Lãi suất cho vay sẽ giữ ổn định

Vừa qua, 4 ngân hàng (NH) lớn đã bất ngờ đồng loạt hạ lãi suất huy động từ 0,3- 0,5%. Nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng, sau động thái của các “ông lớn” NH này, sẽ có nhiều NH nhỏ tiếp theo hạ lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay cuối năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mức giảm lãi suất huy động hiện chưa đủ để kéo giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, khi nhu cầu vay vốn cuối năm tăng thì việc lãi suất cho vay được giữ ổn định cũng là tín hiệu tích cực đối với DN.

Khó giảm lãi suất đồng loạt

Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mặc dù 4 NH lớn là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank vừa có động thái giảm lãi suất huy động trong tuần qua, nhưng đây chỉ là hành động tạm thời vì các NH lớn hạ lãi suất đều ở hạn mức ngắn hạn.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Trần việt -TTXVN

Với các NH nhỏ, động thái giảm lãi suất theo các NH lớn khó có thể xảy ra, bởi hiện nay, phần lớn các hoạt động kinh doanh của NH nhỏ vẫn yếu thế hơn các NH lớn. Ngoài ra, các NH nhỏ còn chịu áp lực từ việc từ 1/1/2017 sẽ phải giảm hạn mức tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo Thông tư 06/2016 từ 60% xuống 50%. Theo TS Tín, để chuẩn bị cho lộ trình này, các NH buộc phải tăng nguồn vốn huy động tất cả các kỳ hạn, không riêng gì ngắn hạn để tiếp tục cho vay trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, quy định tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi của các NHTM theo Thông tư 36/2014 phải đạt 80%. Nếu muốn tăng dư nợ mà tỷ lệ này không thay đổi thì các NHTM phải tăng tỷ lệ huy động vốn lên để duy trì dư nợ trên tổng tiền gửi là 80%. “Vì vậy, các NH nhỏ hiện đang nghe ngóng tình hình là chính chứ chưa dám đưa ra động thái nào về việc giảm lãi suất huy động tiếp theo hay không và cũng khó có sự giảm lãi suất huy động đồng loạt trong thời gian tới”, TS Tín nhận định.

Giảm lãi suất ở những lĩnh vực ưu tiên

TS Tín cũng cho rằng, việc cho vay theo Nghị quyết 35 của Chính phủ đang được các NH thực hiện rất tốt. Vì thế, dù phải chạy đua cho vay để đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cuối năm, nhưng các NH sẽ hi sinh một số lợi nhuận ở một số lĩnh vực kinh doanh để giữ ổn định lãi suất cho DN vay theo Nghị quyết 35, hoặc chỉ tăng, giảm một chút ít lãi suất nếu trên thị trường cho vay có biến động.

Bàn về vấn đề này, một số lãnh đạo ngân hàng khẳng định lãi suất cho vay trung, dài hạn hiện nay đã giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, với lãi suất ngắn hạn cũng được NH điều chỉnh giảm mạnh. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, không chỉ riêng Sacombank mà nhiều NH đều triển khai rất nhiều gói cho vay tiền đồng dành cho tất cả DN, trong đó ưu tiên DN nhỏ và vừa. Còn đối với các hoạt động tài trợ vốn ngắn hạn cho DN nhập khẩu, NH cũng đang cho vay lãi suất không quá 6,5%.

Mặc dù chưa điều chỉnh giảm lãi vay nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang duy trì các gói tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mới đây nhất, Agribank đã dành 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên, các khách hàng tốt, có quan hệ tín dụng truyền thống với ngân hàng. Phía ngân hàng này cũng đang chủ động tính toán duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp từ nay đến cuối năm đối với khách hàng; đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay hợp lý của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Một vị chuyên gia tài chính khác cũng phân tích, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng được các NH áp dụng không quá 7%/năm đối với 5 lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên đang phát huy tác dụng tốt. Theo đó, các NH có thể nhân rộng áp dụng mức lãi suất thấp cho một số ngành nghề, lĩnh vực khác có tiềm năng phát triển.

Hải Yên - Minh Phương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/tai-chinh/lai-suat-cho-vay-se-giu-on-dinh-20161003220723597.htm