Lãi suất cao nhất bị đẩy lên trên 10%/năm, vì sao?

Mức lãi suất cao ngất ngưởng 10,2%/năm liệu có phản ánh mặt bằng lãi suất huy động đã bị đẩy lên một tầng nấc mới?

Khát vốn trung dài hạn, ngân hàng 'đua' phát hành chứng chỉ tiền gửi

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) mới đây đã chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.

Theo đó, chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng, tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm.

10,2%/năm là mức lãi suất cao nhất trên thị trường tiền gửi ngân hàng hiện nay. Trước Viet Capital Bank, mức lãi suất cao nhất thuộc về chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).

Trên thực tế, chứng chỉ tiền gửi được coi là giấy tờ có giá tương tự như trái phiếu ngân hàng, thay vì là tiền gửi tiết kiệm thông thường. Đa phần chứng chỉ tiền gửi khá "cứng" về điều kiện rút vốn cũng như trả lãi, khi chủ yếu trả lãi vào ngày đáo hạn và không được rút trước hạn.

Trong hạch toán kế toán, chứng chỉ tiền gửi cũng được đưa vào khoản mục "Phát hành giấy tờ có giá" thay vì khoản mục "Tiền gửi của khách hàng".

Chính vì là "Giấy tờ có giá", đồng nghĩa là nợ thứ cấp do ngân hàng phát hành nên chứng chỉ tiền gửi có thể được tính vào Vốn cấp 2, qua đó giúp tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cho ngân hàng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, một trong những điều kiện để tính vào Vốn cấp 2 là nợ thứ cấp do ngân hàng phát hành nói chung hay chứng chỉ tiền gửi nói riêng phải có kỳ hạn ban đầu từ 5 năm trở lên.

Như vậy, các chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dưới 5 năm (tương đương dưới 60 tháng) không nằm trong mục đích tăng Vốn cấp 2.

Theo ghi nhận trên thị trường, đa phần chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dưới 60 tháng, cho thấy phần nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi là nhằm mục tiêu huy động vốn trung và dài hạn, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối thiểu từ mức 40% hiện này xuống mức 30% vào năm 2021 hoặc năm 2022.

Viet Capital Bank cũng không ngoại lệ, khi phần lớn các kỳ hạn phát hành chứng chỉ tiền gửi lần này là dưới 60 tháng.

Lãi suất cao nhất vọt lên trên 10% có đáng lo?

Mặc dù lãi suất huy động vốn trung dài hạn có xu hướng tăng, tuy nhiên, mức lãi suất lên đến 9,5%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng, tăng dần theo kỳ hạn và đạt 10,2%/năm với kỳ hạn 60 tháng rõ ràng là mức lãi suất rất cao so với mặt bằng chung hiện nay (thường từ 6,5% đến 8%/năm).

Theo khảo sát, không chỉ chứng chỉ tiền gửi, ngay cả tiền gửi thông thường tại Viet Capital Bank cũng có lãi suất thuộc hàng cao nhất thị trường. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng dao động từ 8%/năm đến 8,6%/năm.

Thêm vào đó, 6 tháng đầu năm 2019, tiền gửi khách hàng của Viet Capital Bank chỉ tăng vỏn vẹn 2,34%, trong khi kế hoạch cả năm lên đến 25%.

Những dữ liệu này phần nào cho thấy Viet Capital Bank đang gặp khó khăn nhất định trong bối cảnh cạnh tranh huy động trên thị trường ngày càng trở lên gay gắt. Mức lãi suất cao ngất ngưởng từ 9,5% đến 10,2%/năm có thể chỉ là cục bộ với riêng trường hợp của Viet Capital Bank chứ không phản ánh mặt bằng lãi suất huy động bị đẩy lên một tầng nấc mới.

Chưa kể đến động thái phát hành chứng chỉ tiền gửi lần này, việc đẩy lãi suất huy động lên cao so với năm ngoái đang ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Viet Capital Bank.

6 tháng đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của Viet Capital Bank đạt 418 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng tín dụng (tính bằng thu nhập lãi thuần/thu nhập lãi) của ngân hàng này giảm mạnh, từ mức 28,8% nửa đầu năm ngoái xuống còn 23,3% nửa đầu năm nay. Đây là mức biên lợi nhuận gộp thuộc hàng thấp nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.

Thời gian gần đây, một số ngân hàng tăng khá mạnh lãi suất, lên trên 8%/năm ở một số kỳ hạn nhất định, chẳng hạn như SHB, ABBank hay gần đây nhất là VIB.

Tuy nhiên, đối tượng hưởng mức lãi suất cao này khá hẹp, như ABBank chỉ có kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, SHB chỉ có khách hàng gửi tiết kiệm bậc thang trong thời gian của chương trình Ưu đãi chào thu, VIB chỉ tăng trong vài ngày đã định sẵn theo chương trình Prime Day, cho thấy đây chỉ là hiện tượng "nóng" bất thường nhằm đáp ứng cục bộ nhu cầu vốn trung dài hạn cũng như kết hợp với mục tiêu marketing và sẽ sớm hạ nhiệt.

Trên thực tế, các năm trước, lãi suất có những thời điểm được đẩy lên cao hơn cả hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cục bộ của ngân hàng.

Minh Tâm

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/lai-suat-cao-nhat-bi-day-len-tren-10nam-vi-sao-20180504224227799.htm