Lãi suất liên ngân hàng nhích tăng, gợi ra những góc nhìn mới

Sau một số ngày giảm sâu cuối năm 2022, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng lại quay đầu tăng trở lại vào đầu năm 2023. Đây tuy được coi là diễn biến thông thường trong giai đoạn giáp tết, nhưng cũng gợi ra những câu chuyện mới trong việc ổn định thanh khoản, cũng như bức tranh chung về thị trường tiền tệ trong năm 2023.

Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại

Đầu năm 2023, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng quay đầu tăng trở lại. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm tại thị trường liên ngân hàng ở mức khoảng 5,59% tiếp tục tăng so với mức 5,17% trong những ngày đầu tháng 1/2023 và cao hơn khá nhiều thời điểm xuống đáy cuối năm 2022. Trước đó, lãi suất thị trường liên ngân hàng trong khoảng 2 tuần cuối cùng năm 2022 xuống rất thấp, có thời điểm chỉ còn 3,2%.

Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng có xu hướng tăng lên mức 6,61%, cung tăng hơn so với mức 6,24% tuần đầu tháng 1/2023 và mức 5,27% của tuần cuối cùng năm 2022.

Việc lãi suất liên ngân hàng tăng thường đi liền với tín hiệu cho thấy có những ngân hàng tăng nhu cầu thanh khoản. Tuy nhiên, đây cũng là diễn biến phù hợp trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng cao phục vụ các hoạt động kinh doanh giáp tết. Theo đó, các ngân hàng cũng cần thu hút vốn để phục vụ nhu cầu vay của khách hàng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Tuy nhiên, động thái tăng giảm nhịp nhàng của lãi suất thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây cũng là một trong những tín hiệu cho thấy thị trường liên ngân hàng đang hoạt động khá thông suốt. Trong đó, việc các ngân hàng thương mại đã có những cuộc họp với nhau thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đi đến được những sự đồng thuận, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản giữa các ngân hàng để đảm bảo cân đối vốn trong toàn hệ thống. Tại cuộc họp diễn ra hồi tháng 12/2022, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank đang có nguồn vốn ổn định và sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng khác qua thị trường liên ngân hàng nếu có nhu cầu.

Bối cảnh lãi suất năm 2023

Trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết, sẽ tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, NHNN cũng đặt mục tiêu điều hành tín dụng phù hợp, góp phần duy trì đà phục hồi của nền kinh tế; hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; phối hợp các bộ, ngành để tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, áp lực tăng lãi suất trong năm 2023 có thể vẫn còn do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ vẫn tiếp tục có những đợt tăng lãi suất, mặc dù với biên độ hẹp hơn các đợt tăng lãi suất đã thực hiện trong năm 2022. Trong bối cảnh này, một số chuyên gia tài chính còn dự báo, để có chính sách phù hợp trong năm 2023, NHNN có thể sẽ phải thực hiện thêm 1 lần tăng lãi suất điều hành nữa.

Linh hoạt để giữ điểm cân bằng về lãi suất và tỷ giá

Theo ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, trong điều hành chính sách, nếu chấp nhận hy sinh tỷ giá (để tỷ giá tăng cao), đồng nội tệ mất giá nhiều thì sẽ giữ được lãi suất thấp, giữ được dự trữ ngoại hối. Nhưng ngược lại, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nếu để đồng nội tệ mất giá nhanh và mất giá quá lớn thì chúng ta sẽ nhập khẩu lạm phát, từ đó không kiềm chế được lạm phát, các cân đối vĩ mô sẽ không kiểm soát được và có thể rơi vào mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặc dù vậy, với một góc nhìn khác, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng lãi suất của Việt Nam thực tế đã quá cao. Đưa ra con số so sánh, ông Nghĩa cho biết, lãi suất tiền gửi ở Việt Nam (với kỳ hạn khoảng 12 tháng) hiện khoảng 9,4%, trong khi lạm phát 3,15%, như vậy lãi suất thực lên tới gần 6,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay thậm chí có thể lên tới 12%, trừ lạm phát thì lãi suất thực cho vay cũng tới trên 9%. Trong khi đó ở Mỹ lạm phát là 8%, lãi suất cho vay là 4% cho thấy lãi suất thực của họ âm 4%. Với sự so sánh này, lãi suất thực ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với Mỹ. Châu Âu có mức lạm phát 10%, trong khi lãi suất cho vay của châu Âu thấp hơn Mỹ, nên lãi suất thực của châu Âu thấp hơn ở Mỹ. Điều này cho thấy, lãi suất của Việt Nam cần phải giảm thấp hơn nữa để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, một số chuyên gia cho rằng, mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5% - cao hơn so với thực tế năm 2022, nhưng đó là một con số khá hợp lý. Với mục tiêu lạm phát dự kiến có thể tăng, NHNN có thể tính toán phương án tăng cung tiền hơn một cách hợp lý.

Hoàng Long

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lai-suat-lien-ngan-hang-nhich-tang-goi-ra-nhung-goc-nhin-moi-120447-120447.html