.

Bảo vệ thành công quyền lợi cho hàng Việt Nam xuất khẩu

Theo Cục Phòng vệ thương mại, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như đẩy mạnh thu thập thông tin, cảnh báo sớm, sớm tiếp cận với các DN trong những ngành có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp các DN hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc DN cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với DN.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khi phát hiện trong hoạt động điều tra có điểm chưa phù hợp với các quy định của WTO; trực tiếp cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các DN Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác.

Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho hay, trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho DN xuất khẩu. Nhờ đó, các DN xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Điển hình như Australia cũng đã chấm dứt nhiều vụ việc điều tra mà không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, như vụ việc điều tra đối với ống thép chính xác và dây đai thép phủ màu.

Nhiều vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với các DN Việt Nam cũng có kết quả tích cực khi hầu hết các DN có tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam đều không bị áp thuế chống bán phá giá như cá basa, tôm và gần đây nhất là mặt hàng lốp xe, giúp kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này được giữ vững và tăng trưởng.

Không chỉ giải quyết ở cấp độ song phương, Việt Nam cũng đã tiến hành khiếu nại 5 biện pháp phòng vệ thương mại của các nước ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO; trong đó, có 4 vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho Việt Nam. Nhờ các hoạt động hỗ trợ đang được triển khai, trung bình khoảng 2/3 số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam không dẫn đến kết quả bất lợi đối với các DN./.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đến kết quả xuất khẩu.

Đặc biệt, để các DN có thể chủ động hơn nữa trong việc xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tăng cường thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý phòng vệ thương mại cho các hiệp hội ngành hàng, các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-ung-pho-voi-cac-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-94304.html