Lại 'nóng' cuộc tranh luận kỷ nguyên dầu mỏ bao giờ thoái trào

(TBKTSG Online) – Kỷ nguyên của ngành công nghiệp dầu mỏ đang dần tiến đến hồi kết nhưng giới phân tích vẫn tranh luận gay gắt về thời điểm chính xác mà nó sẽ thoái trào, theo tờ The Wall Street Journal.

Các dự báo mới nhất cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong 5 năm tới. Ảnh minh họa: Azer News

Nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh trong 5 năm tới?

Theo các dự báo mới nhất, trong vòng 5 năm tới, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ sẽ chấm dứt. Hôm 10-9, tổ chức tư vấn Carbon Tracker Initiative, có trụ sở ở London, công bố báo cáo dự báo nhu cầu dầu thô sẽ lập đỉnh vào khoảng năm 2023 khi năng lượng gió và mặt trời ngày có chi phí sản xuất ngày càng cạnh tranh và được sự hỗ trợ của các chính phủ để thay thế dầu, than đá và khí đốt. Báo cáo cho biết động lực thay đổi nằm ở các nền kinh tế mới nổi, nơi chiếm hầu hết tăng trưởng về nhu cầu năng lượng toàn cầu. Các nền kinh tế này sẽ chộp lấy các cơ hội của kỷ nguyên năng lượng tái tạo để giảm sự phụ thuộc năng lượng vào dầu nhập khẩu.

“Đó không phải là một viễn cảnh giả định nữa mà đã quá rõ”, Kingsmill Bond, nhà chiến lược năng lượng mới, tác giả của bản báo cáo trên, nói. Ông cho rằng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tăng trưởng trong 200 năm qua và đã đến lúc bước vào giai đoạn suy thoái cấu trúc.

Theo báo cáo, chi phí sản xuất năng lượng mặt trời, năng lượng gió và hệ thống pin trữ điện đang giảm nhanh và giờ đây có thể cạnh tranh với các loại nhiên liệu hóa thạch mà không cần chính sách trợ giá của các chính phủ. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA), đến năm 2020, năng lượng mặt trời sẽ rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch ở mọi khu vực trên thế giới.

Cũng trong ngày 10-9, công ty quản lý rủi ro DNV GL (Na Uy) công bố một báo cáo nêu ra quan điểm tương tự. Báo cáo này dự báo nhu cầu dầu sẽ tiến đến mức đỉnh trong vòng 5 năm tới, mở đường cho năng lượng tái tạo vươn lên giành vị thế thống lĩnh trên thị trường năng lượng.

Remi Eriksen, giám đốc điều hành DNV GL, nói: “Sự chuyển đổi này là điều không thể chối cãi”. Ông cho rằng mức tăng trưởng doanh số xe điện nhanh hơn dự báo đang đẩy nhanh mốc thời gian mà nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh.

Báo cáo của DNV GL ghi nhận châu Âu đang dẫn đầu về tốc độ phổ cập xe điện và đến năm 2027, khoảng có phân nửa doanh số xe mới ở khu vực này được trang bị động cơ điện, trong khi đó, đến năm 2033, khoảng 50% doanh số xe mới ở Bắc Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là xe điện.

Các ông lớn dầu khí lo ngại

Các dự báo trên càng làm nóng thêm cuộc tranh luận giữa các nhà phân tích và các lãnh đạo ngành năng lượng về tương lai của ngành công nghiệp dầu mỏ. Các quan điểm chủ lưu hiện này đã thay đổi nhiều so với cách đây một thập kỷ khi nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ nguồn cung dầu mỏ cạn kiệt. Giờ đây, các mục tiêu đầy tham vọng của cộng đồng quốc tế về ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, kết hợp với các công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo tốt hơn và rẻ hơn, đang gây áp lực cho nhu cầu dầu trong dài hạn.

Mặc dù hầu hết các dự báo cho rằng quá trình thoái trào của dầu mỏ sẽ diễn ra trong một thời gian lâu nhưng các dự báo mới đang gia tăng áp lực cho các ông lớn dầu khí toàn cầu, buộc họ phải gấp rút tìm cách đối mặt với sự chuyển đổi năng lượng sắp diễn ra.

Các nhà đầu tư đang yêu cầu các ông lớn dầu khí phải vạch ra phương hướng kinh doanh thích ứng với sự chuyển đổi năng lượng trong thời gian tới. Dù ngành công nghiệp dầu mỏ nói chung có tầm nhìn lạc quan hơn về nhu cầu dầu, một số ông lớn dầu khí lo ngại thời điểm nhu cầu dầu đạt đỉnh có thể đến sớm hơn dự báo.

Hồi đầu năm nay, tập đoàn dầu khí BP đưa ra báo cáo nói rằng cơn khát dầu của thế giới có thể bão hòa và bắt đầu suy giảm giữa giai đoạn 2035-2040. Báo cáo ghi nhận các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Trong báo cáo trước đó, BP cho rằng nhu cầu dầu thô sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến thập niên 2040. Tập đoàn dầu khí Shell cho biết nếu cộng đồng thế giới quyết liệt hành động để chống hiện tượng nóng lên toàn cầu, tiêu thụ dầu có thể đạt đỉnh vào giữa thập niên 2020.

Nhiều nhà phân tích nói rằng dự báo nhu cầu dầu đạt đỉnh vào năm 2023 của công ty quản lý rủi ro DNV GL là quá bi quan. Brian Youngberg, nhà phân tích năng lượng ở công ty dịch vụ tài chính Edward Jones (Mỹ), cho rằng báo cáo của DNV GL quá tập trung vào xu hướng phổ cập xe điện và nhiên liệu sạch ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc, trong khi đó, phần lớn nhóm các nước đang phát triển vẫn phụ thuộc vào dầu và than để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thế giới đang tiến đến năng lượng sạch nhưng có thể không nhanh và với chi phí không rẻ như báo cáo của DNV GL gợi ý.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nơi đưa ra các dự báo được xem là chuẩn mực về ngành công nghiệp dầu mỏ, cũng đã công bố nhiều kịch bản dự báo trong đó có kịch bản dự báo tiêu thụ dầu có thể lập đỉnh vào thập niên 2020 nếu thế giới hành động quyết liệt để chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quan điểm chủ chốt của IEA là nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng trưởng đến năm 2040. Đây cũng là quan điểm của hai ông lớn dầu khí Mỹ ExxonMobil và Chervon.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278502/lai-nong-cuoc-tranh-luan-ky-nguyen-dau-mo-bao-gio-thoai-trao.html