Lãi suất tín dụng đen khi vay qua mạng có thể lên tới 1.400%/năm

Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào 'tín dụng đen' được coi chỉ là sự thay đổi về hình thức, bởi nếu cộng cả phí và lãi quy ra lãi suất có thể cao gấp 700 lần so với quy định.

Nhiều quảng cáo cho vay được dán tại các khu dân cư. Ảnh minh họa: H.Dịu

Nhiều quảng cáo cho vay được dán tại các khu dân cư. Ảnh minh họa: H.Dịu

Theo Trung tá Ngô Hồng Vương, có 4 đặc điểm nhận diện tín dụng đen, trong đó, hai đặc trưng nhất của tín dụng đen là lãi suất cho vay “cắt cổ” và hành vi thu hồi nợ “côn đồ”.

Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự, trần lãi suất cao nhất là 20% (trừ trường quy định hợp pháp luật liên quan quy định khác). Điều 201 Bộ luật hình sự quy định lãi suất vượt quá 5 lần lãi suất cao nhất của bộ luật dân sự (được hiểu là 100%/năm), thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…

“Tuy nhiên, hiện nay lãi suất trong tín dụng đen thường rất cao, có khi lên đến 300 – 700%/năm. Thậm chí, một số mô hình cho vay qua mạng lãi suất lên tới 1.400%/năm, cao gấp 700 lần quy định”, Trung tá Ngô Hồng Vương cho hay.

Đặc biệt, hiện nay, tín dụng đen “trực tuyến” đang có dấu hiệu ngày càng nở rộ. Theo Trung tá Ngô Hồng Vương, thủ đoạn của các đối tượng tín dụng đen của Việt Nam là: Phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng điện thoại di động... đăng tin quảng cáo vay cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản với số tiền vay từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng.

Các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao, tổ chức hoạt động tín dụng đen dưới dạng cho vay trực tuyến, vay ngang hàng (P2P) với lãi suất rất cao.

Các đối tượng còn ngụy trang hành vi cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an như: ghi lãi suất thấp hơn rất nhiều so với thực tế trong hợp đồng hoặc ghi lãi suất theo thỏa thuận trong một loại giấy tờ khác…

Nếu các con nợ không trả nợ đúng hẹn, các đối tượng cho vay thường sử dụng nhiều hình thức đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của con nợ... nhưng chưa đến mức xử lý hình sự song lại gây sự sợ hãi, hoang mang, thiệt hại kinh tế, mất uy tín cho nạn nhân.

Đặc biệt tinh vi là chúng còn thành lập các công ty có chức năng đòi nợ thuê được nhà nước cấp phép hoạt động, thực chất là các băng nhóm tội phạm núp bóng công ty, doanh nghiệp, mời các cán bộ từng làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án...) thoái hóa, biến chất đã nghỉ hưu, tham gia tư vấn hoạt động cho vay và đòi nợ của chúng…

Trước tình hình như trên, tại một hội nghị gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để góp phần hạn chế tín dụng đen, nhất là tại địa bàn nông thôn, bên cạnh ngành ngân hàng tích cực cấp tín dụng, rất cần có sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao nhận thức của người dân về tín dụng đen, đưa ra các chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây tín dụng đen...

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/lai-suat-tin-dung-den-khi-vay-qua-mang-co-the-len-toi-1400nam-135186.html