Lãi suất trái phiếu chính phủ: Áp lực tăng là có nhưng không lớn

Trong thời gian còn lại của năm 2020, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào trong khi nguồn cung trái phiếu chính phủ còn lại không phải quá lớn. Vì thế, lãi suất trúng thầu nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng thấp như hiện nay.

Đây là nhận định của bà Hoàng Minh Huyền – Chuyên gia Phân tích Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về diễn biến của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP).

* PV: Dịch Covid-19 tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, tuy nhiên, thị trường TPCP vẫn được xem là một điểm sáng của Việt Nam. Bà có thể cho biết chi tiết hơn về diễn biến thị trường TPCP từ đầu năm tới nay?

- Bà Hoàng Minh Huyền: Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam có diễn biến tương đối khởi sắc trong năm 2020.

Cụ thể, tính tới hết tháng 10/2020, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công trên 260 nghìn tỷ đồng TPCP, tăng 48% so với cùng kỳ và bằng 122% tổng giá trị TPCP đã phát hành trong cả năm 2019. Trong đó, giá trị trúng thầu TPCP riêng trong quý III đã chiếm tới hơn một nửa tổng khối lượng phát hành trong 10 tháng đầu năm. Đây cũng là xu hướng chung trong các năm gần đây khi lượng TPCP phát hành thành công thường gia tăng mạnh từ thời điểm giữa đến cuối năm.

* PV: Một điểm rất dễ nhận thấy đó là lãi suất huy động trái phiếu giảm rất mạnh, có thể nói là “thấp chưa từng thấy”. Bà đánh giá thế nào về diễn biến của lãi suất trúng thầu TPCP? Vì sao lãi suất giảm ấn tượng như thế, thưa bà?

- Bà Hoàng Minh Huyền: Lãi suất trúng thầu TPCP tại tất cả các kỳ hạn giảm xuống mức rất thấp tại thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần đầu tiên (hồi đầu tháng 4). Sau đó, trong khoảng thời gian từ giữa quý II đến nay, lãi suất có dấu hiệu hồi phục, nhưng nhìn chung mặt bằng vẫn ở mức thấp, dao động từ 1,22 – 3,24%/năm đối với các kỳ hạn.

Theo đánh giá của BVSC, lãi suất trúng thầu TPCP thấp là cùng chung với xu hướng lãi suất trên thị trường. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành với tổng mức cắt giảm từ 1 - 1,5% (tùy từng loại lãi suất). Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 26/10/2020 mới chỉ ở mức 6,15% (tương đối thấp so với mục tiêu quanh 10% cho cả năm 2020 của NHNN) khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, qua đó giúp mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường giảm mạnh (1,25 - 1,5%).

Về diễn biến lãi suất trúng thầu trong quý IV/2020 và năm 2021, chúng tôi cho rằng, lãi suất trúng thầu TPCP nhiều khả năng sẽ không tăng quá mạnh so với mặt bằng lãi suất đã thiết lập vào cuối quý III/2020.

Chính sách tiền tệ được dự báo sẽ vẫn duy trì trạng thái nới lỏng như hiện tại nhằm hỗ trợ thanh khoản và kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường. Nhu cầu vay nợ trong nước qua kênh TPCP nhằm bù đắp bội chi và chi tiêu đầu tư công vẫn sẽ được Chính phủ thực hiện trong năm 2021 nhưng áp lực từ nguồn cung này sẽ chưa quá lớn để gây rủi ro tăng mạnh đối với lãi suất TPCP.

Giá trị trúng thầu TPCP từ đầu năm tới nay.

Giá trị trúng thầu TPCP từ đầu năm tới nay.

* PV: Có ý kiến cho rằng, việc Quốc hội đồng ý điều chỉnh tăng bội chi ngân sách trung ương năm 2020 để đảm bảo dự toán chi đầu tư phát triển, nhiều khả năng Chính phủ sẽ phải tăng huy động vay bù đắp bội chi trong các tháng cuối năm. Theo bà, điều này sẽ tác động thế nào tới diễn biến thị trường sơ cấp và lãi suất huy động cho thời gian còn lại của năm nay?

- Bà Hoàng Minh Huyền: Tính tới hết tháng 10/2020, tổng lượng TPCP đã phát hành thành công đạt trên 100% kế hoạch phát hành của năm 2020. Tuy nhiên, vào giữa tháng 11, Kho bạc Nhà nước đã ra thông báo điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu năm và kế hoạch đấu thầu TPCP quý IV/2020.

Theo đó, tổng lượng phát hành trái phiếu năm 2020 được nâng từ 260.000 tỷ đồng lên 300.000 tỷ đồng và kế hoạch đấu thầu TPCP riêng trong quý IV/2020 là 71.300 tỷ đồng. Tính tới giữa tháng 11, tổng khối lượng TPCP phát hành đã đạt hơn 92,82% kế hoạch năm 2020 và 66% kế hoạch đấu thầu quý IV (kế hoạch đã điều chỉnh).

Do vậy, chúng tôi cho rằng trong thời gian còn lại của năm 2020, Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch mới điều chỉnh. Tuy nhiên, với thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào trong khi nguồn cung TPCP còn lại không phải quá lớn, mặt bằng lãi suất trúng thầu nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay.

* PV: Còn về năm 2021, bà dự báo thế nào về thị trường TPCP khi mà áp lực huy động vốn cho ngân sách vẫn rất lớn do tác động từ dịch bệnh vẫn còn và nhu cầu cho đầu tư công còn lớn?

- Bà Hoàng Minh Huyền: Theo tính toán, lượng TPCP đáo hạn trong năm 2021 là trên 187 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,9% thu ngân sách nhà nước và 58% nợ trong nước trực tiếp của Chính phủ. Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp diễn và vắc-xin phòng bệnh chưa thể phổ cập trên diện rộng ngay trong các tháng đầu năm 2021, Chính phủ sẽ phải tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tới cũng rất lớn (kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 37,5% so với giai đoạn 2016-2020). Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng, Kho bạc Nhà nước sẽ vẫn duy trì lượng phát hành TPCP lớn (khoảng 300.000 nghìn tỷ đồng) trong năm 2021 nhằm bù đắp bội chi ngân sách, tăng đầu tư công cũng như trả các khoản nợ đáo hạn.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-11-19/lai-suat-trai-phieu-chinh-phu-ap-luc-tang-la-co-nhung-khong-lon-95512.aspx