Lãi suất giảm, thị trường bất động sản được gì?

Lãi suấtcho vay giảm, ngân hàng đang nới hầu bao cho vay mua nhà. Điều đó ảnh hưởng đáng kể đến nguồn vốn bất động sản đang trú ẩn tại ngân hàng.

Ngày 7/7/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7/2017. Theo đó, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

Quyết định giảm các lãi suất điều hành sẽ gián tiếp hỗ trợ chi phí của các tổ chức tín dụng, góp phần hướng tới giảm lãi suất cho vay nói chung trên thị trường. Đây là lần đầu tiên trong hơn 2 năm, NHNN mới lại đưa ra quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành.

NHNN cũng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Chi phí vay vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu theo đó sẽ giảm xuống.

Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất là để hỗ trợ doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Sau cú sốc khủng hoảng kinh tế thì từ năm 2008 đến nay giá bất động sản không ngừng suy giảm và giao dịch đóng băng. Nhiều người kỳ vọng thị bất động sản sẽ phục hồi cùng với những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế và thị trường tiền tệ. Trên thực tế số lượng căn hộ được mở bán trong những tháng cuối năm 2013 đã tăng khá mạnh. Từ đó đến nay, giá bất động sản ở phân khúc bình dân không còn giảm và thanh khoản có dấu hiệu được cải thiện.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc nới lỏng tín dụng từ phía các ngân hàng sẽ tác động rất tốt đến thị trường bất động sản, trước hết là tác động tâm lý.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, việc các ngân hàng thương mại có cơ chế được phép cơ cấu lại nợ cũ, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi sức ép bán tháo, bán rẻ. Qua đó, các nhà thầu có thể vay tiền, tiến độ thi công sẽ tốt hơn. Và khi niềm tin trở lại với thị trường thì khả năng huy động vốn từ nguồn tiền nhàn rỗi trong dân vào kênh đầu tư này cũng thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, đã có sự khác biệt lớn về quan điểm, tư duy trong việc giao dịch BĐS trên thị trường. Đã qua rồi thời kỳ khoảng cách cung cầu chênh lệch quá lớn (đặc biệt đối với phân khúc chung cư), từ đó các hợp đồng giao dịch mua bán hoặc góp vốn luôn được soạn thảo theo hướng có lợi cho chủ đầu tư, và những chế tài thường chỉ áp dụng đối với khách hàng trong trường hợp vi phạm hợp đồng…

Thông tin giảm lãi suất không chỉ khiến các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp cận được nguồn vốn mà còn là cơ hội để nhiều khách hàng chuyển hướng sang quan tâm bất động sản sau một thời gian im ắng.

Nhưng tới nay, việc khách hàng có nhiều sự lựa chọn đã buộc các chủ đầu tư phải thay đổi quan điểm. Có thể thấy ngay tại dự án Berriver Long Biên, trong hợp đồng mua bán đã quy định rất rõ, cả chủ đầu tư nếu chậm tiến độ xây dựng và khách hàng nếu chậm nộp tiền đều sẽ bị phạt bằng tiền và tính theo ngày. Việc các ngân hàng nới lỏng tín dụng đối với bất động sản, công bố chương trình cho vay, 50% dự án có thể tiếp cận được nguồn vốn.

Về phía người mua, việc giảm lãi suất cho vay chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý những người có nhu cầu thực. Thay vì chờ đợi giá giảm và gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi suất như trước kia, sẽ có nhiều người tìm kiếm và tận dụng cơ hội hưởng các ưu đãi như: dành cho người đăng ký sớm tại các dự án có vị trí đẹp, mức giá hợp lý…

Việc hạ lãi suất là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường BĐS. Dù phải chờ độ trễ nhất định nhưng lãi suất đầu vào hạ sẽ giúp đầu ra giảm theo, DN BĐS vay vốn sẽ giảm chi phí vốn. BĐS của Việt Nam hiện nay đang có “mầm mống” bội thực dự án BĐS cao cấp, quá nhiều dự án được xây dựng và tung ra thị trường, nên nếu tăng lãi suất, khách hàng mua nhà sẽ chững lại, kéo theo hoạt động của nhiều DN BĐS phân khúc cũng phải chững lại.

Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, hạ lãi suất chỉ có ý nghĩa với người vay mua nhà. Lãi suất thấp kích thích người dân mua nhà nhiều hơn, từ đó tác động lan tỏa với thị trường BĐS ở một vài phân khúc. Hạ lãi suất đầu vào nhưng đầu ra thì chưa chắc bởi các NH hiện chỉ ưu tiên cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và cho vay ngắn hạn. Ngược lại, DN BĐS phải đầu tư dự án nên các khoản vay trung hạn dài vẫn phải chịu lãi suất rất cao, chính vì thế nguồn vốn cho vay bất động sản có thể sẽ hẹp hơn.

Cho nên, cần phải chờ xem động thái từ phía các ngân hàng sẽ thực hiện yêu cầu mới của NHNN ở mức độ nào. Và do đó, chưa khẳng định được vốn vào bất động sản bị hạn chế hay không.

Có thể thấy, với những tác động không tốt tới nền kinh tế, NHNN phải bằng mọi giá giữ cho lãi suất cũng như chính sách tiền tệ ổn định, không để trở thành “cuộc đua” trên diện rộng. Nguồn vốn khởi động cho thị trường địa ốc hiện đang trông chờ vào các ngân hàng. Nhu cầu tìm kiếm nơi an cư lạc nghiệp cũng như việc bùng nổ lượng lớn giao dịch nhà ở sẽ là điều hiển nhiên để những Ngân hàng cân nhắc ổn định lãi suất cho vay và triển khai các chính sách ưu đãi phù hợp, giảm bớt gánh nặng cho người dân và củng cố thị trường tiềm năng BĐS.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/lai-suat-giam-thi-truong-bat-dong-san-duoc-gi-202209.htm