Lại sạt lở Quảng Nam: Khoanh vùng Bắc Trà My... di dân, tạm dừng lưu thông?

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, nhiều ý kiến cho rằng, nên tạm thời 'giới nghiêm' các khu vực có nguy cơ sạt lở, tạm thời di dân đến nơi an toàn và 'tê liệt' các tuyến đường, tạm dừng không có người dân lưu thông…

Khoanh vùng, giới nghiêm tuyến đường có nguy cơ sạt lở

Do ảnh hưởng của mưa bão dồn dập, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn biến phức tạp và liên tục Bắc Trà My bị sạt lở đất, núi. Mới đây nhất, vụ sạt lở đất xảy ra trên quốc lộ 40B, đoạn qua xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My khiến 3 người bị thương, một người mất tích.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, nhiều ý kiến cho rằng, nên tạm thời “giới nghiêm” các khu vực có nguy cơ sạt lở, tạm thời di dân đến nơi an toàn và “tê liệt” các tuyến đường, tạm dừng không có người dân lưu thông…

Hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra trên quốc lộ 40B, đoạn qua xã Trà Tân. Ảnh: Báo Quảng Nam

Hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra trên quốc lộ 40B, đoạn qua xã Trà Tân. Ảnh: Báo Quảng Nam

Trao đổi với PV Kiến Thức, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV cho rằng, tình hình sạt lở tại tỉnh Quảng Nam hiện tại rất nguy hiểm.

“Điều quan trọng nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Do đó dù bất cứ khó khăn, trở ngại thế nào, thậm chí có thể thiệt hại về kinh tế nhưng đảm bảo an toàn tính mạng người dân là quan trọng nhất. Do đó, việc khoanh vùng khu vực sạt lở, giới nghiêm, phong tỏa khu vực, tuyến đường có nguy cơ sạt lở, không cho người dân lưu thông những tuyến đường có nguy hiểm đó là rất phù hợp” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Theo đại biểu Hòa, nếu các tuyến đường có khả năng sạt lở cao mà cho người dân đi lại sẽ rất nguy hiểm.

“Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp như rà soát, công bố, di dân các khu vực có nguy cơ sạt lở. Tôi nghĩ việc phong tỏa một số con đường cho người dân không đi lại ở khu vực có nguy cơ sạt lở trong thời điểm này là cần thiết. Bởi việc này cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, mưa lũ dồn dập thời gian qua và hiện cơn bão mới lại sắp ập tới, nguy cơ sạt lở cao, những khu vực này có nguy cơ cao nên phong tỏa là phù hợp” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Không chỉ Bắc Trà My, nhiều điểm đen nguy cơ sạt lở cao khắp Quảng Nam

Ngày 11/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn 287/BCHPCTT&TKCN gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện đề nghị chủ động rà soát, kiểm tra thực hiện sơ tán dân.

Theo đó, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, cấp xã tổ chức kiểm tra và có biện pháp ứng phó đối với các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Cụ thể, huyện Nam Trà My gồm khu dân cư (KDC) thôn 1, thôn 2, thôn 3 xã Trà Mai; KCD thôn 1, KDC xã Trà Vân; KDC xã Trà Linh; KDC xã Trà Tập; KDC xã Trà Dơn; KDC xã Trà Don; KDC thôn 1, thôn 3 xã Trà Leng.

Huyện Phước Sơn gồm điểm trường học, trạm y tế, UBND và khu dân cư lân cận xã Phước Xuân; cụm dân cư (CDC) và UBND thị trấn Khâm Đức; CDC xã Phước Đức; điểm trường học, cụm dân cư và Trạm Y tế xã Phước Chánh; điểm trường học xã Phước Kim; CDC phía nam UBND xã Phước Công; CDC, UBND, Trạm Y tế xã Phước Lộc; CDC, UBND, Trạm Y tế xã Phước Hòa, Phước Hiệp.

Huyện Bắc Trà My gồm tuyến đường phía tây thị trấn Trà My; các thôn Cao Sơn, Mậu Long, KDC gần đồi Nam Công, thôn Tân Hiệp, thôn 5 xã Trà Sơn; thôn 1, điểm dân cư thôn 3 xã Trà Giang; điểm trường học, điểm dân cư thôn 3B, thôn 4, thôn 1 xã Trà Giác; khu vực gần núi Dương, suối Rễ, khu vực gần suối Giác, thôn 4 xã Trà Ka; khu vực thôn 5A xã Trà Kót; CDC gần suối Bà Hai, khu vực các thôn Thanh Trước, Hòa An, Đông Phú, Ba Hương, CDC gần núi Vườn Thơm, từ thôn Dương Bình đến trung tâm xã Trà Đông; CDC thôn 4 xã Trà Đốc; CDC thôn 9, thôn 7 xã Trà Bui; CDC gần Trạm Y tế xã Trà Đốc; CDC, UBND, Trạm Y tế xã Trà Tân.

Nhiều khu dân cư tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Ảnh: VGP

Huyện Nam Giang gồm thôn Côn Zốt 2 (B Lăng, G Rát), thôn A Sô, Đăk Ngọn xã La Êê; khu vực gần sông Đăk Đông; KDC Pa Đhí, Pa Rum B xã Zuôih; tuyến đường giao thông gần sông Cha Buôi; tuyến đường giao thông gần thủy điện Sông Bung; KDC xã Đắc Pre; KDC thôn Tà Pót xã Đắc Pring; KDC Đá Trắng, Thạnh Mỹ 2, làng Hoa thị trấn Thạnh Mỹ; KDC K'Rung, A'Roong, Pà Păng xã Cà Dy; KDC Pà La, Ka Đăng, Pà Jing xã Tà Bhing; tuyến đường giao thông gần sông Gơ Man.

Huyện Tây Giang gồm KDC Pạ Non, Ch Nooc, KDC thôn Tung, Z'Rước, H'Ruh xã Ch'Ơm; tuyến đường xã Ch'Ơm, thôn Ganil xã A Xan; KDC xã A Tiêng; KDC thôn Bướp, R'Bhượp xã A Tiêng; KDC thôn A Rơh1, A Rau, Tà Ri xã Lăng.

Huyện Đông Giang gồm KDC thôn Bồn Gliềng xã Cà Dăng; KDC thôn 2, thôn 3 xã Ba; KDC thôn A Bung, A Dinh xã A Rooi; KDC thôn A Giang, thôn Đền xã Mà Cooih.

Huyện Hiệp Đức gồm KDC thôn 2, thôn 3 xã Hiệp Hòa; tuyến giao thông giáp ranh xã Bình Lâm, KDC thôn 1A, 1B xã Sông Trà; KDC thôn 1, 3 xã Phước Gia; KDC thôn 7 xã Phước Trà; KDC thôn 2, 4 xã Quế Bình (cũ) - nay là thị trấn Tân Bình.

Huyện Nông Sơn gồm KDC thôn 4 xã Sơn Viên; KDC thôn 1, 2, 3 xã Quế Lộc; KDC thôn 3 xã Quế Lâm.

Huyện Tiên Phước gồm KDC thôn 6 xã Tiên Lãnh; KDC thôn 10 xã Tiên Thọ; KDC thôn 1, 5, 7 xã Tiên Cảnh; KDC thôn 3, 5 xã Tiên Hiệp.

Ngoài ra, tại một số xã có địa hình đồi núi thuộc các huyện trung du và đồng bằng cần xem xét kiểm tra các KDC sinh sống lân cận để có cảnh báo và biện pháp ứng phó phù hợp, gồm xã Đại Lãnh, Đại Sơn (Đại Lộc), Duy Sơn, Duy Phú (Duy Xuyên), Quế Hiệp (Quế Sơn), Tam Lãnh (Phú Ninh), Tam Mỹ Tây (Núi Thành).

Sơ tán người dân tại 93 điểm có nguy cơ cao sạt lở đất

Chiều 11/11, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương rà soát, kiểm tra thực hiện sơ tán dân tại các địa điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Cụ thể, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 93 vị trí thôn, bản, khu, cụm dân cư, điểm trường, trạm y tế… có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, tập trung ở các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang…

Ngoài ra, tại một số xã có địa hình đồi núi thuộc các huyện trung du và đồng bằng cần xem xét kiểm tra các khu dân cư sinh sống lân cận để có cảnh báo và biện pháp ứng phó phù hợp (các xã Đại Lãnh, Đại Sơn, huyện Đại Lộc; xã Duy Sơn, Duy Phú, huyện Duy Xuyên; xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn; xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh; xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành).

Hiện nay tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn biến phức tạp. Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam cho biết, từ ngày 11/11 đến ngày 12/11, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cường độ mưa to đến mưa rất to tập trung trong ngày hôm nay (11/11). Tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm, có nơi trên 300 mm.

Để chủ động triển khai ứng phó với mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

Mời độc giả xem thêm video Kinh hoàng khoảnh khắc sạt lở khủng khiếp ở Bắc Trà My, Quảng Nam

Nguồn: Thanh Niên.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/lai-sat-lo-quang-nam-khoanh-vung-bac-tra-my-di-dan-tam-dung-luu-thong-1459793.html