Lại nóng chuyện Thổ mua S-400: Phụ thuộc hay tự chủ?

Liên tiếp những ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, NATO có những tuyên bố nóng về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga

Những tuyên bố tạo nên những rạn nứt chưa từng có trong khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ Tổng thống Erdogan quyết tâm mua S-400 bất chấp việc có thể bị Mỹ trừng phạt, không chỉ đơn thuần vì tính năng của S-400, mà còn vì độc lập, tự chủ của đất nước và vì chính sinh mệnh chính trị của ông.

Hệ thống S-400 với nhiều mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ

Hệ thống S-400 với nhiều mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Thỏa thuận về việc cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ bốn sư đoàn trang bị hệ thống phòng không S-400 Triumph do Nga sản xuất được hai bên ký kết vào tháng 9 năm 2017.

Thương vụ mua S-400 Nga đã khiến các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, đặc biệt là Mỹ, đưa ra những tuyên bố và hành động răn đe cứng rắn với nước này.

Washington đã đình chỉ việc cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ là F-35 Lightning II cho Ankara, do lo ngại bị rò rỉ dữ liệu về khả năng của tiêm kích tàng hình này, qua việc tập luyện với S-400 Nga. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua của Mỹ tổng cộng hơn 100 chiếc F-35.

Ngoài ra, cả Washington và Brussels đều tuyên bố rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được tích hợp hệ thống phòng không S-400 vào hệ thống phòng thủ của NATO, hơn nữa nước này có thể sẽ bị trừng phạt theo “Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt” (Countering America's Adversaries Through Sanctions Act – CAATSA).

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thông báo hôm 21/10 rằng, các hệ thống S-400 Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Nga không thể tích hợp vào hệ thống phòng không thống nhất của khối, vì chúng “có thể sẽ tạo rủi ro cho máy bay của các nước trong liên minh”.

Để Thổ Nhĩ Kỳ không đánh mất “chiếc ô phòng không” của khối, NATO ủng hộ Ankara nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế S-400 Nga.

Những quan điểm phân tích khác nhau về thương vụ này đã tốn không ít giấy mực của giới truyền thông và cũng nhận được sự quan tâm sát sao của cộng đồng quốc tế.

Có một luồng ý kiến của khá đông chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 là do hệ thống phòng không Nga đã thể hiện tính năng rất ưu việt khi bảo vệ căn cứ không quân Nga Hmeymim ở Latakia, của Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ mua vì tính năng của S-400

Chuyên gia phân tích quân sự cấp cao tại Stratfor là ông Omar Lamrani đã từng nói với hãng tin Ahval của Thổ Nhĩ Kỳ rằng, sự lựa chọn hệ thống phòng không của một quốc gia không thuộc NATO không liên quan gì đến vấn đề chính trị mà chủ yếu liên quan đến việc chuyển giao công nghệ quan trọng trong lĩnh vực chế tạo tên lửa phòng không, cũng như mong muốn cải thiện mối quan hệ với Moscow.

Ông Timur Akhmetov, một nhà nghiên cứu của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, có trụ sở tại Ankara, đã xem việc mua S-400 như một phần của chính sách đối ngoại độc lập và hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng nội địa vững mạnh, với các công nghệ phòng không tiên tiến mà Nga chuyển giao, để thúc đẩy khả năng phòng thủ của mình trong các lĩnh vực liên quan.

Còn ông Joseph Trevithick, một cây bút chuyên về quốc phòng của The War Zone, cũng nhận định thiên về vấn đề quân sự.

Ông này cho biết, trong suốt 30 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ có một hệ thống phòng không tầm xa và phải hoàn toàn dựa vào các hệ thống tên lửa Patriot của đồng minh NATO để bảo vệ không phận đất nước.

Trong bối cảnh quan hệ với một số đồng minh chủ chốt trong NATO như Mỹ, Đức, Anh đang không mấy êm đẹp, quyết định mua S-400 Nga của ông Erdogan là rất dễ hiểu.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia cho rằng, việc Ankara quyết tâm đặt mua hệ thống phòng không Nga, kiên quyết thực hiện hợp đồng và sẵn sàng chấp nhận tách S-400 khỏi hệ thống phòng không chung của NATO, đặt nó hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của một mình nước này, không chỉ đơn thuần là xuất phát từ tính năng ưu việt của vũ khí.

Erdogan mua S-400 để bảo vệ mình trước… đồng minh

Tuy nhiên, ông Levent Özgül, một nhà phân tích của Diễn đàn quốc phòng và địa chính trị có trụ sở tại Ankara, đã đưa ra một quan điểm khác. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 là để bảo vệ mình trước những nỗ lực đảo chính.

Vào đêm 15/7/2016, lực lượng đảo chính đã sử dụng những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất ném bom vào tòa nhà quốc hội.

Đây là lần đầu tiên thủ đô Ankara bị tấn công quân sự kể từ năm 1402, thậm chí cả chuyên cơ Tổng thống của ông Erdogan cũng đã nằm trong tầm ngắm của F-16, nhưng nó đã không bị bắn rơi vì nhiều lý do.

Vào thời điểm đó, nhà phân tích chính sách đối ngoại Ali Demirdas đã bình luận trên tờ The National Interest rằng, từ khi bắt đầu nhận được thông tin đầu tiên về cuộc đảo chính đến khi giành lại quyền kiểm soát tình hình ở Ankara và Istanbul, lực lượng trung thành với ông Erdogan đã thất bại trong việc đánh chặn hoặc bắn hạ chiến đấu cơ của phe đảo chính, được tiếp liệu bởi chính các máy bay tiếp dầu Mỹ ở căn cứ không quân Incirlik của nước này.

Cuộc đảo chính tháng 7/2016 nổ ra đã khiến Tổng thống Erdogan bàng hoàng nhận ra một sự thật là ông thực sự bất lực trước các máy bay của quân đội nước mình hoặc của đồng minh NATO.

Điều này đã thuyết phục nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng, ông cần có một hệ thống phòng không phi NATO để bảo vệ chính mình trước một cuộc đảo chính khác. Và để làm được điều đó, ông cần hướng tới một sự “độc lập tương đối” đối với phương Tây, nhất là đối với Mỹ và các “đồng minh không thiện chí”.

Như vậy, việc tách rời S-400 khỏi hệ thống phòng không chung của NATO dường như là chủ ý của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi nước này không muốn NATO có thể kiểm soát nó, chính quyền Ankara muốn bảo vệ sự độc lập của S-400 nhằm giữ lại một “bảo bối tối hậu” những khi đất nước có biến.

Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới sự độc lập, tự chủ

Chuyên gia Özgül cho rằng, việc ông Erdogan phớt lờ lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ đã cho thấy sự chuyển hướng của Ankara về chính sách đối ngoại tự chủ, không phụ thuộc vào liên minh NATO.

Ông cho rằng, những mâu thuẫn với Mỹ trong vấn đề người Kurd ở Syria-Iraq và cuộc đảo chính năm 2016; sự bế tắc trong vấn đề gia nhập EU và người tỵ nạn với Liên minh châu Âu;

tranh chấp biển với Hy Lạp, Síp… đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ coi chính các đồng minh của mình là mối đe dọa tiềm tàng và quyết định tiến tới một sự độc lập chính trị và cảnh giác với chính Mỹ-NATO.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn “củng cố mối quan hệ đối tác với Moscow - mối quan hệ không bằng phẳng, có mâu thuẫn - nhưng vẫn được duy trì tránh để xảy ra khủng hoảng”.

Ông Özgül dự kiến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng tổ hợp S-400 đầu tiên để bảo vệ Ankara và dinh tổng thống; tổ hợp thứ hai để chống lại các cuộc tấn công của Syria, Israel hoặc chính các đồng minh NATO; trong khi tổ hợp thứ ba có khả năng đóng tại Istanbul và bảo vệ khu vực Aegean.

Các hệ thống phòng không Nga sẽ được giao những nhiệm vụ riêng, bảo vệ các cơ quan đầu não chính phủ, quân đội; các cơ sở kinh tế và các công trình quân sự quan trọng của đất nước, còn các mục tiêu khác sẽ “nhường” cho hệ thống phòng không NATO.

Như vậy, những mục tiêu trọng yếu nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã được giao cho hệ thống tên lửa phòng không Nga, chứ không phải hệ thống vũ khí của đồng minh.

Có thể nhận thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga dựa trên cả yếu tố chính trị lẫn nhu cầu quân sự, vừa xuất phát từ việc hài lòng về tính năng của S-400, Ankara còn hướng tới một mục tiêu cao hơn là sự độc lập, tự chủ của đất nước.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/lai-nong-chuyen-tho-mua-s-400-phu-thuoc-hay-tu-chu-3421508/